Chị Thảo ân cần chải tóc cho bé Na.
Đánh đổi hạnh phúc cả đời để “trồng người”
Cuối buổi chiều, lũ trẻ đi học về đùa nghịch, chạy đuổi nhau, tiếng trẻ cười vang khắp khu làng trẻ SOS Hà Nội và Trường Hermann Gmeiner ngay bên cạnh. Những đứa trẻ tại đây sớm tự lập, tự đi học, tự làm những việc cá nhân. Những người mẹ tại đây giống như những cô giáo tại nhà, ngày ngày bên cạnh bảo ban, thủ thỉ, những đứa trẻ này trở nên cứng cáp và có đôi phần già dặn hơn những đứa trẻ đầy đủ cha mẹ khác.
Ghé thăm ngôi nhà của chị Nguyễn Thị Thảo trong Làng trẻ SOS Hà Nội, một căn nhà nhỏ nhắn, ở phía trước là vườn rau và cây khế xum xuê. Bên khung cửa, chị Thảo đang chải đầu cho cô con gái út, khung cảnh thanh bình này khiến người ta cảm thấy nao lòng. Chị Thảo kể: “Trước kia, “nhà” tôi có 10 con, bây giờ chỉ còn 6. Mấy đứa lớn đã đi học đại học rồi. Lũ nhỏ rất hiếu động, nhưng lại biết nghe lời và tình cảm lắm. Tôi đến với công việc làm “mẹ” thế này cũng là cái duyên cái số”.
Chị Thảo bồi hồi nhớ lại, cách đây 4 năm khi chị vẫn còn ở quê làm công nhân. Lúc đó, bên cạnh nhà chị có người hàng xóm làm việc ở Làng SOS Hà Nội, đến tuổi nghỉ hưu. Người hàng xóm ngỏ ý với chị Thảo về việc làm “mẹ” của những đứa trẻ mồ côi. Lúc đó, chị Thảo 25 tuổi, ở cái tuổi mà người ta nô nức về việc dựng vợ, gả chồng, chứ đâu ai lại chọn con đường đơn độc cả đời cho một công việc. Thế nhưng, chị Thảo lại lựa chọn như vậy.
Khi được hỏi về cha, mẹ ở quê, chị Thảo kể: “Cũng lạ kỳ lắm, cha mẹ tôi không cản, cha tôi chỉ nói một lời: “Con cứ nghĩ kĩ rồi hãy lựa chọn, việc nuôi người chẳng dễ đâu con”. Không vấp phải sự phản đối của cha, mẹ, nhưng họ hàng, làm xóm đều đến khuyên răn chị. Họ nói chị “đừng dại dột, tìm ai mà dựng vợ, gả chồng, chứ cứ định ở vậy cả đời sao!”.
Những lời nói đó cũng khiến cho chị trăn trở, nhưng rồi cuộc sống của chị cứ cuốn theo vòng đời ở Làng trẻ SOS, những buồn, vui, bữa ăn, giấc ngủ của lũ trẻ từ bao giờ đã trở thành điều quan trọng trong cuộc sống của chị Thảo.
Chị Thảo tâm sự: “Có lẽ do bản năng phụ nữ của mình nên dù chưa một lần làm vợ, làm mẹ, nhưng tôi có thể học được cách chăm sóc lũ trẻ, vì tôi muốn dùng tình yêu thương của mình để cả đời này che chở cho chúng, các con thiếu thốn và thiệt thòi quá nhiều. Ở đây đều là những con có hoàn cảnh rất đáng thương. Dù trước khi tiếp quản một nhà (mỗi nhà có 10 đứa trẻ), các mẹ đều phải học qua một lớp tập huấn, dạy về tâm lý cũng như cách chăm sóc trẻ nhỏ, nhưng sách vở chỉ là sách vở, thực tế lại khác xa nhiều. Có những đứa bé khi được đón về chỉ mới 1, 2 tuổi, không nhớ được người thân hay gia đình ở đâu, nhưng cũng có những đứa được đón về khi đã lớn. Khi mới vào làng và về nhà cùng các mẹ, các con đều khó “mở lòng”.
Mỗi đứa trẻ đều trở nên thu mình, cả nhà chỉ vọng tiếng nói của mẹ, thiếu vắng tiếng cười đùa hồn nhiên của con trẻ. Ở giai đoạn đầu, các mẹ đều cần phải kiên trì và dành yêu thương chân thành để các con từ từ cảm nhận được. Sự gần gũi, đùm bọc nhau của các thành viên trong gia đình cũng theo thời gian mà lớn dần lên. Phải có những khi mẹ con thủ thỉ tâm sự, cả những trận quát mắng, lúc cùng cười, khi cùng khóc, thì các con mới gọi tiếng “mẹ”. Khi nghe các con gọi mình là mẹ, thật sự cảm xúc lúc đó khó tả lắm, mình chưa từng mang nặng, đẻ đau nhưng mình nghĩ đó là cảm giác hạnh phúc của bao bà mẹ bình thường khác trước những đứa con của mình”.
