Ban đầu, cô nghe thấy tiếng nổ giống như tiếng bom cách đó vài cây số. Sau đó là một âm thanh kỳ lạ, giống như tiếng gió thổi mạnh.
Theo bản năng, cô biết rằng một trong những con đập đang xây gần làng Xay Done Khong đã bị vỡ. Cô bắt đầu đi gõ cửa các nhà hàng xóm, giục họ chạy tới những nơi cao hơn.
"Nước đang tràn tới", Chantamart gào lên.
Chỉ trong nửa tiếng đồng hồ, nước đã đến làng cô, ngập tới 9m và tiếp tục dâng cao.
Chantamart (35 tuổi) và nhiều hàng xóm của cô đã thoát khỏi cơn lũ chết chóc. Song những người khác lại không may mắn như vậy khi một con đập phụ trong dự án thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy trị giá hàng tỷ đô la bị vỡ vào tối 23/7 giữa lúc mưa to, khiến hơn 5 tỉ mét khối nước trút xuống hạ lưu, New York Times đưa tin.
Theo Chantamart, 15 người trong làng cô, trong đó có 9 trẻ em vẫn đang mất tích. Cô không thể chạy tới nhà họ để báo tin vì nước lũ dâng quá nhanh.
"Từ tận đáy lòng, tôi rất lo cho họ", Chantamart tâm sự.
Sau khi cô và hàng trăm người khác sơ tán tới chỗ an toàn, các binh sĩ và giới chức địa phương đã đưa họ tới một nhà kho từng dùng để trữ cà phê ở thị trấn Paksong, phía tây con đập để lánh nạn.
Sau khi đập thủy điện bị vỡ, nhiều người đã trèo lên nóc nhà chờ được cứu. (Ảnh: Reuters)
Trong một buổi họp báo vào ngày 25/7, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith thông báo,131 người vẫn đang mất tích và hơn 3.000 người không có nhà để ở. Nhiều người đã trèo lên nóc nhà và các cây cao để chờ cứu sau khi các bản làng và ruộng nương bị ngập nước. Tính đến nay, đã có ít nhất 26 người thiệt mạng.
Tổ chức Sông ngòi Quốc tế, một tổ chức phản đối sự phát triển nhanh của các đập thủy điện tại Lào, cho rằng đập phụ bị vỡ là do nước lũ tràn về khiến quá tải. Điều này chứng tỏ nhiều con đập đã không được thiết kế để đối phó với thời tiết khắc nghiệt giống như những cơn mưa lớn vào hôm 23/7.
“Thời tiết ngày càng khắc nghiệt do biến đổi khí hậu. Điều này đe dọa đến tính mạng của hàng triệu người sinh sống ở hạ lưu”, New York Times dẫn một thông báo trên mạng của tổ chức này. Theo đó, những người sống gần con đập chỉ có vài giờ để sơ tán.
Bảy ngôi làng tại Sanamxay, tỉnh Attapeu, đã bị ngập lụt và hơn 6.000 người đã phải sơ tán do vỡ đập. Công tác dọn dẹp hiện trường sau thảm họa được dự báo sẽ rất khó khăn vì bom mìn còn sót lại thời chiến tranh.
Người dân trong làng của Chantamart đang lánh nạn trong một nhà kho cũ. (Ảnh: New York Times)
Bên trong nhà kho ở Paksong, người lớn, trẻ em ngồi dựa vào những bao tải quần áo và ăn cơm nếp trong những hộp đựng bằng xốp. Một số khác nằm xuống những tấm bạt được trải ra trên sàn bê-tông, đưa mắt nhìn vô định.
Chantamart cho biết cô không hy vọng nhiều về việc còn gì đó sót lại trong nhà hay trong làng cô sau trận lũ.
"Mọi ngôi nhà đề bị cuốn trôi", cô ngậm ngùi.
Cô không chắc ai sẽ chịu trách nhiệm cho trận lụt này nhưng cô nói rằng chính phủ và các công ty đứng đằng sau con đập nên hàng động nhiều hơn nữa để giúp đỡ các nạn nhân.
"Mọi người đều rất sốc, sợ hãi và đau buồn vì những mất mát", cô nói.
Khoảng 70 người dân trong làng Xay Done Khong là dân tộc thiểu số, theo Chantamart. Họ chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa và trồng cafe. Thỉnh thoảng họ cũng đi làm thuê theo ngày để kiếm thêm thu nhập.
Các tình nguyện viên chuẩn bị cơm cho những người bị mất nhà cửa do vỡ đập. (Ảnh: New York Times)
Ông Khamla Souvannasy, một quan chức tại Paksong cho biết giới chức địa phương đang phải vật lộn để hỗ trợ hàng trăm người tạm trú trong nhà kho khi mái nhà bị dột và không có đủ đệm cho mọi người.
"Thảm họa đến quá nhanh. Không có cách nào để chuẩn bị cho chuyện đó và chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực", ông giải thích.
"Mọi người ở đây đã mất mọi thứ từ gia súc tới nhà cửa", Den Even Den, một nông dân tại Xay Done Khong nói. "Tất cả những gì chúng tôi còn lại đó chính là mạng sống".
Theo Vietnamnet