Chỉ trong vòng chưa đến 1 tuần, tài khoản @Rencorporation đã có tới 2 bài viết: 1 bài vạch trần Ngọc Trinh đạo nhái mẫu váy thương hiệu này thực hiện cho Kendall Jenner, 1 bài đá xoáy không thương tiếc ví von chiếc váy "fake" kia là "rác rưởi". Hẳn nhiên, cuộc đời của ai thì người đấy vẫn sống (và còn sống tốt) thôi nhưng khi nhìn rộng hơn, người tiêu dùng phổ thông của thời trang Việt Nam liệu có thấy ê chề trước những lời vạch trần trực diện đến từ các thương hiệu quốc tế?
Sự đua đòi với chi phí thấp
Chuyện dùng đồ fake không còn là điều gì quá mới lạ đối với ngành công nghiệp thời trang nói chung. Đơn giản, đây là một giải pháp tạm thời giải quyết được các nhu cầu về tâm lý "muốn flexing" khoe giàu, khoe sành, khoe yêu thời trang của những nhân vật nghiện mà không có thuốc cắt cơn.
Tưởng chừng đây chỉ là cọc chèo vá tạm của lớp người tiêu dùng không có chi phí cho đồ hiệu đích thực. Thì hóa ra, một bộ phận (cũng chẳng hề nhỏ cho lắm) những người có đủ chi phí (thậm chí là có hiểu biết) cũng chọn đây là giải pháp "tiết kiệm" xen kẽ với những lần mua bán đồ hiệu tiền tỉ tiền tấn của mình.
Hiểu đơn giản thay vì 10 lần mua đồ hiệu cả 10 thì họ sẽ chọn mua đồ fake (hoặc đồ "bespoke"/ đặt làm riêng) của khoảng 3, 4 thương hiệu mới hơn với mức chi phí bỏ ra cũng thấp hơn. Đúng là xuất sắc, đã giỏi kiếm tiền còn giỏi co kéo. Thế này là nhất các bạn rồi còn gì!
Ấy thế nhưng thương hiệu gốc dù lớn hay nhỏ thì cũng vẫn là một thương hiệu, một doanh nghiệp đang trên đà vận hành phát triển bằng chất xám, công sức và tiền của mình. Bất kể ai nếu nói mình yêu thời trang thích trưng diện đồ đẹp thì việc sử dụng đồ fake cũng là sai. Sai khủng khiếp.
Không tôn trọng thương hiệu gốc
Những người lên tiếng ủng hộ Ngọc Trinh trong sự vụ "đặt làm riêng" mẫu váy giống của thương hiệu REN có bao giờ tự hỏi tại sao người chủ thương hiệu lại gắt gao chỉ thẳng mặt mà lên án như vậy không? Vì dù số lượng followers còn ít ỏi (chưa đến 30k followers. Quá ít ỏi so với con số 5,7 triệu followers của Ngọc Trinh), dù là một thương hiệu mới... nhưng REN có lòng tự tôn với các thiết kế sáng tạo độc bản của riêng mình.
Chỉ một mẫu váy thôi cũng là tổng giá trị từ phép cộng của nhiều yếu tố: sức sáng tạo của người sáng lập REN, công của thợ may mẫu/ thợ rập, chi phí thử nghiệm và hoàn thiện, chất liệu, chi phí marketing quảng bá... Trong khi chiếc váy Ngọc Trinh đặt làm riêng nếu tính ra sẽ chỉ có giá trị bèo bọt từ chi phí trả cho người "copy" lại bản vẽ và thợ may.
Đặt lên bàn cân là đủ hiểu mẫu váy "may lại" kia chẳng khác nào một cái tát trực diện vào nỗ lực để sống sót và phát triển trong ngành công nghiệp thời trang của thương hiệu REN. Không phải ngẫu nhiên mà Hàn Quốc lại sẵn sàng rót vốn hỗ trợ cho các nhà thiết kế trẻ, rắp tâm biến thời trang thành một ngành công nghiệp mũi nhọn đưa đất nước họ vào vị trí của một con rồng châu Á.
Và cũng không phải bỗng dưng @diet_prada với những màn bóc trần đạo nhái khét lẹt của thời trang nhanh và thời trang xa xỉ lại trở thành một tay hung đồ được yêu mến của mạng xã hội Instagram... Đó là những nỗ lực mạnh mẽ của ngành công nghiệp thời trang để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chất xám của các nhà thiết kế khỏi những lớp người có tiền có quyền nhưng vẫn chọn lấy những thứ đạo nhái rẻ mạt.
