Trong tập cuối "Người phán xử", Phan Quân mắc mưu của kẻ thù dẫn đến việc bắn chết con trai mình.

Tập cuối bộ phim truyền hình gây sốt thời gian qua - Người phán xử - lên sóng tối 31/8. Lê Thành bị chính trùm giang hồ Phan Quân bắn chết, Lương Bổng tự sát, còn Bảo Ngậu lộ diện là cảnh sát. Vợ chồng Phan Hải - Diễm My không chết nhưng phải vào tù, bỏ lại cậu con trai bơ vơ.

Xung quanh cái kết này, khán giả bày tỏ sự không đồng tình. Số đông mong muốn tập đoàn tội phạm Phan Thị vẫn tiếp tục tồn tại, nhân vật Bảo Ngậu khi chính thức xuất hiện là K3 thì sẽ bị bắn…

Cái kết bi kịch cho Phan Thị là tất yếu

Đại diện nhà sản xuất phim Người phán xử cho rằng đây là những ý kiến “nặng tình”, thể hiện khán giả đã quá yêu mến các nhân vật tội phạm như Phan Quân, Lương Bổng, Phan Hải hay Hùng "Cá rô".

"Khán giả nhìn thấy ở họ sự nghĩa khí, cách tận tâm hết lòng và sẵn sàng sống chết xả thân cho nhau. Bởi vậy khi các nhân vật này phải chết hoặc bị công an truy bắt, khán giả thấy luyến tiếc. Đây cũng là dụng công mà các đạo diễn đã dành nhiều công sức thể hiện trong suốt 47 tập phim", đơn vị sản xuất chia sẻ.

Nhà sản xuất giải thích về cái kết bi kịch của Người phán xử-1
Ông trùm Phan Quân đau đớn sau khi tự tay bắn chết con trai Lê Thành. 

Tuy nhiên, nhà sản xuất cũng khẳng định cái kết bi kịch cho mỗi nhân vật này là không thể tránh được bởi họ đều là tội phạm tham gia hoạt động trái luật pháp, đã gây ra nhiều tội ác, giết người, buôn lậu... 

Trong tập cuối, đạo diễn đã giản lược tối đa quá trình truy bắt, phá án, tập trung khai thác kỹ tâm lý nhân vật Phan Quân - ông trùm đứng đầu tổ chức tội phạm Phan Thị. Khán giả chắc chắn thấy xót xa khi Phan Quân đau đớn chứng kiến sự sụp đổ của gia đình Phan Thị. Đó cũng là sự trả giá nặng nề nhất sau một hành trình dài đã “nhúng chàm”, liều lĩnh đứng trên luật pháp.

Vì sao có hình ảnh cu Hưng khóc, chạy theo xe cảnh sát?

Lý giải về tình tiết mà khán giả cho là bi thương và thiếu tính nhân văn - khi Phan Quân, Phan Hải và Diễm My bị bắt, còn cậu bé Hưng khóc, chạy theo chiếc xe, đại diện đoàn phim nói: "Đối với Phan Quân, cái chết hay những năm tháng ở tù không đáng sợ bằng sự ám ảnh về hình ảnh những người thân bị thanh trừng, đặc biệt là việc đứa cháu nội chạy theo chiếc xe cảnh sát, tuyệt vọng gọi với theo ông một cách bất lực.

Tôi nghĩ thông điệp phim được chuyển tải mạnh mẽ nhất ở cách thức này, chứ không phải chỉ dừng ở việc công án truy bắt tội phạm, giang hồ trừng phạt nhau. Cái kết bi kịch cho Phan Quân, cho tập đoàn Phan Thị là tất yếu".

Nhà sản xuất giải thích về cái kết bi kịch của Người phán xử-2
Cảnh đứa cháu nội của Phan Thị bơ vơ ở cuối phim gây tranh cãi. 

Ông trùm Phan Quân vốn đề cao giá trị gia đình, mong muốn bảo vệ gia đình, nhưng bản thân lại đi nhầm đường. Chính con đường tội phạm đã khiến ông không thể giữ vững được chân lý, niềm tin mà mình đặt ra - "Gia đình là thứ tồn tại duy nhất".

Nhà sản xuất Người phán xử cảm ơn sự ủng hộ của đông đảo khán giả trong suốt thời gian phim phát sóng. Những ý kiến, bình luận, góp ý đầy cảm xúc của người xem là động lực để ê-kíp có thêm nhiều tác phẩm hấp dẫn hơn trong tương lai.

"Những người làm phim nhận thức được rằng nếu chúng tôi nỗ lực làm những bộ phim truyền hình chất lượng thì khán giả luôn ủng hộ, lựa chọn sản phẩm phim Việt trên sóng VTV để thưởng thức". 

Theo Zing