Trước vụ tai nạn của tàu lặn Titan khi đang trên đường ngắm xác tàu Titanic, nhà khoa học người Mỹ Michael Guillen đã kể lại trải nghiệm đáng nhớ của mình khi cũng bị mắc kẹt trong một con tàu lặn ở cùng địa điểm này vào năm 2000.

Tiến sĩ vật lý Guillen (lúc đó là biên tập viên khoa học tại kênh ABC của Mỹ), nói với BBC: "Tôi là phóng viên đầu tiên từng đưa tin về vụ đắm tàu Titanic. Vì vậy, một cách tự nhiên, tôi rất phấn khích."

Nhà báo Mỹ thoát nạn trong gang tấc khi thăm tàu Titanic nhờ lái tàu người Nga-1
Ảnh: Michael Guillen

Tiến sĩ Guillen cùng với bạn của mình là Brian và lái tàu người Nga Viktor - đã xuống một chiếc tàu lặn nhỏ của Nga được thả xuống từ tàu nghiên cứu Akademik Mstislav Keldysh.

Sau khi thăm quan mũi tàu của Titanic và "mọi thứ diễn ra tốt đẹp", họ quyết định đi đến khu vực đuôi tàu cách đó một đoạn.

Tàu Titanic bị chìm vào ngày 15/4/1912 sau khi va phải một tảng băng trôi. Trước khi chìm xuống đáy biển, chiếc tàu của Anh đã bị vỡ ra làm đôi.

"Khi chúng tôi đến gần khu vực đuôi tàu - đi qua khu vực được gọi là mảnh vỡ - chúng tôi đã bị cuốn vào một dòng hải lưu mạnh. Vì vậy, cuối cùng, chúng tôi bị mắc kẹt vào chiếc chân vịt của tàu Titanic", tiến sĩ Guillen mô tả.

"Đột nhiên, có một vụ va chạm. Chúng tôi cảm thấy sự va chạm này và ngay lập tức, những mảnh vỡ lớn - những mảng gỉ sét của con tàu Titanic bắt đầu rơi xuống tàu lặn của chúng tôi."

Nhà báo Mỹ thoát nạn trong gang tấc khi thăm tàu Titanic nhờ lái tàu người Nga-2
Chiếc tàu lặn Mir của Nga

"Tôi đã tự nói lời tạm biệt"

Tiến sĩ vật lý Guillen nhớ lại rằng "chúng tôi ngay lập tức nhận ra mình đã bị mắc kẹt."

Ông nói rằng, người lái tàu Viktor đã từng là phi công lái máy bay chiến đấu MiG của Nga cố tìm cách đưa chiếc tàu lặn ra ngoài.

"Giống như chiếc xe tải bị kẹt trong vũng bùn. Bạn cố gắng tiến hoặc lùi rồi lại tiến, cố để thoát ra. Tất cả chúng tôi đều im lặng. Chúng tôi không muốn làm phiền hay làm Viktor mất tập trung. Và chúng tôi biết mình đang gặp nguy hiểm, vì vậy chúng tôi chỉ im lặng."

Tiến sĩ Guillen cho biết chiếc tàu ngầm cuối cùng đã thoát ra được "nhờ kỹ năng của Viktor". "Chúng tôi thật may mắn. Chúng tôi đã bị mắc kẹt trong khoảng hơn một giờ đồng hồ. Và tôi đã tự nói lời tạm biệt khá nhiều lần với cuộc đời này. Nhưng cuối cùng, chúng tôi cảm nhận được sự thay đổi."

Nhà báo Guillen nhớ lại rằng, cuộc vật lộn để thoát ra khỏi lần mắc kẹt được thực hiện hoàn toàn trong bóng tối do người lái tàu yêu cầu tất cả tắt đèn để tiết kiệm nhiên liệu.

"Chúng tôi không muốn nói bất cứ điều gì. Một lúc sau tôi quay sang nhìn Viktor và hỏi: OK? Chỉ có vậy thôi."

"Ông ấy không rành tiếng Anh. Và tôi sẽ không bao giờ quên cách ông ấy nói câu này bằng giọng Nga rất trầm: Không sao rồi. Tôi thở phào nhẹ nhõm."

"Trái tim tôi bị bóp nghẹt"

Họ mất khoảng 2 tiếng rưỡi để trở lại mặt nước và những người trên tàu mẹ đã nhận ra tàu lặn vừa thoát chết trở về.

Ông nói rằng vào năm 2000, chỉ có hai quốc gia có tàu ngầm chịu được áp lực nước khổng lồ là Pháp và Nga.

So sánh chiếc tàu ngầm Mir của Nga dài 7,8m (26 ft) mà ông ấy đã đi với chiếc tàu Titan gặp nạn, ông Guillen cho biết chiếc tàu ông đã trải nghiệm không giống Titan bởi Titan sang trọng hơn nhiều.

Tiến sĩ Guillen cũng chia sẻ, trước khi lặn, người trong đoàn đã được hướng dẫn về những gì sẽ xảy ra trong tàu ngầm.

"Chúng tôi đã được kể cho nghe một câu chuyện có thật xảy ra với một người đàn ông đối phó với việc bị mắc kẹt trong tàu lặn. Ông ấy đã theo bản năng, đứng dậy, với lấy tay nắm cửa và ông ấy đã thiệt mạng do dòng nước tràn vào sắc như dao cạo vì áp lực quá lớn."

"Tôi đã nghĩ rằng làm cách nào để thoát khỏi tình trạng này, và tôi đã phải thừa nhận một sự thật phũ phàng rằng không có lối thoát," ông Guillen mô tả.

Khi được hỏi về chiếc tàu lặn Titan bị mất tích, tiến sĩ Guillen đã không kìm được cảm xúc.

"Trái tim tôi bị bóp nghẹt khi nghĩ về năm linh hồn đáng thương" ông nói trong nước mắt. "Tôi biết chính xác những gì họ đang trải qua. Không có từ nào để diễn tả điều đó. Tôi đã cầu nguyện thật nhiều."

Theo Phụ Nữ Việt Nam