Chị Xuân thều thào kể lại, giữa đêm nghe tiếng báo cháy nên hai vợ chồng chị chạy xuống tầng 1, nhưng thấy khói, tắc nghẽn không ra được nên lại quay lên tầng 8. Lúc này, chồng chị kéo các con cùng với một vài người hàng xóm chạy vào nhà, đóng kín cửa.
"Khói ngạt không chịu được nên chúng tôi chui vào tủ quần áo trốn, đồng thời gọi cứu hộ. Sau đó nghe lời cứu hộ, chúng tôi chạy ra hành lang, được cứu hộ giải cứu và đưa vào bệnh viện cấp cứu", nữ bệnh nhân kể lại.
Nữ bệnh nhân hiện tỉnh táo, được thở oxy liều thấp (Ảnh lãnh đạo Bộ Y tế đến thăm hỏi bệnh nhân: Nam Phương).
Bác sĩ Vũ Việt Hà, khoa Cấp cứu & Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết, bệnh nhân hiện tỉnh, thở oxy liều thấp, có thể được ra viện trong một vài ngày tới. Bệnh nhân đã được làm xét nghiệm khí CO trong máu, nếu khí CO tăng, chúng tôi sẽ chuyển bệnh nhân đến trung tâm cao áp để thở oxy.
"Khí CO ngoài gây tổn thương trực tiếp còn gây tổn thương não về sau này. Chúng tôi sẽ lưu ý theo dõi, đánh giá bệnh nhân trước khi ra viện để tránh bệnh nhân về nhà ảnh hưởng đến trí nhớ sau này", BS Hà cho biết thêm.
Theo bác sĩ, liên quan đến cấp cứu các nạn nhân trong vụ cháy thường có một số tình huống như sau.
Thứ nhất là ngạt khói, gây tử vong do thiếu oxy tại chỗ, ngộ độc khí CO. Đặc biệt những trường hợp cháy trong thời gian dài như vụ cháy trên, nếu người dân ở trong phòng kín lâu, ngoài khói còn khí CO dễ gây ngộ độc.
Thứ 2 là nhiệt độ cao gây ra bỏng cấp, phỏng da, bỏng đường thở, nhiệt cao gây phù nề đường thở thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Thứ 3 là các trường hợp bị chấn thương do nhảy hoặc ngã từ trên cao xuống, va đập trong lúc chạy khỏi đám cháy.
Bác sĩ khuyên, trong tình huống xảy ra đám cháy người dân ít nhất nên phủ khăn ướt che kín mặt, mũi để tránh khói. Tuy nhiên, việc làm này cũng không ngăn được ngộ độc khí CO. Trong đám cháy, nếu ở trong phòng kín quá thì dù có khăn ướt vẫn có thể bị ngộ độc khí CO.
Bác sĩ Vũ Việt Hà, khoa Cấp cứu & Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (Ảnh: Nam Phương).
Vì thế, ngay khi được cứu thoát khỏi đám cháy, các nạn nhân được cho thở oxy ngay để đảm bảo cung cấp oxy, kiểm tra các dấu hiệu sinh tồn, kiểm tra các vết thương trên người, đặc biệt vết thương do ngã, va chạm sau đó chuyển vào bệnh viện để đánh giá sâu hơn.
Tại bệnh viện, các nạn nhân sẽ được đánh giá mức độ bỏng, tình trạng suy hô hấp, xem có bị tổn thương đường thở, xét nghiệm khí máu xem có bị ngộ độc khí CO.
Trường hợp bị ngộ độc khí CO sẽ được áp dụng thêm biện pháp thở oxy cao áp. Bệnh nhân bị ngộ độc khí CO có thể bị tổn thương não, hôn mê, không tỉnh lại được nên cần theo dõi sát.
TS.BS Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) (Ảnh: Nam Phương).
Trước đó, 1h sáng có 7 nạn nhân trong vụ cháy chung cư mini được chuyển vào Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cấp cứu. Trong đó, một trường hợp tử vong đã được chuyển đến nhà tang lễ (bệnh nhân nam 26 tuổi, ở Hải Dương). 4 trường hợp đã được ra viện.
Như vậy, đến trưa 13/9, tại bệnh viện còn 2 nạn nhân đang điều trị. Trong đó, một bệnh nhân nam bị đa chấn thương nặng, chấn thương kín xương sườn, chấn thương cột sống. Bệnh nhân đã được phẫu thuật, đang nằm phòng hồi tỉnh theo dõi.
Bệnh viện Bưu điện cũng tiếp nhận 2 nạn nhân trong vụ cháy ở Khương Hạ, trong đó có 1 cháu bé tử vong ngoại viện. Trường hợp còn lại sau khi được cấp cứu hồi sức đã có tiến triển tốt hơn song các bác sĩ cũng chưa thể nói trước được điều gì.
Hồi 23h50 phút ngày 12/9, trên địa bàn phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội xảy ra một vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng tại số nhà 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ. Căn nhà có diện tích khoảng trên 200m2 với khoảng 150 người dân sinh sống.
Đến 5h ngày 13/9, thống kê sơ bộ cho thấy lực lượng chức năng đã thực hiện cứu hộ thành công trên 70 người dân, đưa đi cấp cứu 54 người, trong đó có người đã tử vong.
Hiện, lực lượng chức năng chưa có thông tin cụ thể về số người tử vong và nguyên nhân vụ cháy.
Theo Dân Trí