1. Tôi biết một anh bạn người Mỹ đã sống ở Việt Nam khá lâu và Facebook của anh ấy luôn có khá nhiều người Việt bình luận hoặc like.

Hôm trước anh viết lên Facebook của mình câu chuyện về một người bạn đến từ Pháp sang Việt Nam du lịch bụi. Anh này bị một chiếc xe máy vượt đèn đỏ quệt trúng người và còn đen đủi bị trộm nẫng mất camera lẫn ba lô.
Khi câu chuyện này được đưa lên Facebook, hàng chục người Việt nhảy vào thể hiện sự phẫn nộ đối với kẻ đã vượt đèn đỏ khiến anh bạn Pháp bị thương ở tay và càng phẫn nộ hơn với đám đạo chích.
Họ gửi tới người bạn Pháp hàng chục lời khuyên về cách "sinh tồn" trong giao thông Việt Nam, cách bảo vệ đồ đạc khỏi trộm cắp.

Khách Tây bị giật túi, ngã lăn ra đường từng khiến dân mạng búc xúc.

Họ bày tỏ sự xấu hổ và thể hiện nguyện vọng được giúp đỡ vị khách xa lạ đó chút tiền, tình nguyện làm phiên dịch giúp anh trình báo công an.
Tôi chợt nghĩ: Nếu chúng ta hành xử ngoài đời bằng 1/10 những gì chúng ta nói, thể hiện trên Facebook, Việt Nam có lẽ văn minh chẳng kém gì thế giới.
Tôi biết rõ vài người trong số những Facebooker đã bình luận rủa xả kẻ vượt đèn đỏ gây tai nạn cho anh bạn người Pháp, thực tế ngoài đời cũng vượt đèn đỏ. Chẳng qua họ chưa từng tông vào một người nào đó mà thôi.
Tôi cũng biết rõ những Facebooker chửi mắng kẻ trộm lấy đi ba lô và tiền của anh bạn Pháp, thực tế ngoài đời cũng "ăn cắp" thời gian và không gian của người khác khi tham gia giao thông.
Nói bao giờ cũng dễ hơn làm và trong thời đại Facebook, gõ bàn phím lại càng dễ hơn gấp bội.

2. Rất nhiều người trong chúng ta luôn cố gắng thể hiện bản thân là người văn minh một cách rất hình thức.
Họ mua những chiếc điện thoại thời thượng, đi một đôi giày mà nhiều ngôi sao trên thế giới cũng đang đi, xịt loại nước hoa được xách tay từ Pháp, đọc vanh vách những thương hiệu thời trang đình đám của thế giới.
Và họ nghĩ rằng họ thật văn minh.
Còn tôi, ngày nào tôi cũng thấy những con người có đầy đủ các vật chất đó vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, chen lấn trong siêu thị, trong thang máy, hút thuốc lá nơi công cộng, vứt rác bừa bãi ra đường.
Bây giờ hãy trả lời cho tôi câu này: Cột đèn tín hiệu giao thông và chiếc Iphone 6S plus, cái nào có trước?
Dĩ nhiên là đèn tín hiệu. Tuổi đời của nó đã vượt quá 100 năm. Vậy tại sao bạn tự nhận mình là người văn minh khi cầm một chiếc Iphone 6s Plus rồi vượt đèn đỏ?
Đèn đỏ có văn minh không? Vô cùng văn minh. Xếp hàng nơi công cộng có văn minh không? Tuyệt đối có.

Cảnh chen lấn, không xếp hàng thường xuyên thấy ở Việt Nam. (Ảnh: Zing.vn)

Đứng chờ người trong thang máy bước ra rồi mới tiến vào có được coi là văn minh không? Rất văn minh.
Vậy tại sao rất nhiều người trong chúng ta không đáp ứng được những văn minh tối thiểu đó, nhưng lại luôn vỗ ngực tự xưng mình là người văn minh?
Dừng đèn đỏ, không lấn làn, không chen chúc không hề khó. Chẳng qua chúng ta đã tự chối bỏ cơ hội để được làm một người văn minh và tự ngộ nhận những thứ thời thượng mà chúng ta sở hữu là biểu hiện của văn minh.
Câu chuyện về anh bạn người Pháp là một phép thử. Nhiều người vượt đèn đỏ nhưng không đâm vào ai, không có nghĩa là họ không đáng trách như cậu thanh niên đã lao vào tay của vị khách nước ngoài tội nghiệp.
Bạn coi hành động lẻn vào lều của tây ba lô lấy đi của họ chiếc camera là ăn cắp, vậy tại sao bạn lại chen lấn, cướp đi công sức chờ đợi của những người xếp hàng ngay ngắn nơi ngã tư?
Chiếc áo không làm nên thầy tu, những lời tốt đẹp trên Facebook không khiến bạn trở thành một người văn minh. Hãy thể hiện nó từ những sự văn minh nhỏ nhất.
Theo Thế giới trẻ