Những khi các con nghịch ngợm, hay chểnh mảng học hành, chị Thảo đều đau đáu tìm cách để đôn đốc bọn trẻ. Có lẽ những người mẹ ở đây vừa là mẹ vừa là những cô giáo đặc biệt, luôn kèm cặp bên cạnh, dạy dỗ, bảo ban chúng đi đúng hướng.
Hạnh phúc khi các con trưởng thành
Ở làng trẻ SOS Hà Nội hiện tại có 16 mẹ đang quán xuyến 16 gia đình, mỗi gia đình trung bình có 10 trẻ. Ngoài ra, trong làng còn có các dì, những người làm ở bên cộng đồng, luôn sẵn sàng trợ giúp các mẹ, khi các mẹ vắng nhà.
Chị Thảo tiếp lời: “Tôi là mẹ trẻ nhất ở đây. Có những mẹ mấy chục năm qua đã chăm sóc cho biết bao lớp trẻ. Cứ tiễn đứa này đi, thì đón đứa bé khác về nuôi, cứ như vậy đã mấy chục năm. Ngày sinh nhật của mẹ, những đứa con trưởng thành đều mang cả gia đình về chúc mừng. Tính ra, hôm đó có mười mấy đứa con dâu, con rể, mấy chục đứa cháu nội, cháu ngoại. Đó chính là niềm an ủi, là điều khiến những người làm mẹ như chúng tôi thấy hạnh phúc”.
Năm nào cũng vậy, mỗi dịp lễ, Tết ở làng đều nhộn nhịp người ra vào, tiếng cười nói rộn ràng. Những đứa trẻ đã lớn lên và trưởng thành ở làng, tuy đã ra ngoài xây dựng cuộc sống, nhưng luôn coi đây là nhà của mình. Họ luôn nhớ về nơi đây, nhớ về các mẹ. Mỗi dịp các con trai, gái, dâu, rể, cháu nội, cháu ngoại về thăm, là các mẹ mừng sụt sùi nước mắt.
Được trông thấy các con khôn lớn, có cuộc sống hạnh phúc, chính là thành quả của các mẹ. “Đã chọn “trồng cây” này thì lâu được thấy thành quả lắm, có khi là quả ngọt, có thể là quả đắng nhưng dẫu sao mình cũng luôn coi hạnh phúc của các con là động lực để mình cố gắng. Có những khi ở trong nhà xảy ra cãi vã, to tiếng giữa mấy mẹ con, thì mình chỉ thấy buồn, rồi nghĩ vì các con mình lại gạt bỏ được hết”.
Chị Thảo tâm sự, các mẹ ở đây đều vậy, từ lâu họ không còn màng đến việc xây dựng gia đình riêng, hạnh phúc cá nhân của chính mình nữa, điều quan trọng với họ chính là các con trong làng trẻ SOS này.
Chị Thảo trầm tư: “Năm ngoái, một đứa con trong nhà bị trả về quê”. Hỏi ra, vì con vi phạm quy định trong làng nhiều lần, dù đã cho cơ hội nhưng con vẫn phạm lỗi liên tiếp. Ngày chia tay, mẹ Thảo hỏi con có điều gì muốn nói, con chỉ bặm môi lắc đầu. Sau khi con đi rồi, mấy đứa con trong nhà mới kể lại, con tâm sự với chúng, con ước gì được quay trở lại khoảng thời gian được sống bên mẹ trong ngôi nhà này.
Chị Thảo lại lau nước mắt mà nghẹn ngào: “Mấy hôm trước tôi ốm, con biết tin về làng thăm mẹ. Tôi hỏi tập vở năm trước tôi gửi về con còn không để gửi thêm mà viết, thì con bảo con vẫn còn, vẫn đi học, đi làm. Thế rồi qua nhiều nguồn tin, tôi biết con đã bỏ học, chỉ nói vậy để mẹ không buồn. Con chỉ mới 15 tuổi thôi, vậy cuộc sống sau này sẽ ra sao…”.
Đang trò chuyện, bé Mạnh (lớp 3) người lấm lem bụi đất, mặt đầy mồ hôi, hồ hởi chạy vào nhà, chị Thảo lại như quên mất câu chuyện buồn vui đầu đuôi ra sao, vội lại phủi cho con: "Làm sao mà bụi bẩn lem luốc thế này hả con?". Rồi hai mẹ con cùng cười đùa rộn ràng. Và rồi cứ từng đứa con trở về nhà sau giờ học, giúp mẹ Thảo nấu cơm, tắm cho em. Khung cảnh chiều tà cứ thế trôi qua ở Làng trẻ SOS, những ngôi nhà đầm ấm lúc nào cũng tràn ngập tiếng trẻ thơ.
Trong ngôi nhà của chị Thảo hiện có 6 đứa nhỏ thuộc nhiều lứa tuổi, đứa lớn nhất bây giờ đã học cấp 3, đứa nhỏ nhất thì chỉ mới 3 tuổi. Thế nhưng, mọi việc trong nhà được phân công, sắp xếp đâu ra đấy, đứa thì làm vườn, đứa thì rửa bát, đứa thì nấu cơm, tắm cho em, đứa thì giặt giũ phơi quần áo… Những đứa trẻ đều hồn nhiên, vui vẻ khiến căn nhà luôn đầy ắp tiếng cười đùa.
Theo Gia đình và Xã hội