Theo lẽ thường, nếu có thành viên nào trong gia đình bận việc, phải ăn sau sẽ được gắp những miếng ngon và để phần riêng. Thế nhưng, không phải gia đình nào cũng làm như vậy.

Thế mới có chuyện, nhìn mâm cơm để phần mà chẳng nuốt nổi vì chẳng khác gì đồ thừa. Nhất là với những nàng dâu nhìn thấy cảnh này chỉ có ức phát khóc. 

Mới đây, lại thêm một mâm cơm để phần nàng dâu khiến ai nấy bức xúc. Cô con dâu này chia sẻ như sau:

Nhà chồng phần cơm như mèo mửa, còn nhấn mạnh có ăn là may-1
Bài chia sẻ của nàng dâu. 

"Đây là mâm cơm nhà chồng em để phần cho em các chị ạ. Ban đầu em cứ tưởng mọi người ăn xong chưa dọn, đợi em về dọn cơ. Rồi em nói với chồng:

- Nhà có 6 người ở nhà. Bố mẹ chồng, 3 đứa em chồng và chồng. Vậy mà tất cả ăn xong chẳng bao giờ chịu dọn mâm, lúc nào cũng để đấy đợi em đi làm về dọn hộ. Có hôm em làm ca tối, đến 22h đêm mới về, mâm cơm cứ như vậy trên bàn. 

Chồng em thản nhiên đáp: 

- Đâu, đấy là cơm để phần cho em mà".

Câu nói thản nhiên của chồng khiến nàng dâu "nuốt không nổi cục tức". Ai đời cơm canh phần vợ - con dâu mà vẫn để nguyên 6 cái bát ăn dở trên mâm.

Canh rau còn lổn nhổn hạt cơm, cá chổng chơ cả xương. Nhìn mâm cơm phần như vậy, đố ai nuốt được đây?

Đến khi ý kiến mấy câu, anh chồng chẳng thèm bênh vực hay động viên. Ngược lại, anh chê vợ khó tính, nhiều chuyện, bảo: "Có cơm ăn là may rồi em còn đòi hỏi gì nữa" khiến chị không khỏi ấm ức.

Nhà chồng phần cơm như mèo mửa, còn nhấn mạnh có ăn là may-2
Toàn đồ thừa để phần khiến nàng dâu gây bức xúc.

Từ một đứa con gái được cưng chiều trong nhà, bỗng phải chuyển đến một ngôi nhà khác, làm con nhà người khác. Nếu gia đình chồng tử tế còn đỡ nhưng gặp phải nhà chồng không tốt hay thậm chí cay nghiệt thì nhiều lúc chỉ biết nuốt nước mắt vào trong mà thôi. 

Việc cả nhà chồng phần cơm không khác gì đổ đi khi con dâu đi làm về muộn cũng là một trong những cám cảnh khiến nhiều chị em rớt nước mắt. Thế mới biết miếng ăn cũng thể hiện nhân cách và sự tôn trọng giữa người với người.

Phần một mâm cơm ngon mắt cho người ăn sau, đó không phải là câu nệ, khách sáo mà là sự tôn trọng, yêu thương lẫn nhau.

Nếu đã gọi nhau một tiếng gia đình, thì hãy đối xử với nhau đúng như vậy, bất kể người đó có cùng huyết thống với mình hay không.

Ying Ying
Theo Vietnamnet