Chị H.T.Y. (45 tuổi, trú tại Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội) phải vào điều trị tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương (Hà Nội) suốt một tháng vì chứng liệt mặt sau sai lầm mùa nắng nóng.
Cuối tháng 6, chị đi bộ khoảng 200m từ bãi đậu xe về nhà. Thấy nóng, mồ hồi chảy nhiều, người phụ nữ này bật quạt hơi nước số to nhất, phả vào mặt.
Sau 10 phút, chị đi tắm, gội rồi vào phòng điều hòa ngủ. Chiều tối, bệnh nhân tỉnh dậy thấy đau đầu và cảm giác uống nước bị chảy ra ngoài. Nhìn vào gương, chị hoảng hốt khi mặt bên phải liệt hẳn, cười miệng méo sang một bên nên lo sợ bị đột quỵ.
Ngay lập tức, người phụ nữ này gọi điện cho chồng về đưa vào một bệnh viện gần nhà khám. Các bác sĩ cho biết bệnh nhân bị viêm dây thần kinh, phù nề, hay còn gọi là liệt dây thần kinh số 7. Sau đó, chị chuyển sang Bệnh viện Châm cứu Trung ương để phục hồi chức năng.
Đến đầu tháng 8, gương mặt của bệnh nhân vẫn còn hơi lệch, các chức năng ăn uống cải thiện 90%. Bác sĩ nhận định chị cần duy trì châm cứu thêm khoảng 3-4 tuần để bệnh khỏi triệt để.
Theo các chuyên gia tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương, nguyên nhân gây liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên có thể do nhiễm virus, viêm tai giữa, cảm cúm hay cảm lạnh, tiểu đường, chấn thương mặt… Trong đó, nguyên nhân nhiễm lạnh đột ngột rất phổ biến.
Trước kia, bệnh hay gặp vào mùa đông nhưng hiện nay việc sử dụng điều hòa phổ biến gây chênh lệch nhiệt độ khiến tỷ lệ bệnh nhân tăng lên rõ rệt. Bệnh không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng nặng nề tới thẩm mỹ.
Liệt dây thần kinh số 7 không phân biệt tuổi tác. Tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương, các bác sĩ tiếp nhận rất nhiều trẻ nhỏ.
Dấu hiệu nhận biết bệnh gồm khi ngủ dậy mặt lệch, không thể nhắm kín mắt, uống nước bị chảy ra ngoài.
Theo Vietnamnet