Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: Thí sinh trong gameshow đôi khi chỉ là 'quân cờ' níu kéo khán giả

Có nhiều năm hoạt động trong làng giải trí Việt, cha đẻ bản hit "Nhật ký của mẹ" đã có những góc nhìn khá sâu sắc về thực trạng quán quân của nhiều gameshow âm nhạc hiện nay không thoát khỏi cái bóng nhạt nhòa.

- Sau giây phút chạm tới hào quang nhất thời, nhiều gương mặt quán quân của các cuộc thi như The Voice, Vietnam Idol... hiện nay lại bế tắc, chật vật tìm lối đi cho mình. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nhìn nhận gì về câu chuyện này?

Thực tế, nhiều gương mặt quán quân hiện nay chỉ được chú ý trong cuộc thi, chương trình mà họ tham gia. Ngoài chất giọng, năng lực của mỗi người, thì sự hỗ trợ của ê-kíp từ giám đốc âm nhạc, HLV, cố vấn chuyên môn,… là những yếu tố cộng hưởng giúp họ đạt được thành tích cao nhất.

Tuy nhiên, khi ra ngoài thực tế, các bạn ấy lại chơi vơi, không biết đi về đâu. Nhất là khi đang ở đỉnh cao chiến thắng, họ hơi ảo tưởng về khả năng của mình nên sẽ dễ bị mất phương hướng.

Hơn nữa, trong cuộc thi, họ chỉ cạnh tranh với các thí sinh ngang bằng hoặc kém hơn mình, nên khán giả dễ dàng nhìn thấy sự vượt trội nhất thời của thí sinh đó. Tuy nhiên, khi bước ra ngoài theo đuổi con đường nghệ thuật riêng, các quán quân phải cạnh tranh với tất cả các ca sĩ trên thị trường.

Thế nên, chỉ với kinh nghiệm trong mấy tháng tham gia cuộc thi thì làm sao họ có thể “đọ” lại nổi với những đàn anh, đàn chị đã có nhiều năm lăn lộn trong nghề. Nên, rất dễ dàng nhìn thấy sự chênh lệch và chơi vơi của các quán quân sau cuộc thi.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: Thí sinh trong gameshow đôi khi chỉ là quân cờ níu kéo khán giả-1
Bước ra khỏi cuộc thi Vietnam Idol 2016 với ngôi vị quán quân nhưng cái tên Janice Phương không tạo được dấu ấn.

- Có một tình trạng chung mà hầu như các gameshow, cuộc thi nào đều gặp phải, nếu thí sinh mùa đầu càng nổi, thì những thí sinh mùa sau lại nhạt dần dù được đầu tư, trau chuốt hơn. Tại sao lại có nghịch lý như vậy?

Dễ dàng nhận thấy, ở mùa đầu tiên, năng lực của thí sinh được đánh giá ở mức cao nhất, người đoạt giải quán quân cũng gây được hiệu ứng mạnh. Ngoài thực lực, các thí sinh còn hội tụ khá nhiều yếu tố đặc biệt từ tư duy âm nhạc, chất giọng, phong cách trình diễn.

Tuy nhiên, càng những mùa sau chất lượng thí sinh sẽ giảm dần, ở mức đều đều, không có điểm nhấn hay sự bứt phá. Thế nên, các nhà sản xuất cũng đau đầu khi tuyển chọn các thí sinh tham gia cuộc thi.

Tuy nhiên, chuyện quán quân ngày càng mờ nhạt, xuống dốc là bình thường. Bởi trong khi thi, họ nhận được sự hỗ trợ, đầu tư của ê-kíp nên có nhiều tiết mục đặc sắc, ấn tượng. Nhưng bước ra khỏi cuộc thi, dù có vẫn được ê-kíp đó hậu thuẫn nhưng chính bản thân các bạn lại là người lúng túng, không tìm được lối đi, sự đột phá của bản thân.

Điều đó để thấy rằng từ ấn tượng trong cuộc thi ra thực tế showbiz, tất nhiên sẽ có sự chênh lệch rõ nét. Qua đó, sẽ nhìn thấy được ai thành công, ai “xuống dốc”.

- Không ít khán giả đặt nghi vấn có hay không chuyện các cuộc thi, gameshow hiện nay chỉ mang tính PR cho “gà nhà”, nhằm thu hút lượng người xem, quảng cáo. Đã có nhiều năm trong showbiz, anh nhìn nhận vấn đề này thế nào?

Thực ra, việc các nhà sản xuất sử dụng chiêu trò, cách thức để gây sự chú ý, tạo hiệu ứng cho thí sinh và cho chính chương trình của họ không phải là không có khả năng. Đôi khi, thí sinh được xem là “quân cờ” để kéo khán giả theo dõi chương trình. Nhưng, sự PR, tung hô quá đà đôi khi lại phản ứng ngược, khiến cho thí sinh bị ảo tưởng về năng lực của họ.

Đáng nói, những thành tích nhất thời trong cuộc thi chưa chắc đã nói lên được thành công sau này. Bởi, môi trường hoạt động nghệ thuật thực tế đòi hỏi nhiều thứ hơn là chất giọng, hay giây phút tỏa sáng trong cuộc thi.

Bên cạnh đó, nhiều cuộc thi, gameshow hiện nay, nếu mùa đầu tiên gây được hiệu ứng mạnh, thì nhà sản xuất sẽ tiếp tục sản xuất mùa 2, mùa 3. Đó là cách họ tận dụng sự thành công của mùa đầu để thu hút khán giả, tăng quảng cáo.

Nhưng cái gì cũng có quy luật, nếu mùa nào cũng giống mùa nào thì khán giả sẽ ngán dần đều. Thực tế, hiếm có cuộc thi, gameshow nào giữ được phong độ qua mùa thứ 5, căng nhất là đến mùa thứ 3 thì khán giả đã chán rồi.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: Thí sinh trong gameshow đôi khi chỉ là quân cờ níu kéo khán giả-2
Theo nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, chất lượng các thí sinh từ cuộc thi ra thực tế có sự chênh lệch rõ nét.

- Vậy theo nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, những bạn trẻ đang có ý định muốn tham gia các chương trình, cuộc thi âm nhạc cần phải rút kinh nghiệm gì cho bản thân để tránh “vết xe đổ” kia?

Các bạn trẻ hiện nay thường tìm đến các cuộc thi để thể hiện tài năng của mình. Nhưng, không phải ai cũng ý thức được việc nổi tiếng bằng tài năng. Có nhiều trường hợp tài năng có hạn lại lợi dụng chiêu trò để đoạt giải. Nhưng, chân lý cuối cùng nghệ thuật vẫn cần có tài năng.

Chính tài năng mới là yếu tố quyết định giúp người nghệ sĩ có được “chỗ đứng” trong trái tim khán giả.

Theo Người đưa tin


the voice vietnam idol

Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao