Tôi chào đời tại một thị xã nhỏ thuộc duyên hải miền Trung. Nơi được gọi là "chôn nhau cắt rốn" ấy quanh năm nắng cháy da,rất dư nắng và gió. Khi thì người ta oằn mình trong những mùa gió lào như thiêu như đốt, khi thì nhà cửa ruộng đồng chìm giữa biển nước mênh mông. Ơ nơi tôi gọi thân thương là "quê mình" đó, người ta nghèo hơn cả "rách mồng tơi".
Tôi không phải là kết quả của một tình yêu tuyệt vời, mà chỉ là đứa bé trai ra đời do sự nhẹ dạ của mẹ nó. Một cô gái xinh đẹp, tuổi tròn mười tám chỉ học hết tiểu học trường làng, theo mẹ mỗi ngày ra chợ thị xã buôn bán hàng rau quả, đâu ngờ lời dụ dỗ đường mật của chàng lái xe buôn chuyến hào hoa, để rồi khi giọt máu tượng hình trong lòng người yêu thì anh ta "quất ngựa truy phong". Vâng, cô gái đáng thương ấy là mẹ tôi!
Tôi không phải là kết quả của một tình yêu tuyệt vời, mà chỉ là đứa bé trai ra đời do sự nhẹ dạ của mẹ nó. Một cô gái xinh đẹp, tuổi tròn mười tám chỉ học hết tiểu học trường làng, theo mẹ mỗi ngày ra chợ thị xã buôn bán hàng rau quả, đâu ngờ lời dụ dỗ đường mật của chàng lái xe buôn chuyến hào hoa, để rồi khi giọt máu tượng hình trong lòng người yêu thì anh ta "quất ngựa truy phong". Vâng, cô gái đáng thương ấy là mẹ tôi!
Những trận đòn thừa sống, thiếu chết do ông bà ngoại đánh bằng roi mây, những loại thuốc bỏ thai nấu bằng các dược liệu cũng không ngăn được sự ra đời của tôi. Cho đến hôm nay, nhiều lúc tôi tự hỏi: mình là nỗi buồn của mẹ hay niềm an ủi cho mẹ? Nơi quê tôi, mọi người không dễ dung nạp kẻ không chồng mà có con.Vì vậy, ông bà ngoại phải gửi mẹ tôi đến ở nhà một người dì ruột cách đó hai trăm cây số, vừa phụ việc cho cơ sở làm bún của dì ấy vừa chờ đến ngày sinh nở cho bớt tiếng thị phi của xóm làng. Công việc làm bún cực nhọc lắm. Ba giờ sáng mẹ tôi đã dậy đốt lò củi cho sôi hai nồi nước, để thợ ép bột nấu ra sợi bún, xong mẹ tôi phải vớt ra nước lạnh rồi để ráo. Sự hành hạ của ốm nghén cộng với nặng nhọc ngày đêm của nghề làm mẹ tôi còm cõi, nhưng không dám thở than vì mẹ không còn sự lựa chọn nào khác.
Tôi ra đời trong một đêm mưa gió tháng mười, dưới bàn tay một bà mụ vườn. Trời cũng còn thương nên "mẹ tròn con vuông". Bà dì của mẹ đưa mẹ về lại nhà ông bà ngoại vì không ai nuôi người mới sanh, lại không còn lao động được. Mẹ về sống khép nép với ông bà ngoại, với sự ghét bỏ của hai người em, đó là dì ba và cậu út tôi. Mẹ không người thăm hỏi, mà ông bà ngoại cũng chẳng muốn ai nhớ đến việc họ có đứa cháu vô thừa nhận. Nghe mẹ kể, nhiều lần mẹ tủi thân muốn ôm con nhảy sông tự tử, nhưng nghĩ tôi không có tội gì nên lại thôi, đành cắn răng mà sống...