Hạ thấp giá trị bản thân
Sẽ có nhiều lời bao biện cho rằng - đó chỉ là một cái váy được may lại theo mẫu, không tag tên thương hiệu. Nếu thế thì đâu có thể coi là mặc đồ fake, copy hay đạo nhái. Câu trả lời nằm ở chỗ những form dáng họ đi "may lại" lại thuộc hàng kinh điển gắn liền với thương hiệu hoặc đã được đăng kí bản quyền. Nói như Ngọc Trinh thì đã chả có chuyện chủ tịch Chanel lên WWD chửi thẳng mặt Saint Laurent trong BST Thu Đông 2021 khi thương hiệu này cho ra mắt một loạt thiết kế áo tweed "na ná" với Chanel.
"Thật đáng buồn khi thấy một thương hiệu như thế lại đi ký sinh vào nhãn hàng khác. Tôi thấy thật hổ thẹn khi họ không tự tạo nên lịch sử cho riêng mình mà đi đạo nhái người khác. Nhưng khách hàng sẽ không bị lừa. Họ sẽ quyết định thương hiệu nào làm ra chiếc áo khoác vải tweed đẹp nhất".
Hãy đối xử với người khác đúng với cái cách mà bạn mong muốn mình được đối xử. Đã không tôn trọng thương hiệu gốc cũng như chất xám của nhà thiết kế thì cũng đừng mong nhận được sự tôn trọng, yêu mến "authentic" từ ngành công nghiệp thời trang này. Mà tất cả cũng chỉ để đổi lại những giây phút sống ảo khoe mẽ trên mạng xã hội. Liệu điều đấy có thể nói lên rằng: tư duy cũng như giá trị bản thân bạn cũng chỉ ngang ngửa với mức giá đồ fake mà bạn mua không? Thỏa hiệp với những điều giả dối rẻ tiền là cách nhanh nhất để bạn định vị bản thân mình ở cấp thấp trong tâm trí thị trường cũng như khán giả mà thôi.
"Không ai đánh giá bạn khi bạn không hề có một món đồ hiệu nào trên người. Hãy thận trọng và tránh xa hàng nhái, hàng giả. Đeo, mặc nó vào người sẽ làm bạn nghèo đi về nhân cách và lòng tự trọng" - bà Lê Hồng Thủy Tiên - CEO tập đoàn IPPG cũng là tập đoàn "công cán" mang nhiều thương hiệu thời trang xa xỉ về Việt Nam.
Định hướng sai lệch cho thị trường
Một comment trôi nổi trên mạng có đại ý rằng Tại sao người bình thường dùng đồ fake thì không ai nói mà người nổi tiếng dùng đồ fake lại bị xỉ vả không thương tiếc. Bởi lẽ, thị trường Việt Nam nói riêng đang là một thị trường được định hình bởi xu hướng và ý kiến của tầng lớp KOLs.
Việc người nổi tiếng ở Việt Nam dùng đồ fake hung hãn và nguy hiểm ở chỗ nó sẽ làm lệch đi hẳn cái nhìn của thị trường thời trang chung, đánh lận con đen các khái niệm "fake" và "auth" vốn có.
Trong lúc ngành công nghiệp thời trang toàn thế giới đang ra sức chống lại sức ảnh hưởng của những công xưởng hàng Taobao khổng lồ: từ việc gia công sản phẩm tỉ mỉ khắt khe hơn nữa; cho đến những màn collab hú hồn giữa Fendi và Versace, giữa Gucci và Balenciaga, giữa Prada và adidas... Các báo cáo thường niên vẫn còn đang ra rả lên tiếng để thời trang giảm sức sản xuất, giảm khối lượng sản phẩm kém chất lượng, kéo dài tuổi đời một sản phẩm để bảo vệ môi trường.
Xu hướng bảo vệ bản quyền của những người làm sáng tạo nói chung còn đang gia tăng gay gắt... Thì đâu đó, ở Việt Nam, chuyện dung thứ cho những người nổi tiếng dùng đồ fake mà vẫn nhơn nhơn cho rằng đồ mình là đồ được "may lại"; "làm riêng"; "không tag thương hiệu"... Chẳng khác nào một cái tát trực diện vào nền tảng đạo đức, văn minh mà ngành công nghiệp này đang dày công xây dựng.
