Liên quan đến vụ mẹ chôn sống con một ngày tuổi tại Bình Thuận, trao đổi với phóng viên, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính pháp, đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, hành vi của chị Trần Thị Á Khương sẽ bị xem xét xử lý về "Tội giết người" theo Điều 123 Bộ luật hình sự hoặc "Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ" theo quy định tại Điều 124 Bộ luật hình sự năm 2015.
Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp - Đoàn LS Thành phố Hà Nội.
Nhận định về vụ việc, luật sư Cường cho rằng: "Việc đối tượng Trần Thị Á Khương, trú tại Tân Thắng, Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận chôn sống con đẻ của mình là một vụ việc khiến dư luận kinh hoàng, rúng động. Ít ai nghĩ rằng một người mẹ có thể nhẫn tâm chôn sống con của mình - trừ trường hợp bà mẹ này mắc bệnh tâm thần. H
iện nay, cơ quan điều tra xác định nguyên nhân khiến Khương chôn sống đứa trẻ mới sinh là do 'chồng chửi mắng, nghi ngoại tình...' lại càng nhiều người xót xa, bức xúc".
Cũng theo luật sư Cường, hiến pháp và pháp luật Việt Nam có nhiều quy phạm pháp luật để bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, nhất là với nhóm người yếu thế, cần được chăm sóc, bảo vệ như người già, trẻ em.
Đặc biệt là khi có Luật trẻ em năm 2015, trong Bộ luật hình sự năm 2015, vấn đề quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em càng được chú trọng và có những cơ sở pháp lý cụ thể để xử lý khi có người vi phạm.
Bé trai bị chôn sống ở Bình Thuận có vết thương dài ở mặt.
Bởi vậy, đứa trẻ trong vụ việc này sẽ được bảo vệ bằng các quy định pháp luật hiện hành. Pháp luật không cho phép cha, mẹ hay bất kỳ ai tự ý tước đoạt tính mạng của trẻ em. Hành vi cố ý tước đoạt tính mạng của trẻ em là hành vi giết người.
Trong vụ việc này, người mẹ sẽ bị xem xét xử lý về "Tội giết người" theo Điều 123 Bộ luật hình sự hoặc "Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ" theo quy định tại Điều 124 Bộ luật hình sự năm 2015.
"Như vậy, trong vụ việc này, cơ quan điều tra cần làm rõ tập quán của người dân địa phương này là khi 'bị nghi ngờ đứa con sinh ra do ngoại tình' thì theo tập quán người mẹ phải giết hoặc vứt bỏ đứa con đó hay không? Địa phương này có hủ tục lạc hậu nào về việc giết con mới đẻ hay không? Đối tượng Khương có rơi vào hoàn cảnh khách quan đặc biệt hay không để áp dụng Điều 124 Bộ luật hình sự xử lý Khương về tội giết con mới đẻ", luật sư Cường phân tích.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, nếu kết quả điều tra cho thấy địa phương này không có hủ tục nào liên quan tới con sinh ra do ngoại tình thì phải chết, Khương cũng không rơi vào "hoàn cảnh khách quan đặc biệt" (những nguyên nhân bên ngoài tác động, khiến người mẹ này không thể giữ được con...) thì mới có cơ sở để xử lý người mẹ này về tội giết con mới đẻ theo Điều 124 Bộ luật hình sự với mức hình phạt cao nhất là 3 năm tù.
Nếu kết quả điều tra cho thấy đối tượng Khương thông thuộc trường hợp giết con mới đẻ thì sẽ bị xử lý về tội giết người theo quy định tại khoản 1, Điều 123 Bộ luật hình sự với tình tiết định khung hình phạt là Giết người dưới 16 tuổi (điểm b, khoản 1, Điều 123 BLHS) và có thể áp dụng thêm tình tiết vì động cơ đê hèn theo điểm q, khoản 1, Điều 123 Bộ luật hình sự với mức hình phạt là bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
"Trong vụ án này cũng cần làm rõ đứa trẻ có phải là con của Khương và chồng Khương hay không để xác định tội danh, nguyên nhân, động cơ và các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự. Bên cạnh đó, người chồng cũng là người đáng trách, những ghen tuông, áp lực của chồng chính là nguyên nhân khiến Khương thực hiện hành vi phạm tội.
Nếu quá trình điều tra, có căn cứ xác định người chồng cưỡng ép Khương giết đứa trẻ đó thì anh này cũng sẽ bị xử lý cùng một tội danh với Khương với vai trò chủ mưu hoặc người xúi giục. Vì vậy, trong vụ án cần làm rõ thêm tình tiết về những tác động và ý chí của chồng Khương để giải quyết vụ việc một cách công bằng, không sót người, lọt tội", luật sư Cường nhấn mạnh.
Theo Thời Đại