Yêu cầu bồi thường gần 80 tỷ đồng
Như Tiền Phong đưa tin, Viện KSND TP Hà Nội vừa ban hành cáo trạng truy tố bị can Nghiêm Quang Minh (SN 1979, trú tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) về tội “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy”, theo quy định tại các điểm a, c, khoản 3, Điều 313 Bộ luật Hình sự.
Cùng vụ án, Viện kiểm sát còn truy tố bị can Phạm Tần Anh; Chu Xuân Sơn (đều là cựu Phó Chủ tịch UBND phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) và 4 cựu cán bộ của phường, quận về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, theo quy định tại các điểm a, c khoản 3, Điều 360 Bộ luật Hình sự.
Theo cáo buộc, Nghiêm Quang Minh là chủ sở hữu thửa đất diện tích 240m2 (ở số 37, ngách 29/70, phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân). Tháng 3/2015, ông Minh được UBND quận cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ trên thửa đất, diện tích xây dựng tầng là 167,4m2; mật độ xây dựng 70%; tổng diện tích sàn xây dựng 1.165,9m2; tổng chiều cao công trình 20,2m gồm 6 tầng, tầng lửng và tum thang, với tổng số 33 phòng.
Tuy nhiên, quá trình thi công, bị can tự ý thay đổi thiết kế, xây vượt diện tích được cấp phép nhiều lần.
Hiện trường tòa nhà chung cư mini bị cháy làm 56 người chết.
Xây dựng xong, ông Minh bán 45 căn hộ bằng hình thức ký văn bản thỏa thuận với các cá nhân, hộ gia đình. Tính đến trước thời điểm xảy ra vụ cháy, tòa nhà có 147 cư dân sinh sống tự quyết định quyền quản lý, sử dụng.
Khoảng 23h20 ngày 12/9/2023, dây điện bị chập tại khu vực bình ắc quy đặt ở giáp tường tầng 1 tòa nhà gây cháy. Ngọn lửa sau đó lây lan, dù được phát hiện nhưng với bình bọt chữa cháy tại tầng không dập được đám cháy, dẫn đến ngọn lửa bùng lớn.
Theo công bố của lực lượng chức năng cũng như ghi nhận của PV tại hiện trường cho thấy, những cột khói đen cùng ngọn lửa cứ thế ngùn ngụt bao trùm căn chung cư này nằm sâu trong con ngõ rộng chưa đầy 2m.
Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH thuộc Hà Nội đã huy động hàng chục phương tiện, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ tới hiện trường dập lửa.
Đám cháy bùng phát nhanh, chung cư quá nhiều phòng, mỗi phòng nhỏ lại có nhiều người, chứa nhiều đồ đạc, một số người dân ở tầng thấp ra ban công nhảy sang mái ngói nhà bên cạnh, có gia đình kịp thời dùng búa phá hàng rào sắt, dùng thang có sẵn bắc sang nhà hàng xóm thoát nạn, một số chạy lên tầng thượng kêu cứu… có người nhảy từ tầng cao xuống, số còn lại mắc kẹt.
Theo Công an Hà Nội thông tin, các lực lượng đã khắc phục mọi khó khăn, tổ chức hiệu quả công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Sau 45 phút họ có mặt tại điểm hỏa hoạn, đám cháy cơ bản được khống chế, không để lan các nhà dân xung quanh, giải cứu được 70 người bị mắc kẹt và đưa những người bị thương đi cấp cứu.
Khi ban hành cáo trạng, Viện KSND TP Hà Nội cho biết, toàn vụ cháy ghi nhận 56 người sống trong căn nhà đã tử vong, 44 người bị thương.
Về trách nhiệm dân sự, Viện kiểm sát cho hay, đại diện hợp pháp của 56 nạn nhân tử vong yêu cầu bồi thường thêm tổng số tiền hơn 19,7 tỷ đồng.
Đối với 44 người bị thương, toàn bộ chi phí khám chữa bệnh được Nhà nước chi trả toàn bộ, những người này yêu cầu bồi thường hơn 2,7 tỷ đồng.
Đối với thiệt hại tài sản khác, cư dân tòa nhà yêu cầu bồi thường tổng cộng hơn 56 tỷ đồng bao gồm toàn bộ giá trị căn hộ, toàn bộ số tài sản có trong căn hộ, tiền, vàng…
Cảnh sát cứu hộ các nạn nhân trong vụ cháy.
Nguyên nhân sâu xa
Trong vụ án, Viện KSND TP Hà Nội cũng nêu một số sai phạm liên quan đến việc bị can Nghiêm Quang Minh đã tự ý xây vượt giấy cấp phép, vi phạm quy định về PCCC.
Theo cơ quan tố tụng, chính sự “buông lỏng” quản lý của nhóm bị can là cán bộ phường Khương Đình và Đội trật tự xây dựng quận Thanh Xuân đã “tạo điều kiện” cho công trình này xây thành 9 tầng và 1 tum (vượt 3 tầng so với giấy phép); diện tích sàn tầng là 240m2 (vượt 132,6m2); tổng số 45 phòng như căn hộ khép kín, trong khi giấy phép chỉ cho xây đến 33 phòng.
Ở lĩnh vực PCCC, Công an quận Thanh Xuân từng kiểm tra phát hiện nhiều vi phạm tại tòa nhà, đã có những “cảnh báo” nhưng bị can Nguyễn Tuấn Anh (cựu Phó trưởng Công an phường Khương Đình) không đôn đốc, đưa ra các giải pháp tham mưu xử lý. Hậu quả khi vụ cháy xảy ra, dù được phát hiện nhưng với bình bọt chữa cháy tại tầng 1 không dập được lửa.
Liên quan đến vụ cháy trên, hồi tháng 7/2024, tại phiên thảo luận tổ kỳ họp thứ 17 HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, khi nêu về Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn PCCC, CNCH, trên địa bàn Thủ đô định hướng đến 2030, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng (Phó Giám đốc Công an Hà Nội) cũng từng phát biểu, khi hỏa hoạn xảy ra, các ông lật lại từ năm 2015, nguyên nhân sâu xa từ vấn đề quản lý xây dựng.
“Nguyên nhân do giai đoạn đó để vi phạm xây dựng nhà sai phép, thì mới xảy ra hậu quả như thế. Đấy là nguyên nhân sâu xa…", ông Tùng nói.
Theo Tiền Phong