Khi tôi được một tháng, mẹ xin ông bà ngoại mua cho đôi quang gánh để mẹ đi bán dạo bắp luộc, khoai luộc. Từ đó, trên những con đường phố thị có một người đàn bà sau lưng địu một đứa trẻ, trên vai là gánh khoai bắp đi rao bán mỗi ngày. Tôi lớn lên bằng bầu sữa mẹ khốn khổ như thế đó. Bầu sữa có pha vị mặn của mồ hôi, của nước mắt mẹ tôi cùng lời nặng nhẹ, chì chiết của ông bà và dì cậu tôi.
Dù người ta hạnh phúc hay bất hạnh thì thời gian cứ lặng lẽ trôi. Ngày tôi được mẹ dắt đi học lớp một thì ông bà ngoại đã qua đời hết. Mảnh đất hương hỏa được chia ba. Theo phong trào đô thị hóa, dì ba và cậu út thấy đất có giá đã bán phần của họ, đem tiền về sống bên nhà chồng, nhà vợ của dì cậu. Mẹ tôi vẫn ở trên mảnh đất cũ, vẫn với đôi quang gánh bán dạo để thờ cúng ông bà tổ tiên. Tôi vào trường học cũng nhiều lần đánh nhau với chúng bạn vì nó trêu chọc tôi không có cha. Mẹ tôi lại đến lớp xin lỗi cô giáo, đến nhà bạn xin lỗi cha mẹ bạn, rồi về mẹ vừa đánh đòn tôi vừa khóc.
Mẹ nhớ tôi nên trong lúc bán hàng, thỉnh thoảng gánh bắp đến đứng ngoài cổng trường nhìn vào sân khi ra chơi. Lên lớp lớn hơn, mẹ cũng hay làm vậy, nhưng tôi đã biết mắc cỡ nên kêu mẹ đừng đến trường nữa. Những lúc ấy, tôi đã làm tổn thương mẹ mà còn nhỏ nên đâu hay biết. Trong xóm có Thầy giáo tên Đức rất mến mẹ tôi. Thầy lớn hơn mẹ ba tuổi, còn độc thân, cũng khá giả. Nhưng mẹ không đến với ai nữa vì mẹ sợ tôi khổ khi sống với dượng, với cảnh con riêng con chung. Ký ức tôi đầy ắp những sự hy sinh lớn lao của mẹ. Vì vậy, mẹ là người tôi quý nhất đời này. Tôi thường thủ thỉ với mẹ sẽ không lấy vợ để lo cho mẹ mà thôi. Mẹ mắt đỏ hoe, vuốt tóc tôi rồi bảo:
- Con phải có gia đình riêng vì mẹ sẽ già yếu, không bên con mãi được.
Một mình lặn lội thân cò, mẹ nuôi tôi ăn học đến ngày được vào ngồi giảng đường đại học. Suốt bốn năm lên thành phố trọ học, không bao giờ mẹ để tôi thiếu thốn. Mẹ đi bán tuy mệt vẫn nuôi thêm heo, gà để lo cho tôi. Mẹ làm thay người cha để dạy dỗ con trai nên người. Rồi tôi cũng có tình yêu. Ngày tôi đưa người yêu về ra mắt mẹ, tôi nhận thấy mẹ quý cô ấy vô cùng vì mẹ tin sự lựa chọn của con mình.
Tôi tốt nghiệp đại học, đi làm nhưng khi gặp trở ngại vẫn về quê tâm sự, nghe mẹ khuyên và ăn bữa cơm gia đình. Hôm tôi viết thiệp cưới mẹ mừng cả đêm không ngủ. Tôi nhớ lại ngày xưa, ông bà ngoại không cho mẹ dự đám cưới dì ba, cậu út. Vì một lỗi lầm mà mẹ đã dùng cả đời sửa chữa. Vợ chồng tôi sống ở thành phố không thiếu gì nhưng tháng nào mẹ cũng lên thăm, đem cho trứng và gà, vịt.
Tôi thường nói với vợ tôi: "Em là người anh yêu quý thứ hai. Người anh yêu quý nhất là mẹ vì mẹ cho anh cuộc sống này, nuôi anh từ tuổi xuân đến khi tóc bạc vẫn quan tâm. Vì vậy, em hãy cùng anh yêu thương mẹ, em nhé !"
Theo Blog radio