Fantasy Boys là chương trình truyền hình thực tế sống còn của đài MBC, với mục tiêu tạo ra nhóm nhạc nam Kpop toàn cầu trong số các thực tập sinh từ khắp nơi trên thế giới.

Nhà đài bị chỉ trích vì để thí sinh 14 tuổi chơi trò phản cảm-1
Fantasy Boys vướng nhiều tai tiếng. Ảnh: MBC.

Kể từ khi phát sóng, chương trình thu hút sự chú ý vì nhiều lý do, bao gồm những ồn ào tiêu cực như phân biệt chủng tộc và bài ngoại gây bức xúc trong cộng đồng mạng. Gần đây nhất, Fantasy Boys bị chỉ trích vì câu kéo người xem bằng những chiêu trò phản cảm, còn để thí sinh vị thành niên tham gia các hoạt động không phù hợp.

Ngày 23/5, iMBC News chia sẻ hình ảnh cho thấy các nam thí sinh dường như đang hôn nhau gây tò mò cho khán giả.

Trên thực tế, khi xem video đầy đủ, họ chơi trò pepero. Đây trò chơi nổi tiếng ở Hàn Quốc. Theo đó, mỗi người dùng miệng giữ một đầu của bánh quy dạng que pepero và cắn tới khi nào chiếc bánh ngắn đi nhất có thể. Các thí sinh cũng chơi trò truyền giấy bằng miệng.

Một trong những tâm điểm chú ý của hoạt động này là Hyeontae (14 tuổi). Thiếu niên ghép cặp với một thí sinh lớn tuổi hơn. Họ kề miệng rất sát nhau đến mức có thể thấy môi chạm môi.

Sau đó, Hyeontae cũng tham gia trò truyền giấy bằng miệng với Hikaru (19 tuổi). Để giữ cho tờ giấy không bị rơi, họ phải liên tục di chuyển đầu để tạo cảm giác như đang hôn nhau say đắm. Những người xung quanh cười đùa nhưng không giấu được vẻ ngại ngùng khi chứng kiến quá trình. Ở một vòng khác, tờ giấy bị rơi khiến hai chàng trai chạm môi nhau.

Nhà đài bị chỉ trích vì để thí sinh 14 tuổi chơi trò phản cảm-2
Hyeontae chơi trò nhạy cảm với các thí sinh trưởng thành gây bức xúc. Ảnh: Koreaboo.

Hình ảnh này khiến không ít cư dân mạng khó chịu. Họ cáo buộc chương trình tạo ra những tình huống nhạy cảm để câu khách, đồng thời bóc lột các thí sinh nhỏ tuổi.

Nhiều bình luận phản đối được để lại trên Twitter: “Tại sao MBC lại để thí sinh vị thành niên làm những trò nhạy cảm này”, “Thật sự kỳ quặc khi có những thiếu niên 13, 14 tuổi trong chương trình”, “MBC làm điều này có đúng không vậy? Sẽ ổn nếu như họ không để một đứa trẻ 14 tuổi chơi trò chơi chết tiệt này với những người trưởng thành”, “Quảng bá chương trình bằng cách sử dụng hình ảnh một trẻ vị thành niên chơi trò pepero thật điên rồ”...

Không chỉ vậy, một bộ phận tỏ ra giận dữ với hành vi “queerbaiting” - phương thức tiếp thị sử dụng nội dung có liên quan tới cộng đồng LGBTQ+ để “câu kéo” người xem. Họ cho rằng chuyện tình cảm đồng giới bị đưa ra làm trò đùa không chỉ ảnh hưởng xấu đến cộng đồng LGBTQ+, mà còn chỉ ra các thực tập sinh đang bị lợi dụng, thậm chí lạm dụng tình dục.

Nhà đài bị chỉ trích vì để thí sinh 14 tuổi chơi trò phản cảm-3
Đài MBC bị tố lạm dụng trẻ vị thành niên, sử dụng tình yêu đồng giới để thu hút người xem. Ảnh: MBC.

Theo Koreaboo

Theo Tiền Phong