Chiếc áo yếm cách tân "gây sốc" khán giả
Hôm 8/5, loạt ảnh về bộ sưu tập thời trang của người mẫu, nhà thiết kế Tường Danh lan truyền trên mạng xã hội. Được biết đây là show diễn New traditional (tạm dịch: Truyền thống mới) tổ chức tối 6/5 tại TP Thủ Đức.
Trong loạt ảnh chia sẻ trên mạng, khán giả sốc khi chứng kiến người mẫu diện những thiết kế táo bạo. Gây tranh cãi nhất là hình ảnh người mẫu đội nón quai thao, mặc áo yếm cách điệu, để lộ gần hết phần lưng cùng vòng 3. Nhiều thiết kế khác lấy cảm hứng từ áo dài, áo yếm truyền thống nhưng cũng có phom dáng cắt xẻ táo bạo.
Thiết kế áo yếm cách tân "che phần trước, hở phần sau" gây tranh cãi (Ảnh: Chụp màn hình).
Một số ý kiến khen ngợi sự sáng tạo, táo bạo của Tường Danh nhưng phần lớn cho rằng cho rằng đây là những trang phục phản cảm, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam.
Khán giả Trần Thủy bình luận trên Facebook: "Đối với áo yếm, dù nó có là đồ lót nhưng vẫn là biểu tượng của phụ nữ, là biểu tượng cho sự mềm mại và thướt tha, duyên dáng chứ không phải lố lăng để mà phối với quần lọt khe, giày cao gót như vũ nữ thoát y như vậy". Tài khoản Gia Nghiêm đưa ra ý kiến: "Cách tân mà không hợp thuần phong mỹ tục thế kia thì làm ơn đừng gắn mác lấy cảm hứng từ trang phục truyền thống Việt Nam".
Ngoài ra, dân mạng còn nhận xét chất liệu vải, đường may của các thiết kế cũng thể hiện sự cẩu thả, kém kỹ thuật của thợ may. "Bộ sưu tập này thiếu chỉn chu từ việc khai thác ý tưởng cho đến quá trình thực hiện. Ở góc độ thẩm mỹ thì không hề đẹp, chưa cần bàn đến chuyện có phản cảm hay không", cư dân mạng tên Vũ Anh bình luận.
"Đừng nhân danh nghệ thuật để sáng tạo tùy tiện"
Bên cạnh phản ứng của cư dân mạng, giới chuyên môn cũng đưa ra nhiều nhận xét phản đối về bộ sưu tập của Tường Danh.
Chia sẻ với phóng viên, nhà thiết kế Sĩ Hoàng, nhà sáng lập Bảo tàng Áo dài - đưa ra quan điểm: "Mỗi người đều có quyền sáng tạo, nhưng đừng nhân danh lấy cảm hứng từ văn hóa dân tộc để sáng tạo tùy tiện. Tôi không muốn nhận xét đồng nghiệp và thế hệ trẻ nhưng tôi cho rằng đã công bố một sản phẩm thì phải chịu trách nhiệm về sản phẩm đó trước công chúng".
"Sau nhiều năm nghiên cứu về văn hóa truyền thống Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử, tôi cho rằng đây là công việc cần sự tìm hiểu, khai thác kỹ lưỡng. Có thể lấy ý tưởng và kế thừa nét đẹp các di sản văn hóa dân tộc nhưng phải hết sức cẩn trọng. Sự sáng tạo dù táo bạo, mới mẻ đến đâu cũng cần có thời gian để cân chỉnh sao cho phù hợp với văn hóa, phong cách sống, bối cảnh xã hội", ông Sĩ Hoàng cho hay.
Các người mẫu trình diễn bộ sưu tập của nhà thiết kế Tường Danh (Ảnh: Chụp màn hình).
Nhà thiết kế cũng nhắc đến ý tưởng sáng tạo áo yếm cách tân và đưa ra quan điểm: "Áo yếm vốn là áo lót của phụ nữ xưa. Bối cảnh sử dụng hầu hết là ở nhà, nơi riêng tư như chốn phòng the. Người xưa coi yếm là cái gì đó còn mang tính thiêng liêng, khi giặt, phơi cũng phải kín đáo tránh lộ liễu. Không ai mặc hớ hênh ra đường cả. Theo cá nhân tôi, hình ảnh áo yếm cách điệu mặc cùng quần lót như trong show diễn là không chấp nhận được".
