Lao động Nguyễn Thị Tuyết, 32 tuổi quê ở Nghệ An hiện đang làm công nhân ở Công ty Hoya Glass Disk Vietnam (Khu công nghiệp Thăng Long, Đông Anh) cho rằng những công nhân lao động như chị đi làm xa nhà cả năm mới được về quê được vài lần. Lần nào về cũng tất tưởi, nhanh nhanh, chóng chóng để quay lại nơi làm việc rất cực khổ.

“Mặc dù cả năm cũng được nghỉ dăm, ba bận nhưng mỗi lần nghỉ được 2 -3 ngày, quê ở xa chỉ đi tàu xe cũng hết 1 ngày còn 1 - 2 ngày thì thăm thân được ai, chơi được gì đâu. Thế nên, năm nào gia đình tôi cũng chỉ chờ đến tết được nghỉ dài mới về quê”, chị Tuyết nói.

Anh Nguyễn Văn Nam, công nhân làm tại Khu công nghiệp Tam Phước (Đồng Nai) quê ở Bến Tre cho biết: “Mặc dù doanh nghiệp nói là cho nghỉ theo lịch của nhà nước quy định, thế nhưng để nghỉ được theo lịch ấy thì công ty bắt công nhân phải tăng ca liên tục để hoàn thành các đơn hàng. Tết nghỉ ngắn khiến ai cũng lo lắng, chưa về quê đã phải lo đi làm, rất mệt mỏi và căng thẳng”, anh Nam nói.

Trên mạng, nhiều diễn đàn cũng đang “sôi sục” tranh cãi về vấn đề này. Hầu hết người dân đều mong muốn nghỉ 10 ngày sau một năm làm việc vất vả, đồng thời thu xếp giải quyết các việc lớn của gia đình hoặc về quê xa… Tuy nhiên, cũng một số ít cho rằng nghỉ 7 ngày dễ trở lại với công việc hơn, còn 10 ngày sẽ… lười.

 

nguoi lao dong soi suc “doi” nghi tet 10 ngay hinh anh 1
Lao động mong được nghỉ tết dài (ảnh chụp tại Công ty Hongfu Thanh Hóa- Minh Nguyệt)

 

Ông Mai Đức Chính – Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng nhất trí phương án nghỉ 10 ngày. Theo ông Chính, nghỉ tết dài sẽ tạo điều kiện cho lao động được hưởng một cái tết trọn vẹn. Nghỉ tết dài còn giúp lao động có thời gian di chuyển, đi chơi, chúc tụng, thăm thân tốt hơn. Đặc biệt, nghỉ dài cũng là điều kiện để người lao động đi du lịch, kích cầu mua sắm. “Dù cho có nghỉ 7 ngày, nhưng sau 7 ngày ấy lao động đi làm thì họ vẫn đến chúc tụng, đi lễ nên thời gian làm việc đó nó cũng không hiệu quả như mong đợi”, ông Chính nói.

Ông Chính cũng nói thêm, hàng năm việc di chuyển đi lại của công nhân lao động thường gặp rất nhiều khó khăn. Thế nên nếu không cho lao động nghỉ tết 10 ngày thì lao động cũng sẽ xin nghỉ phép. Về việc doanh nghiệp ý kiến không nên nghỉ dài vì điều này sẽ ảnh hưởng tới tiến độ sản xuất, trao đổi đơn hàng, ông Chính cho rằng: “Nếu doanh nghiệp có một kế hoạch tốt thì doanh nghiệp hoàn toàn có thể chủ động được việc sản xuất, cung ứng đơn hàng. Vấn đề nghỉ dài hay ngắn không quan trọng, quan trọng nhất là sau tết lao động phải đi làm việc nghiêm túc chứ không phải lại đi lễ hội, chùa chiền”. Ông Chính cũng cho biết thêm, Tổng Liên đoàn đã ký văn bản, chọn phương án nghỉ tết 10 ngày để gửi Bộ LĐTBXH.

Đồng quan điểm với ông Chính, ông Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội, Viện Xã hội học cho rằng: “Việc nghỉ dài hay ngắn không quan trọng. Nếu thời gian nghỉ tết ngắn, lao động đi làm xen kẽ vào ngày nghỉ thì năng suất lao động, chất lượng công việc cũng chưa chắc được nâng cao, thậm chí sẽ vẫn tiếp diễn tình trạng giao lưu, chúc tụng, đi lễ chùa… Chính vì vậy, cho lao động nghỉ 10 ngày cũng có thể chấp nhận được”.

Trước đó, cuối tháng 9.2016 khi Bộ LĐTXBH gửi phương án xin ý kiến nghỉ tết nhiều đơn vị, các doanh nghiệp cũng đã phản đối phương án nghỉ 10 ngày vì cho rằng điều này sẽ làm ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như hoàn tất thủ tục pháp lý.

Theo đại diện lãnh đạo Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH) cho biết, hiện nay Cục mới hoàn tất tổng hợp ý kiến để trình Chính phủ xin ý kiến về phương án nghỉ tết. Theo bảng tổng hợp đa phần các bộ ngành đều chọn phương án 7 ngày, riêng Tổng liên đoàn lao động chọn phương án nghỉ tết 10 ngày.


Theo Dân Việt