Trận động đất mạnh 7,2 độ đã làm rung chuyển toàn bộ Đài Loan sáng 3/4, khiến 12 người chết, hơn 1.000 người bị thương, 705 người mất tích hoặc mắc kẹt.

Đây là trận động đất mạnh nhất trong vòng 25 năm qua, trong đó Hoa Liên là khu vực chịu thiệt hại nặng nề nhất.

"Ở Hoa Liên, động đất và rung chấn xảy ra thường xuyên. Nhưng trận động đất này khác với những lần trước", Hoàng Kim Ngân, 22 tuổi, sống tại thị trấn Shoufeng, nói.

Người Việt tại tâm chấn: Đã quá quen với động đất nhưng lần này rất khác-1
Tòa nhà ở Hoa Liên đổ nghiêng sau trận động đất ngày 3/4 (Ảnh: AFP).

Theo Washington Post, Đài Loan nằm dọc theo Vành đai lửa Thái Bình Dương, đường đứt gãy địa chấn bao quanh Thái Bình Dương, nơi xảy ra đa số các trận động đất trên thế giới.

Khu vực này đặc biệt dễ xảy ra rung chấn do sức căng tích tụ từ sự tương tác giữa hai mảng kiến tạo, mảng Philippine và mảng Á-Âu, có thể dẫn đến sự giải phóng đột ngột dưới dạng động đất.

Người dân Hoa Liên phải đối mặt với nhiều trận động đất nghiêm trọng trong những năm gần đây. Hồi tháng 9/2022, một trận động đất mạnh 6,9 độ với tâm chấn gần thành phố đã khiến các tòa nhà sụp đổ và làm một đoàn tàu trật bánh, một người thiệt mạng và hàng nghìn cư dân chịu cảnh mất điện. 

Dù cách xa tâm chấn động đất khoảng 28km, gia đình Ngân bình tĩnh ứng phó với thiên tai. Họ đã quá quen với những trận động đất kể từ một năm sống tại Hoa Liên, từng trải qua 5-7 lần động đất khác.

Thời điểm mặt đất bắt đầu rung chuyển, Ngân đang ở công ty. Cô gái Việt hơi choáng váng sau 20 giây động đất. Điện thoại của cô reo liên hồi những tin nhắn cảnh báo động đất và sóng thần từ chính quyền địa phương.

"Đây là trận động đất mạnh nhất từng trải qua, nhưng tôi không quá hoảng loạn", Ngân nói, cho biết tiếp tục làm việc bình thường.

Về nhà, cô thấy đồ đạc trên kệ vương vãi lung tung, đèn trần vỡ tan tành. Sau động đất, hàng chục dư chấn còn kéo dài đến rạng sáng 5/4.

"Ở Hoa Liên, người dân có văn hóa hiểu biết về động đất. Những người em của tôi cũng đã học được cách ứng phó mỗi khi mặt đất rung chuyển", Ngân nói.

Người Việt tại tâm chấn: Đã quá quen với động đất nhưng lần này rất khác-2
Lực lượng cứu hộ giải cứu một người tại Tân Bắc (Ảnh: AFP)
.

Khác với tâm lý bình tĩnh của Ngân, thì Nguyễn Loan, sống tại Đài Trung, đã có trải nghiệm kinh hoàng trong chuyến du lịch thăm trường cũ - Đại học Đông Hoa (Hoa Liên) - nơi cô tốt nghiệp thạc sĩ.

Bị đánh thức bởi trận động đất và những dư chấn liên hồi, cô rơi vào hoảng loạn và sợ hãi. Không riêng người dân Hoa Liên, nhiều du học sinh nước ngoài tại đây đều chung cảm giác hoang mang và lo lắng.

"Tôi không dám đi đâu xa vì dư chấn liên tục và nguy hiểm", Loan nhớ lại.

Người Việt tại tâm chấn: Đã quá quen với động đất nhưng lần này rất khác-3
Đại học Đông Hoa chịu nhiều tổn thất sau động đất (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

6 năm sống tại Đài Loan, cô gái Việt cũng dần quen với động đất 3-4 độ, lần đầu cảm nhận thiên tai hơn 7 độ.

Một số người bạn Đài Loan của cô cho hay trận động đất lần này cũng ám ảnh tương tự sự kiện "921" - được đặt tên theo ngày xảy ra trận động đất vào 21/9/1999 khiến hơn 2.400 người thiệt mạng.

"Sáng thì động đất, đến chiều thì một tòa nhà của trường bị hỏa hoạn do các hóa chất trong phòng thí nghiệm bị đổ vỡ, dẫn đến cháy. Đám cháy bùng to do Hoa Liên chưa có hệ thống chữa cháy hóa chất, cần chờ cứu trợ từ Đài Bắc hoặc Đài Nam", Loan kể.

Người Việt tại tâm chấn: Đã quá quen với động đất nhưng lần này rất khác-4
Hỏa hoạn tại một tòa nhà ở Đại học Đông Hoa chiều 3/4 (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Cách Hoa Liên 200km, Hoàng Anh, sống tại Đài Trung, cảm nhận rõ những cơn rung lắc mạnh từ tầng 12 chung cư mini.

"Cảm giác như tòa nhà sắp sụp đổ, cơ thể tôi nghiêng hẳn, không thể đứng vững", cô nói, sau đó hòa vào dòng người từ trong tòa nhà theo lối thoát hiểm chạy ùa ra ngoài mặt đường.

Cô gái mô tả khung cảnh lúc đó hoảng loạn, có người sợ hãi đến mức bật khóc, chân đi không nổi.

Hoàng Anh cho biết, theo thống kê của lực lượng chức năng, Đài Trung hứng chịu trận động đất mạnh 5 độ. Các tòa nhà nghiêng ngả, đồ đạc rơi vỡ, gãy đường ray tàu điện ngầm khiến phương tiện phải dừng một tiếng.

"Ở Đài Loan, mỗi lần xảy ra động đất, chỉ cần 2-3 độ thôi, nếu ở nhà tôi sẽ chạy ra cầu thang thoát hiểm, đi làm thì sẽ chui vào gầm bàn, ở trường thì nhanh chân chạy ra sân vận động. Đây là trận động đất mạnh nhất tôi từng trải qua trong suốt 10 năm", cô nói.  

Theo Dân Trí