1. Kiểm soát cảm xúc của bạn
Nếu bạn không an tâm về bản thân hoặc sự gắn bó của mình với vợ/chồng, lo lắng vợ/chồng của bạn vẫn còn giữ tình cảm với người cũ, nhất là bất đồng trong nuôi dạy con riêng, muốn buông bỏ những cảm giác này bạn cần kiên nhẫn và thấu hiểu. Anh ấy/cô ấy đã kết hôn với bạn và họ sẽ không làm điều đó nếu họ vẫn muốn ở bên người cũ.
Hãy tin tưởng bạn đời của bạn. Nếu bạn cảm thấy không thoải mái khi vợ/chồng mình tiếp xúc với người cũ hoặc nói về người cũ thì có thể trao đổi thẳng để không phải đối diện với những khó chịu đó. Bạn nên nói về vai trò của người cũ trong cuộc sống của vợ/chồng và con cái của bạn, sau đó thảo luận về mối quan hệ của vợ/chồng với người cũ. Cuộc trò chuyện này có thể giúp cả hai bạn thiết lập ranh giới để không vi phạm.
2. Tiến về phía trước
Bạn không thể thay đổi việc vợ/chồng của bạn có người cũ. Nếu bạn cằn nhằn về người cũ, đó có thể là một trở ngại không lành mạnh. Hãy tập trung làm cho thời gian bên nhau trở nên ý nghĩa để những ký ức tích cực về bạn bắt đầu lấn át những ký ức cũ. Bạn cũng cần học cách sống hạnh phúc. Hãy tập trung vào hiện tại và cuộc hôn nhân của bạn. Đừng coi mình là "người vợ thứ hai" hay "người chồng thứ ba". Bạn chỉ đơn giản là vợ hoặc chồng của họ. Hãy biết ơn từng trải nghiệm trong quá khứ của bạn đời vì tất cả đều dẫn đến việc hai bạn được ở bên nhau.
3. Ứng xử với con riêng của bạn đời
Thông thường, trẻ khó chấp nhận việc bố/mẹ mới bảo chúng phải làm gì. Hãy để vợ/chồng bạn đặt ra các quy tắc cho con. Khi có vấn đề nảy sinh, hãy lôi kéo vợ/chồng của bạn vào và thể hiện thái độ thống nhất với con cái. Điều đó giúp phát triển mối quan hệ với trẻ. Hãy đối xử với con cái của vợ/chồng bạn bằng tình yêu thương và sự tôn trọng, ngay cả khi bọn trẻ chưa đối xử với bạn theo cách này. Và đừng cố hành động như cha mẹ ruột của đứa trẻ. Những đứa trẻ ban đầu có thể cảm thấy bị phản bội bởi cuộc hôn nhân mới, đừng ép trẻ lựa chọn mà hãy để chúng chấp nhận dần vì trẻ nhìn nhận sự tan vỡ trong hôn nhân khác với người lớn.
Nếu bọn trẻ đã đủ lớn, hãy cho chúng biết rằng bạn không ở đó để thay thế cha mẹ ruột của chúng. Tránh bực bội với vợ/chồng của bạn khi phải thực hiện cấp dưỡng nuôi con. Bạn chọn chia sẻ cuộc sống của mình với họ thì cũng chấp nhận mọi trách nhiệm của họ. Hãy coi khoản tiền cấp dưỡng nuôi con như một hóa đơn cần thanh toán của gia đình.
4. Đừng cố giống với người cũ đã khuất
Cuộc hôn nhân trước là một phần cuộc sống của bạn đời của bạn và họ có thể sẽ đau buồn trong một thời gian dài sau sự ra đi của người bạn đời cũ. Hãy khuyến khích đối phương chia sẻ nỗi đau buồn của họ với bạn. Điều này giúp xây dựng mối quan hệ sâu sắc và bền chặt hơn giữa hai bạn. Chấp nhận rằng người bạn đời của bạn sẽ luôn yêu thương người bạn đời đã khuất của họ. Chỉ cần nhớ rằng, người ấy cũng yêu bạn và hai bạn đang cùng nhau xây dựng cuộc sống. Cuộc hôn nhân trước của bạn đời không thay đổi cách họ cảm nhận về bạn.
Đừng cố gắng giống người vợ/chồng đã qua đời hoặc làm những việc họ đã làm. Mặc dù thông cảm với nỗi đau của người bạn đời nhưng bạn cũng phải nghĩ đến cảm xúc của chính mình. Khi bạn đời của bạn nói hoặc làm điều gì đó khiến bạn tổn thương, hãy nói chuyện với họ về điều đó, thiết lập ranh giới về điều gì phù hợp và điều gì không nên làm. Hãy cân nhắc việc trang trí lại ngôi nhà của bạn hoặc mua một ngôi nhà mới, giúp nó có cảm giác như ngôi nhà của bạn chứ không phải ngôi nhà của quá khứ.
Theo Phụ Nữ Việt Nam