Đã tới lúc thị trường Việt Nam cần khắt khe hơn với người nổi tiếng
Mới đây nhất, Song Ji Ah - cô gái (từng là vàng) trong làng xài đồ hiệu đến từ show truyền hình Single’s Inferno đã bị bóc mẽ không thương tiếc: nhái phong cách Jennie (Blackpink) và cũng nhái luôn cả những món đồ hiệu mà cô tag trên các trang social media. Trước sự vụ ê chề này, đâu đó Song Ji Ah kiếm được 30 triệu KRW (khoảng 570 triệu VNĐ) còn mỗi video được tài trợ trên YouTube sẽ dao động ở mức 80 triệu KRW (khoảng 1,5 tỷ VNĐ).
Tuy nhiên, netizen tại Hàn Quốc có sự khắt khe cùng cực. Nên chỉ cần một vụ được phanh phui là đủ để mọi cánh cửa kiếm bạc tỷ của Song Ji Ah bị đóng sập không hẹn ngày mở lại. Từ một hình tượng tiềm năng được yêu thích bởi lối sống và phong cách sang trọng, Song Ji Ah đã tự kết thúc sự nghiệp của mình đính kèm miễn phí tiếng tăm "đú đởn", "tiểu thư fake nước 1"... vào bản thân.
Điều này lại là của hiếm (nếu như muốn nói là không hề có) tại Việt Nam. Netizen Việt qua nhiều sự kiện bất kể thuộc lĩnh vực nào cũng đều cho thấy sự dễ dãi hoặc thờ ơ với những scandal sự vụ như vậy.
Phản ứng của thị trường chung thường chỉ được khoảng 2 - 3 ngày đầu rồi sau đấy nhạt dần và trôi vào quên lãng. Chẳng vậy mà các nàng hậu đi sự kiện vẫn thoải mái mặc những mẫu váy "thiết kế riêng" rồi dăm bữa sau lại được khui ra là nhái Giambattista Valli, Dior, Loewe hay Vivienne Westwood, Givenchy...
Mới đây nhất, một nữ đại gia "đang lên" nào đó cũng vô tư và tự tin đặt hẳn một thương hiệu làm đồ Haute Couture tự xưng tại Việt Nam thiết kế váy "lấy cảm hứng" từ mẫu váy Givenchy Kendall Jenner từng mặc. Ác đạn hơn, đã không tẩy chay bài trừ cung cách ăn cắp chất xám này, một bộ phận fan quạt còn hào sảng cho rằng phải nhờ những người nổi tiếng làm vậy thì cái thương hiệu bị nhái kia mới được biết đến. Thử hỏi, những người chịu sự ảnh hưởng của tầng lớp người nổi tiếng dùng đồ fake kia liệu có đủ nhận thức và văn minh mà đóng góp cho doanh thu của các thương hiệu gốc không? Hay là cờ tới tay ai thì đi theo người đấy, Trinh đi trước fan Trinh đi sau góp tiền góp của cho lối sống đạo nhái vô tư cứ không tag thương hiệu thì không phải dùng đồ fake.
Có thể tại Việt Nam, luật pháp còn lỏng lẻo đối với quyền sở hữu trí tuệ cũng như việc sử dụng hàng hiệu hàng fake lẫn lộn. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng chuyện dung túng, thả trôi cho chuyện xài đồ fake là chấp nhận được hay đúng đắn.
Nói thì nghe có vẻ xa xôi hão huyền nhưng chuyện làm chặt tay, có thái độ đúng với những người nổi tiếng dùng đồ fake là cách nhanh nhất, có tầm ảnh hưởng tốt nhất để lọc cặn thay máu cho thời trang Việt Nam. Bất kể thương hiệu quốc tế nào muốn vào thị trường Việt Nam (hay một thị trường mới) đều cần đầu tư thời gian nghiên cứu và thăm dò để đảm bảo họ có thể tồn tại và phát triển tại đây. Thử hỏi, những thương hiệu bị nhái trắng trợn như vậy họ có chịu về Việt Nam không nếu biết đây là một thị trường dung túng, thờ ơ với những việc làm vô đạo đức ấy?
Đã bao giờ bạn mong muốn rằng các thương hiệu thời trang quốc tế hãy chú trọng hơn tới Việt Nam, hãy về Việt Nam đi để chuyện mua hàng xách tay đội giá lên không còn là niềm đau nữa, thị trường đồ hiệu ở Việt Nam có được sự cân bằng giá hợp lý với các vùng miền lãnh thổ khác...? Thế thì cần bắt đầu từ việc lọc sạch thị trường, gạt bớt những tư tưởng cho rằng xài hàng fake mà không fake cũng chẳng chết ai cả. Một thị trường minh bạch, có sự tôn trọng biết trước biết sau đối với thị trường quốc tế, may ra mới được quyền hưởng những điều ở trên.
Theo Pháp Luật Bạn Đọc