Bạn đọc Trần Mỹ Quyên (SN 1990, ngụ quận 1, TP HCM) hỏi: Vừa qua, tôi thấy một phụ nữ có lượt theo dõi nhiều ngồi cùng với một nam nghệ sĩ cải lương giao lưu bằng hình thức livestream.

Đáng chú ý, cô này đã hát đoạn đầu bài Quốc ca rồi cười cợt, chế lời. Tôi muốn hỏi bỡn cợt với Quốc ca bị xử lý như thế nào? Tôi cũng mong muốn công an vào cuộc.

Luật sư Lưu Tấn Anh Toàn (Giám đốc Công ty Luật Lưu Vũ) trả lời: Từ bao lâu nay, mỗi người dân Việt Nam đều tự hào và xúc động khi cất tiếng hát bài Quốc ca thiêng liêng. Việc một số cá nhân "giễu cợt", chế lời bài Quốc ca khiến dư luận bức xúc là điều không thể chấp nhận.

Chế định về vấn đề Quốc ca đã được quy định trong Hiến pháp các nước. Đây là chế định đã được hiến định, tức là đã được quy định trong một văn bản pháp lý có giá trị cao nhất của đất nước, được bảo vệ ở một cấp độ cao nhất, vì thế mà Quốc ca không thể bị xâm phạm với  bất cứ lý do gì. 

Bất kỳ ai chế lời Quốc ca có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 351 về tội "Xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca" với khung hình phạt là phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Về chế tài xử phạt vi phạm hành chính, hiện nay sắp ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng, có khung hình phạt cao nhất là 80 triệu đồng.

Hiện nay một bộ phận TikToker, nghệ sĩ ít tham gia các hoạt động nghệ thuật nhưng suốt ngày lên mạng chửi bới, cố tình tạo scandal để thu hút sự quan tâm của cư dân mạng. Vấn đề này cơ quan chức năng đang ráo riết vào cuộc. 

Về góc độ người sử dụng mạng xã hội, ngày nay cư dân mạng đã sử dụng quyền "phong sát" triệt để, không xem, không mua sản phẩm mà những người nổi tiếng dùng chiêu trò để truyền thông.

Có nhiều nghệ sĩ đã "lên bờ xuống ruộng" và khó trở lại nghệ thuật do thiếu đạo đức, thiếu chuẩn mực trong ứng xử.

 Theo Người Lao Động