24/4/2018 là hạn cuối để người dùng và các nhà mạng hoàn tất việc bổ sung thông tin thuê bao di động. Đây cũng là lý do khiến các điểm giao dịch của các nhà mạng liên tục bị quá tải.

PV đã liên hệ với Cục Viễn thông để hỏi cụ thể về việc sau 24/4/2018, những thuê bao chưa hoàn thành việc cập nhật, bổ sung thông tin theo quy định có bị cắt liên lạc hay không? Bộ có gia hạn thời gian bổ sung thông tin không?

Trước vấn đề này, đại diện Cục Viễn thông cho biết ngày 24/4/2018 là mốc doanh nghiệp viễn thông phải bảo đảm toàn bộ các thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu tập trung của mình tuân thủ đúng quy định tại Nghị định 49.
 


Nhiều điểm giao dịch quá tải khi hạn cuối để hoàn tất việc bổ sung thông tin thuê bao di động đã rất gần. Ảnh: Trọng Đạt
 

Nghị định 49 cũng quy định rõ quy trình thông báo cho các thuê bao đến bổ sung thông tin, tạm dừng cung cấp dịch vụ (đối với các thuê bao không thực hiện).

Theo đó, đối với thuê bao di động có thông tin thuê bao không đúng quy định, doanh nghiệp phải thông báo liên tục trong ít nhất 5 ngày, mỗi ngày ít nhất một lần để yêu cầu cá nhân, tổ chức thực hiện bổ sung, cập nhật thông tin thuê bao.

Trong trường hợp cá nhân, tổ chức không thực hiện theo yêu cầu, “tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều sau 15 ngày kể từ ngày đầu tiên gửi thông báo, tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều sau 15 ngày tiếp theo nếu không thực hiện. Thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông sau 30 ngày kể từ ngày tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều nếu cá nhân, tổ chức không thực hiện.”, đại diện Cục Viễn thông cho biết.

Như vậy, mốc 24/4/2018 là thời điểm doanh nghiệp phải bảo đảm cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao của mình đã tuân thủ hoàn toàn theo các quy định tại Nghị định 49. Sau thời điểm này, bất kỳ lúc nào cơ quan quản lý cũng có thể tiến hành thanh, kiểm tra và xử phạt doanh nghiệp nếu phát hiện có thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu không đúng quy định.

Ngoài ra, doanh nghiệp viễn thông sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với những sai phạm có thể phát sinh liên quan đến thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu của mình không tuân thủ đúng quy định.
 


Nếu thông tin không chính xác, người dùng di động sẽ bị khóa tài khoản sau 60 ngày kể từ ngày đầu nhà mạng gửi thông báo. Ảnh: Trọng Đạt
 

Điều này không có nghĩa rằng sau ngày 24/4, toàn bộ các thuê bao chưa cập nhật thông tin sẽ bị khóa 1 chiều, 2 chiều hay bị chấm dứt cung cấp dịch vụ. Thuê bao sẽ chỉ bị khóa, chấm dứt cung cấp dịch vụ nếu chủ thuê bao cố tình không tuân thủ việc cập nhật, bổ sung thông tin thuê bao khi đã nhận được thông báo.

“Trong trường hợp thuê bao chưa nhận được thông báo, trách nhiệm bảo đảm thông tin thuê bao đã đúng quy định thuộc về doanh nghiệp, và doanh nghiệp không có quyền khóa hay chấm dứt cung cấp dịch vụ của các thuê bao này”, đại diện Cục Viễn thông chia sẻ.

Như vậy, theo giải thích của Cục Viễn thông, các thuê bao di động trả trước không nhận được thông báo yêu cầu bổ sung thông tin chủ thuê bao đã được nhà mạng xác định là đủ thông tin và không cần phải cập nhật thêm hình ảnh chân dung hay các thông tin cá nhân khác.

Cục Viễn thông cũng cho biết, thời gian qua, các doanh nghiệp chưa thực sự nghiêm túc và cố gắng trong việc triển khai rà soát, cập nhật, hoàn thiện thông tin thuê bao theo quy định tại Nghị định 49. Chính điều này dẫn đến việc triển khai Nghị định 49 trong những ngày gần đây gây nhiều khó khăn cho người dân (quá tải, ùn tắc tại các điểm cung cấp dịch vụ).

Theo đại diện Cục Viễn thông: “Trong những ngày sắp tới, các doanh nghiệp phải có trách nhiệm bố trí thiết bị, nhân lực, để tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân bổ sung, cập nhật thông tin thuê bao”.

Để kiểm tra SIM của mình đã đăng ký hay chưa, người dùng chỉ cần nhắn tin theo cú pháp TTTB gửi đến số 1414. Cú pháp này đúng với tất cả các nhà mạng di động.

Các thuê bao di động trả sau là những thuê bao đã cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân khi ký hợp đồng dịch vụ với nhà mạng, nên không cần phải bổ sung thông tin chủ thuê bao.
 

Theo Vietnamnet