Cả thế giới đều nhớ về thiên tài Albert Einstein rồi thì còn mấy ai nhớ tới người phụ nữ giỏi giang đứng đằng sau sự nghiệp của ông trong những năm khởi nghiệp nữa? Đó chính là người vợ đầu tiên của ông, Mileva Marić (1875 - 1948).
Nữ sinh giỏi toán và lý duy nhất trong một trường toàn nam
Mileva Marić sinh ra trong một gia đình khá giả ở miền bắc Serbia. Cha bà là ông Marija Ruzić và mẹ là Miloš Marić, những người có địa vị trong xã hội. Không chỉ giàu có, nổi tiếng mà gia đình Mileva còn được người trong vùng coi trọng.
Chân dung Mileva Marić, người vợ đầu tiên của Einstein
Dù là phận nữ nhi, nhưng Mileva lại có niềm đam mê với môn khoa học tự nhiên. Thời học sinh, bà đã có thành tích học tập đáng nể và thậm chí được theo học tại một ngôi trường toàn nam sinh ở Zagreb. Toán và vật lý là hai môn nổi trội của bà. Trong mắt bạn bè, Mileva là một cô gái xinh đẹp, thông minh nhưng ít nói. Với thầy cô, Mileva là một học sinh chăm chỉ, cần cù.
Năm 1896, Mileva bước chân vào trường Đại học Zurich, Thụy Sĩ. Tại đây bà đã quen Einstein, kém bà 4 tuổi. Niềm đam mê đã gắn kết hai con người với nhau, về sau nên duyên vợ chồng nhưng cuộc sống không hạnh phúc như người ta tưởng. Ngay từ khi yêu nhau, mối tình của họ đã bị gia đình ngăn cản. Trước khi kết hôn năm 1903, Mileva đã mang trong mình giọt máu của Einstein và phải tạm dừng việc học để trở về quê nhà sinh con.
Đứa con đầu lòng này không những không gắn kết tình cảm của Einstein dành cho người vợ chưa hợp pháp, mà dường như còn khiến cho mối quan hệ của hai người trở nên xa cách và gượng gạo hơn. Đứa bé cũng khiến sự nghiệp và con đường khoa học của Mileva bị gián đoạn, mà về sau chấm dứt hoàn toàn.
Người phụ nữ cam chịu
Con đường nghiên cứu khoa học của cô nữ sinh giỏi giang Mileva Marić tại Đại học Zurich bị chững lại do việc sinh nở. Sau khi đẻ con vài tháng, Mileva quay lại Thụy Sĩ để tiếp tục học tập, tuy nhiên bà đã trượt các kỳ thi và buộc phải chấm dứt việc học. Ước mơ dang dở, lại thêm việc không may xảy ra với con gái nhỏ (theo nhiều tài liệu ghi lại cô bé bị ốm nặng và qua đời năm 1903) khiến tâm lý của Mileva bất ổn.
Đầu năm 1903, Einstein và Mileva kết hôn nhưng cả hai không còn mặn mà gì với cuộc hôn nhân này. Einstein chỉ hoàn thành lời hứa là cưới Mileva còn bà lại mang tâm trạng nặng nề về cuộc sống.
Einstein và Mileva
Trong một số tài liệu để lại của Einstein, về già ông đã miêu tả Mileva Marić là một người trầm lặng, luôn mang tâm trạng ủ dột và có dấu hiệu của bệnh thần kinh phân liệt. Có lẽ bởi vậy mà hôn nhân của họ như tù giam lỏng, tồn tại được 10 năm rồi đường ai nấy đi. Tuy nhiên trước đó, Einstein đã nhiều lần muốn ly hôn nhưng Mileva không chấp thuận. Điều này khiến Einstein khó chịu và đặt ra nhiều luật lệ vô lý và buộc Mileva phải tuân theo nếu muốn sống cùng ông.
Trong một bức thư riêng của Einstein gửi tới vợ còn lưu lại tới ngày nay, ông viết rõ ràng các yêu sách:
"1. Cô phải luôn đảm bảo rằng:
+ Quần áo của tôi phải được giặt giũ, là ủi và cất giữ kỹ càng
+ Tôi phải có 3 bữa ăn đều đặn trong phòng riêng
+ Phải dọn dẹp và giữ vệ sinh phòng ngủ và phòng làm việc riêng của tôi, tuyệt đối không được động vào bàn làm việc khi không được phép
2. Giữa chúng ta không còn mối quan hệ động chạm cá nhân nào nữa, trừ trường hợp tôi phải giữ thể diện với bên ngoài xã hội. Cô không được yêu cầu tôi:
+ Ngồi cạnh cô khi ở nhà
+ Đi chơi hay du lịch với cô
3. Trong mối quan hệ của chúng ta:
+ Cô không được mong đợi tôi âu yếm cô và cũng không được trách móc tôi
+ Phải im lặng ngay khi tôi yêu cầu
+ Ra khỏi phòng của tôi ngay lập tức khi yêu cầu mà không được cãi lại
+ Không được bôi nhọ tôi bằng lời nói hay hành động trước mặt con cái"
Sau khi nhận được những yêu cầu của Einstein, Mileva miễn cưỡng chấp nhận để chung sống cùng ông và các con. Ngoài đứa con gái đầu lòng được cho là chết yểu, Mileva còn đẻ cho Einstein hai người con trai nữa là Hans Albert Einstein (1904 - 1973) và Eduard Einstein(1910 - 1965).
