'Người vợ ba': Câu chuyện nhạy cảm của những người phụ nữ chung chồng

Câu chuyện trong phim không mới nhưng cách kể của "Người vợ ba" sẽ chạm tới cảm xúc của khán giả.

Đối với những khán giả yêu thích điện ảnh, muốn tìm kiếm những cái mới, lạ, Người vợ ba là một tác phẩm đáng theo dõi. Bộ phim giành giải Phim châu Á xuất sắc tại LHP quốc tế Toronto 2018 của đạo diễn Ash Mayfair ngày càng nhận được sự quan tâm từ giới truyền thông và công chúng. Vậy điều gì đã khiến Người vợ ba trở thành một tác phẩm nghệ thuật đẹp đến như vậy?

Người vợ ba: Câu chuyện nhạy cảm của những người phụ nữ chung chồng-1

Một câu chuyện chẳng còn mới, nhưng cách kể đầy mới lạ giúp Người vợ ba chạm tới cảm xúc khán giả. Bộ phim lấy bối cảnh vùng nông thôn Việt Nam ngày xưa, xoay quanh câu chuyện về xã hội phong kiến với đầy ắp đớn đau trong cuộc sống của một gia đình phú điền kiểu mẫu.

Không chỉ dừng lại ở câu chuyện tảo hôn, ngoại tình hay chế độ đa thê đáng lên án trong xã hội Việt Nam xưa, Người vợ ba còn khéo léo lồng ghép câu chuyện về tình yêu đồng giới - một câu chuyện chẳng mới trong xã hội hiện tại, nhưng là "quả bom" trong xã hội cũ.

Người vợ ba: Câu chuyện nhạy cảm của những người phụ nữ chung chồng-2

Nội dung của Người vợ ba xoay quanh "cuộc đua" đẻ con trai trong một gia đình vùng thôn quê miền Bắc cuối thế kỷ 19. Khi về làm vợ ba cho một gia đình giàu có, cô gái trẻ tên Mây (Nguyễn Phương Trà My thủ vai) bắt đầu thân thiết với vợ hai là Xuân (Maya). Mới về làm dâu, Mây khá lúng túng với cuộc sống nhà chồng và bắt đầu học hỏi cung cách ứng xử từ hai người vợ đầu để có được vị trí quan trọng ở nhà chồng.

Điều ấn tượng nhất ở một bộ phim mấu chốt nằm ở hình ảnh. Những khung cảnh đẹp đến nao lòng vùng sông nước Hạ Long, những thước phim với ánh đỏ bao trùm từ những đám cưới không hạnh phúc, những hình ảnh hết sức bình dị nhưng pha lẫn chất riêng, những dụng ý nghệ thuật được lồng ghép đầy khéo léo mà chẳng phải ai cũng có thể dễ dàng nhận ra được.

Người vợ ba: Câu chuyện nhạy cảm của những người phụ nữ chung chồng-3

Không chỉ dừng lại ở cảnh sắc thiên nhiên, Người vợ ba mang tới cho khán giả một góc nhìn tuyệt sắc về vẻ đẹp con người. Nét đẹp mặn mà của mợ Hà (Trần Nữ Yên Khê), người phụ nữ có tuổi, sắc sảo qua từng đường nét khuôn mặt cho tới hành động và lời nói. Nhan sắc của mợ Xuân (Maya), qua ba lứa con vẫn mang trên mình vẻ quyến rũ, đầy thu hút bất chấp mọi lứa tuổi. Vẻ mơn mởn, ngây thơ và đáng yêu của Mây (Nguyễn Phương Trà My), một cô bé vẫn còn nhỏ tuổi, nhưng đớn đau mang trên mình gánh nặng về vẻ đẹp "phải" có của một phụ nữ có chồng, gánh nặng đến từ cuộc hôn nhân không hạnh phúc.

Khó có thể tìm ra được một gương mặt nổi bật nhất trong dàn diễn viên chính của Người vợ ba, đặc biệt là mợ Mây, mợ Xuân và mợ Hà, những người phụ nữ mang một sắc màu của riêng mình.

Người vợ ba: Câu chuyện nhạy cảm của những người phụ nữ chung chồng-4
Mây (Trà My) gây ấn tượng trong vai diễn đầu tay.

Trái với nét sắc sảo, từng trải của mợ Hà, mợ Xuân mang tới một cảm giác ấm áp, gần gũi và đầy thương yêu. Hai người phụ nữ chung một người chồng, một người có con trai, một người có con gái. Nhưng cả hai đều không thể hiện quá rõ sự đố kị, sự luyến tiếc cho một thời thanh xuân đã qua. Họ cũng có sự ganh tị, nhưng cảm xúc ấy không làm lấn át đi sự thấu hiểu, tình chị em đã hình thành khi sống chung dưới một mái nhà xa lạ. Họ tương trợ lẫn nhau, hướng dẫn và cả ở bên những lúc đối phương cần nhất.Mây có lẽ là người con gái để lại ấn tượng đậm nét nhất trong lòng khán giả. Tới sống cùng một gia đình với những con người hoàn toàn xa lạ, Mây phải tự mình tìm cách hòa nhập dù tuổi đời chẳng lớn hơn được mấy ai. Ngây thơ, vụng về là những gì khán giả nhìn thấy rõ nhất nơi người vợ ba trẻ tuổi. 

Người vợ ba: Câu chuyện nhạy cảm của những người phụ nữ chung chồng-5
Trần trụi không ở cảnh nóng, phim trần trụi ở chính từ câu chuyện đầy tranh cãi trong xã hội thời xưa.

Tâm lý, cảm xúc và hoàn cảnh riêng của mỗi nhân vật đã khiến Người vợ Ba trở thành một bức tranh hiện thực đến đớn đau. Nỗi đau của những người phụ nữ buộc phải chấp nhận hôn nhân đa thê dưới xã hội phong kiến. Họ cả đời cống hiến, chăm sóc cho gia đình chồng mà chẳng có lấy một lần được báo đáp công ơn sinh thành của cha mẹ.

Đại diện cho những người phụ nữ phải chịu đựng tủi nhục, kiềm chế những ham muốn tự nhiên của bản thân trước hiện thực xã hội nghiệt ngã, thể hiện ở mối tình vụng trộm giữa mợ Xuân và cậu cả của mợ Hà.

Người vợ ba: Câu chuyện nhạy cảm của những người phụ nữ chung chồng-6

Đau đớn hơn cả là những ông bố bà mẹ, những người có con gái phải gả đi khi đã đến tuổi lấy chồng, để rồi phải chứng kiến cái chết đầy đau thương của sinh linh mà mình đã nuôi đến khi khôn lớn. Vì sợ lời đàm tiếu, chẳng nhận con về khi đã gả đi, họ trở thành những người đưa con về tới nơi chín suối. Người con gái đã chọn cách rời bỏ thế giới, giấu đi sự uất ức, tủi nhục, vì sự ruồng bỏ của chính gia đình chồng và bố mẹ ruột của mình. 

Theo Ione


phim chiếu rạp

Tin tức mới nhất