Ông Sĩ Hoàng nói thêm: "Người mẫu đảm nhận trang phục đó cũng cần nhìn lại. Họ nên từ chối khi nhà thiết kế đưa ra lời mời. Tôi cũng đặt câu hỏi rằng chương trình đó được tổ chức như thế nào, đã được Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM kiểm duyệt hay chưa?".
Trên mạng xã hội, nhà thiết kế Hà Nhật Tiến cũng đưa ra ý kiến xoay quanh cuộc tranh cãi về bộ sưu tập này. Anh nói: "Không phủ nhận sự sáng tạo vô biên của thế hệ trẻ. Tôi nể phục điều đó. Nhưng đem hình ảnh gán ghép cho sự làm mới gây sốc liên quan đến văn hóa thì không thể chấp nhận được. Sáng tạo thì vô biên nhưng cốt lõi vẫn phải có giá trị".
Họa sĩ, nhà nghiên cứu áo dài Nguyễn Đức Bình bình luận trên trang cá nhân: "Đây không phải là đứt gãy mà là tha hóa".
Ê-kíp thất bại khi truyền tải thông điệp?
Sau khi nổ ra tranh cãi, Tường Danh - nhà thiết kế kiêm giám đốc nghệ thuật của bộ sưu tập - đã lên tiếng trên một trang mạng xã hội, giải thích về sản phẩm của mình: "Nếu là áo yếm truyền thống thì chắc chắn nó sẽ là câu chuyện khác. Ở đây nó là một chiếc đầm được lấy cảm hứng từ áo yếm nhưng thành phẩm cuối cùng nó đã được thay đổi hoàn toàn so với chiếc áo yếm truyền thống".
Nhà thiết kế trẻ nói chiếc đầm có phom dáng giống áo yếm này chỉ là một phần nhỏ của bộ sưu tập và mong mọi người nhìn tổng thể bức tranh thay vì tập trung vào chi tiết cụ thể.
Liên quan đến sự việc, người mẫu Naomi Roestel Huỳnh - người trình diễn thiết kế áo yếm cách tân trong show của Tường Danh - cũng lên tiếng. Cô khẳng định hình ảnh mình mang đến không hề phản cảm hay tục tĩu: "Tôi muốn phái nữ nắm quyền sở hữu cơ thể họ. Cơ thể chúng tôi không tục tĩu mà là nghệ thuật. Đừng phán xét, tình dục hóa nó".
Người mẫu, nhà thiết kế Tường Danh (Ảnh: Facebook nhân vật).
Mặc dù vậy, dân mạng vẫn đưa ra những phản bác. Khán giả cho rằng vấn đề không phải phụ nữ mặc áo yếm cách điệu như thế nào mà vì ê-kíp đã "thất bại trong việc khai thác ý tưởng, truyền tải thông điệp".
"Một người phụ nữ mặc chiếc áo yếm nằm cạnh dòng suối, nằm trên tấm sập gỗ trong các tác phẩm nghệ thuật hiện lên mềm mại và tự nhiên, chứ không phải dưới ánh đèn chớp nhoáng kèm các biểu cảm cợt nhả. Cái sai ở đây là ê-kíp không nghiên cứu kỹ nội dung, thất bại trong việc truyền tải thông điệp", tài khoản K.A nói.
Bạn Nguyễn Nhi đưa ra lời khuyên: "Theo mình, nhà thiết kế nên giữ lại chút gì đó kín kẽ và tôn vinh cốt cách phụ nữ Việt trên các chất liệu truyền thống. Tôn trọng lịch sử và văn học cũng là cách để sáng tạo mà không đi quá xa thuần phong mỹ tục".
Phóng viên đã liên hệ với Tường Danh và người mẫu Naomi Roestel Huỳnh nhưng chưa nhận được phản hồi.
Người mẫu Tường Danh đến từ Lâm Đồng, từng vào top 14 Miss International Queen Vietnam (Hoa hậu Chuyển giới Việt Nam) năm 2020. Gần đây, Tường Danh lấn sân thiết kế, sáng lập thương hiệu thời trang riêng. |
Theo Dân Trí