Ngoại trừ người nhận giải đầu tiên là Mỹ Tâm, hầu như năm nào Giải thưởng Âm nhạc châu Âu của MTV (MTV EMA) cũng gây tranh cãi khi được tiến hành bình chọn ở Việt Nam. Những cuộc cãi vã trên mạng xã hội luôn nổ ra xoay quanh số phiếu bình chọn, đặc biệt là khi Đông Nhi giành chiến thắng và bị nghi gian lận vào năm 2016.
MTV EMA 2017 cũng không tránh khỏi phản ứng trái chiều, thậm chí, đây là năm đầu tiên gây tranh cãi dữ dội ngay vòng đề cử.
Năm nay, ban tổ chức (BTC) đưa ra nhiều thay đổi về luật bình chọn. Đặc biệt, chính ca sĩ là người nộp đơn đăng ký tranh giải thay vì được BTC đề cử như những năm trước đó.
Trao cơ hội cho tất cả các nghệ sĩ
Theo đại diện BTC trao đổi với phóng viên, “MTV Việt Nam chỉ đề cử những nghệ sĩ đã gửi đơn đăng ký, có trao đổi trước và đồng ý tham gia tranh giải”. Đây là cách làm nhằm tạo ra giải thưởng công bằng, đồng thời trao cơ hội cho tất cả các nghệ sĩ.
“MTV không phân biệt bất kỳ nghệ sĩ nào, chỉ cần họ đáp ứng đủ tiêu chí và sẵn sàng tranh cử để trở thành đại diện Việt Nam tham dự vòng bình chọn Đông Nam Á”, đại diện BTC cho biết.
Sau khi BTC đăng tải thông tin về cách thức tham gia và thể lệ cuộc bình chọn trên trang web chính thức, nghệ sĩ sẽ gửi đơn đăng ký. Từ đó, cuộc bình chọn sẽ tìm ra 9 gương mặt phù hợp để tiến hành bỏ phiếu và ca sĩ xuất sắc nhất sẽ đại diện Việt Nam tranh giải Best Southeast Asia Act (Nghệ sĩ Đông Nam Á xuất sắc nhất).
Danh sách 9 ca sĩ đó gồm Hương Tràm, Isaac, Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên, Tuấn Hưng, Dương Triệu Vũ, Trịnh Thăng Bình, Vũ Cát Tường và Trọng Hiếu Idol được lựa chọn trên 3 tiêu chí. Bao gồm, ca sĩ hoạt động ít nhất 3 năm trong lĩnh vực âm nhạc, biểu diễn, có sản phẩm mới đạt tiếng vang trong 2 năm 2016-2017 và có kế hoạch phát triển sự nghiệp ở thị trường quốc tế.
Hương Tràm mới đây tuyên bố rút khỏi cuộc bình chọn để tập trung cho chương trình The Voice Kids.
Khác mọi năm, đề cử năm nay có sự phân hóa rất rõ ràng về phong cách âm nhạc, giữa một số giọng ca tập trung vào dòng nhạc xưa, trữ tình với một bên thiên về âm nhạc thị trường. Trong đó, nhiều cái tên như Lệ Quyên, Dương Triệu Vũ hay Trịnh Thăng Bình được đánh giá là không phù hợp.
“Danh sách đề cử năm nay thể hiện sự quan tâm tới giải thưởng của đông đảo nghệ sĩ Việt Nam, từ những gương mặt trẻ cho đến ghệ sĩ gạo cội, lão làng. Hơn nữa, các nghệ sĩ năm nay không chỉ theo đuổi một dòng nhạc Bolero mà họ là nghệ sĩ đa năng. Họ có những sản phẩm thuộc nhiều dòng nhạc khác nhau đạt thành công và dấu ấn lớn”, BTC phản hồi thêm về những tranh cãi của công chúng thời gian qua.
Giải thưởng mang tính hữu nghị
Đây là lần đầu tiên MTV Việt Nam để nghệ sĩ tự nộp đơn đăng ký. Xét chung các giải thưởng âm nhạc, đây cũng là trường hợp hiếm hoi trao quyền ứng cử vào tay các nghệ sĩ.
