Theo Guardian, sự kiện tuyệt chủng Phấn Trắng - Cổ Cận (Creta - Paleogene) khiến cho 75% thực vật và động vật, bao gồm cả những loài khủng long khác chim, bốc hơi khỏi trái đất. Tuy nhiên, nguyên nhân dẫn tới thảm hoạ này vẫn là chủ đề tranh luận nóng hổi.
Một số nhà khoa học cho rằng, tiểu hành tinh đường kính 10 km đâm vào trái đất tạo ra hố thiên thạch Chicxulub ở Mexico là nguyên nhân chính tạo nên sự tuyệt chủng, vì lượng vật chất lớn từ Trái Đất được đẩy lên bầu khí quyển, che lấp ánh sáng của mặt trời, gây ra thời kỳ lạnh lẽo kéo dài dẫn tới sự chết chóc.
Nghiên cứu mới của University College London cho thấy bằng chứng thuyết phục hơn về việc thiên thạch rơi xuống Trái Đất là nguyên nhân dẫn đến sự tuyệt chủng của khủng long. Ảnh: Alamy.
Các nhà nghiên cứu khác thì nêu giả thiết về hoạt động của núi lửa ở vùng Deccan của Ấn Độ, cho rằng đây là nguyên nhân chính vì nó dẫn tới biến đổi khí hậu ở quy mô lớn.
Hoạt động núi lửa được xác định là nguyên nhân dẫn tới một số sự kiện tuyệt chủng hàng loạt khác, trong đó có sự kiện ở kỷ Permi - Trias (Tam Điệp).
Cũng có những người cho rằng cả thiên thạch và núi lửa xảy ra cùng thời gian, với thiên thạch đóng vai trò như "chiếc đinh đóng vào cỗ quan tài" cho các loài sinh vật vốn đang phải vật lộn vì hoạt động của núi lửa.
Giờ đây, các nhà khoa học tại University College London cho rằng họ đã giải đáp được bí ẩn này, bằng cách giả lập các mô hình về tác động sinh học của những trường hợp khác nhau.
"Khi chúng tôi dựng lên các kịch bản khác nhau cho thiên thạch và núi lửa, dù là khi chúng xảy ra đồng thời hoặc tách biệt hoàn toàn, chúng tôi nhận ra thiên thạch là thứ duy nhất có thể xoá sổ toàn bộ môi trường sống của loài khủng long", tiến sĩ Alfio Alessandro Chiarenza, tác giả chính của nghiên cứu, chia sẻ.
Nhóm của ông Chiarenza đầu tiên xem xét sự sụt giảm 5% lượng ánh sáng mặt trời - mức tối đa gây ra bởi sự phun trào núi lửa, và xác định điều này sẽ không khiến khủng long tuyệt chủng, mặc dù môi trường sống của chúng sẽ bị thu hẹp đáng kể vì thời tiết và nhiệt độ thay đổi.
Sau đó, nhóm nghiên cứu xem xét sự sụt giảm ánh sáng mặt trời từ 10%-20%, mức chỉ có thể gây ra khi thiên thạch va chạm với trái đất. Ở mức độ này, môi trường sống của khủng long sẽ bị xoá sổ hoàn toàn.
"Kể cả khi núi lửa không phun trào, sự tuyệt chủng sẽ vẫn xảy ra vì tác động của thiên thạch là đủ nghiêm trọng để xoá sổ môi trường sống của khủng long trên toàn cầu", ông Chiarenza cho biết.
Trên thực tế, nhóm nghiên cứu cho rằng, sau khi thiên thạch va chạm với trái đất khiến ánh sáng mặt trời giảm và nhiệt độ đi xuống, hoạt động của núi lửa thậm chí đã giúp nhiệt độ bầu khí quyển tăng trở lại, đẩy nhanh sự hồi phục của các sinh vật sống trên trái đất.
Theo Zing