Thế nhưng, sức chịu đựng của bà cũng chỉ có hạn. Giữa tháng 2 năm 1919, hai người ly hôn sau 5 năm sống li thân. Ly hôn Mileva được khoảng 4 tháng, Einstein đã tái hôn với người tình, đồng thời là em họ xa của ông, Elsa Lowenthal (1876 - 1936).
Mileva và con trai Hans Albert năm 1907
Hy sinh tuổi trẻ và ước mơ cho người đàn ông của đời mình
Nhiều nhà nghiên cứu đặt ra câu hỏi chất chứa đầy sự tiếc nuối cho Mileva Marić - người phụ nữ sở hữu trí tuệ ngang ngửa thiên tài Albert Einstein: "Nếu họ không yêu nhau, hoặc nếu hôn nhân của họ thật sự hạnh phúc, có lẽ Mileva đã sánh bước bên chồng với vai trò cộng sự cùng tạo nên những công trình nghiên cứu khoa học vĩ đại để lại cho hậu thế. Biết đâu rằng "Thuyết tương đối" nổi tiếng cũng gắn liền với tên bà?".
Kể từ khi quen biết nhau tại trường đại học, Mileva Marić đã được biết tới như một người bạn, một người thầy của Albert Einstein. Theo một số tài liệu của Einstein để lại có ghi chép về những đêm ông miệt mài nghiên cứu khoa học với Mileva.
Một bài viết về Mileva có tựa đề The Forgotten Life of Einstein's First Wife (tạm dịch là Người vợ đầu tiên bị lãng quên của thiên tài Einstein) được đăng tải trên trang Scientific American ngày 19/12/2016 cũng đề cập tới nhiều bức thư của Einstein gửi tới người phụ nữ đặc biệt này, trong đó nhấn mạnh việc Einstein được hợp tác và làm việc cùng Mileva là điều may mắn với ông.
Trong một bức thư gửi tới bà ngày 27/3/1901, Einstein còn nhắc tới về chuyển động tương đối mà họ đã nghiên cứu cùng nhau. Phải chăng đây chính là tiền đề cho Thuyết tương đối - đứa con tinh thần gắn liền với tên tuổi của Einstein sau này?
Năm 1922, Albert Einstein nhận giải Nobel vật lý và ít ai biết rằng nhà khoa học vĩ đại này đã gửi tặng người vợ đầu tiên toàn bộ số tiền thưởng của ông. Mileva Marić từ chối nói với công chúng về nghiên cứu của hai người, nhưng đã nhận số tiền của Einstein và mua nhà ở Zurich - căn nhà bà sống tới hết cuộc đời.
Mileva bên hai cậu con trai
Trong một lá thư năm 1947 Einstein gửi tới Karl Zürcher - luật sư đã giải quyết vụ ly hôn của họ, ông viết: "Tới khi nào Mileva không còn ở đó nữa, tôi sẽ ra đi trong thanh thản". Một năm sau đó, Mileva Marić qua đời ngày 4/8/1948.
Câu nói đầy ẩn ý của Einstein về người vợ cũ tần tảo, đã hy sinh sự nghiệp và tuổi xuân cho thành công của ông thật sự có ý nghĩa gì? Liệu những năm tháng sau này, có khi nào ông nhớ về Mileva Marić, nhớ về tình yêu và sự đồng điệu họ từng trao nhau, cũng như hối hận về những gì đã xảy ra không? Quả thực, hôn nhân đầu tiên của Einstein đúng là một bi kịch.
Bỏ qua số phận bí ẩn của cô con gái đầu lòng Lieserl, hai người con trai của ông có với người vợ đầu cũng chịu nhiều thiệt thòi. Người con trai thứ hai, Eduard bị thần kinh và nhiều lần tự tử không thành, về sau chết trong trại tâm thần.
Còn con trai lớn Hans Albert Einstein từng chạnh lòng và tủi thân không khác gì người mẹ khi bị cha bỏ rơi. Chia sẻ với công chúng về người cha, Hans chỉ nói một câu đầy tổn thương: "Có thể công trình duy nhất ông ấy từ bỏ chính là tôi".
Albert Einstein bên con trai Hans thủa nhỏ
LEO
Theo Vietnamnet