Như đại diện BTC lý giải, cách làm này quả thực tạo điều kiện để tất cả các ca sĩ Việt có cơ hội tham gia nhưng nói đi cũng phải nói lại, giải thưởng là nơi để vinh danh những cá nhân có thành tích thực sự nổi bật. Nhất là trong trường hợp cần tìm ra người đại diện cho một quốc gia tham gia tranh giải quốc tế như MTV EMA.
Ở thời đại công nghệ số, thành tích được thể hiện rất rõ ràng bằng những con số lượt nghe, lượt xem hay sức ảnh hưởng trên mạng xã hội... Và không phải giới ca sĩ mà chính công chúng mới có cái nhìn công tâm nhất về thành công của giới nghệ sĩ.
Dù họ cuối cùng vẫn là người chọn ca sĩ chiến thắng bằng lá phiếu bình chọn của mình nhưng BTC với việc lập danh sách dựa trên tờ đơn đăng ký của nghệ sĩ đã vô tình giới hạn lựa chọn của khán giả. Cách làm này với rất nhiều lý do chủ quan và khách quan đã vô tình để lọt khỏi danh sách những ca sĩ thực sự có thành tích nổi bật, được khán giả đánh giá là xứng đáng.
Mỹ Tâm tuyên bố rút khỏi sân chơi để nhường chỗ cho đàn em, Sơn Tùng từng thắng ở khu vực Đông Nam Á có lẽ cũng không mặn mà để tiếp tục nộp đơn. Trong khi đó, phía Soobin Hoàng Sơn, một giọng ca sở hữu nhiều bản hit trong năm qua giải thích lý do không đăng ký là bởi anh bận lịch trình và không nhận được sự liên lạc của BTC.
Cách thức thông báo thể lệ trên trang web và yêu cầu nộp đơn trong vòng 10 ngày từ 10 đến 20/7 rõ ràng không thể tiếp cận được toàn bộ giới ca sĩ. Và bỗng nhiên từ một giải thưởng để tôn vinh, MTV Việt Nam biến mình trở thành một sân chơi hữu nghị, nơi ca sĩ ai tự thấy phù hợp thì đăng ký, không khác gì tham gia chương trình thực tế.
“Phải nộp để tham gia đúng là sai lầm lớn, vì sao ư. Đơn giản là vinh danh nghệ sĩ thì cần gì họ làm đơn. Mình cứ vinh danh còn họ nhận hay không thì tùy. Đúng là vùng trũng bóng đá giờ trũng luôn cả giải trí”, khán giả Bùi Việt Anh bình luận.
Vũ Cát Tường tiếp cận được đối tượng khán giả trẻ dễ dàng vươn lên đứng đầu với cách biệt lớn so với người thứ 2. Hiện Vũ Cát Tường đạt 426.692 lượt vote.
Cũng có câu hỏi đặt ra rằng liệu có phải ca sĩ Việt giờ cũng không còn mặn mà với MTV EMA, bởi ngoài Soobin Hoàng Sơn thì những cái tên nổi bật nhất thời gian qua cũng hoàn toàn vắng mặt. Điều này xảy ra thì có lẽ cũng không khó hiểu, nhất là với một giải thưởng ngày càng nặng tính hữu nghị như MTV EMA.
Thực tế, chưa cần đến việc để nghệ sĩ tự đăng ký, MTV EMA đã gặp nhiều điều tiếng. Giải thưởng này nổi tiếng ở thị trường âm nhạc Âu Mỹ và hệ thống hạng mục chính vinh danh được những cá nhân, sản phẩm xuất sắc nhất. Tuy nhiên, cuộc bình chọn khi về đến Việt Nam lại bị chỉ trích là mang tính hữu nghị, chia giải nhiều hơn.
Đặc biệt, sau năm 2016, khi BTC mở thêm hạng mục Best Southeast Asia Act (Nghệ sĩ Đông Nam Á xuất sắc nhất) nhưng lại không cho người chiến thắng là Đông Nhi lên sân khấu chính nhận giải, "mưu đồ" trao giải hữu nghị nhằm toàn cầu hóa giải thưởng càng lộ rõ.
Hạng mục chính chưa khi nào gọi tên ca sĩ châu Á, nhưng MTV EMA cũng như một số giải thưởng khác, điển hình là MAMA lại chia nhỏ khu vực này thành các quốc gia riêng biệt. Và đương nhiên, những giải này sẽ không có mặt trên trang web bình chọn chính của chương trình, người chiến thắng lại càng không thể tham gia lễ trao giải.
Theo Zing