Ngày 2-3, Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Hồng Tuấn, Trưởng Khoa Nội tim mạch - Lão học, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP HCM) cho biết các bác sĩ tại bệnh viện vừa kịp thời can thiệp cứu người phụ nữ (37 tuổi) bị thuyên tắc động mạch phổi.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân sau khi can thiệp. (Ảnh: Bác sĩ cung cấp)
Theo đó, trước khi nhập viện bệnh nhân mệt khi gắng sức, khó thở, đau ngực. Đến bệnh viện thăm khám, kết quả siêu âm tim ghi nhận chị bị suy tim, có dấu hiệu gợi ý tắc động mạch phổi.
Khai thác bệnh sử, bệnh nhân cho biết đã có 2 con nên sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày. Đến nay, chị đã sử dụng loại thuốc này hơn 15 năm.
Sau đó, bệnh nhân được chỉ định chụp CT ngực có tiêm thuốc cản quang để dựng hình mạch máu phổi. Kết quả ghi nhận chị bị tắc 90% động mạch phổi hai bên. Nhanh chóng, bệnh nhân được nhập Đơn vị hồi sức tim mạch, Khoa Nội tim mạch - Lão học điều trị.
Bác sĩ Võ Tấn Được, Khoa Nội tim mạch - Lão học, Bệnh viện Lê Văn Thịnh - người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân chia sẻ ngay lập tức bệnh nhân được sử dụng thuốc chống đông. Sau đó, qua hội chẩn, các bác sĩ quyết định dùng thuốc tiêu sợi huyết làm tan cục máu đông trong động mạch phổi của người bệnh.
Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân hết mệt và khó thở, sinh hoạt bình thường. Chị tiếp tục sử dụng thuốc chống đông đường tiêm, đường uống và được xuất viện. Tình trạng suy tim đã cải thiện.
"Bệnh nhân chưa đến 40 tuổi nhưng bị tắc nghẽn mạch máu nên các bác sĩ đã truy tìm tất cả nguy cơ gây bệnh. Kết quả xét nghiệm về rối loạn đông máu di truyền không có bất thường, bệnh nhân không có tiền căn chấn thương hay gợi ý về bệnh lý huyết học… Do vậy, nguy cơ lớn nhất là việc sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày trên 15 năm" - bác sĩ Được cho hay.
Theo bác sĩ Được, tỉ lệ bệnh nhân bị thuyên tắc mạch do dùng thuốc tránh thai đường uống có rất thấp, chiếm 1/10.000. Tuy nhiên, trước đó, bác sĩ Được cũng đã từng điều trị cho một phụ nữ bị thuyên tắc tĩnh mạch nội sọ vì nguyên nhân này.
Theo Người Lao Động