Đám cưới là chuyện đại sự cả đời, cũng chính vì suy nghĩ này mà nhiều gia đình "thái quá" trong những khâu chuẩn bị. Để đến sát ngày cưới mới sinh ra nhiều chuyện dở khóc dở cười.
Cô dâu H.T kể câu chuyện mà chính mình vừa trải qua nhưng rất may mọi việc đều đã được xử lý êm xuôi.
"Bọn mình yêu nhau được 4 năm rồi, lẽ ra định cưới năm ngoái nhưng mẹ chồng mình đi xem thầy bảo không được tuổi được năm nên gác lại đến ra Tết. Ai ngờ đầu năm bùng dịch nên lại hoãn thêm 2 tháng nữa. Nhưng bọn mình vẫn đi đăng kí kết hôn theo đúng dự định ban đầu.
Mình chưa tiếp xúc với mẹ chồng nhiều nhưng thấy chồng mình kể mẹ anh cũng kĩ tính, làm gì là tính toán, suy xét kĩ càng mới quyết. Đám cưới bọn mình chính là ví dụ.
Cách đây 1 tuần mẹ chồng gọi điện ra cho mẹ đẻ mình (quê anh cách quê mình 300km) báo ngày giờ đẹp mà bà phải đi xem 2 thầy mới chốt được. Nghe cuộc điện thoại ấy xong mà mẹ mình ngao ngán, thở ngắn than dài.
Ảnh minh họa
Hóa ra mẹ chồng mình báo sẽ ăn hỏi vào ngày 12/2 âm lịch nhưng 6h sáng là nhà trai có mặt ở nhà gái rồi. Thử hỏi đi vào cái giờ đấy thì ai chuẩn bị kịp, họ hàng bạn bè nào đến chung vui. Cả nhà mình tức lắm nhưng mẹ mình vẫn giữ ý báo là để tối về bàn với bố mình.
2 vợ chồng mình có trao đổi với nhau nhưng chồng mình kể chỉ vì vấn đề giờ giấc mà 2 mẹ con cãi nhau ầm nhà, chồng mình tức quá chẳng chuyện trò gì nữa.
Đến khi bố mình biết chuyện, ông cũng phản đối nhưng bố bảo để bố giải quyết. Kết quả đúng là ngoài sức tưởng tượng.
Nguyên văn bố mình nói với ông bà thông gia thế này: 'Anh chị ạ, mình là bố mẹ nên lúc nào cũng muốn tốt cho con cái nhưng tôi nói thật, cái việc xem ngày xưa nay nó là phong tục thì theo chứ đừng có cuồng tín quá. Các con nó sống với nhau có hạnh phúc, lâu dài hay không là do chúng nó xây đắp, rồi do bố mẹ 2 bên vun xới chứ do gì thầy bà xem ngày. Bao nhiêu cặp bỏ nhau, đánh nhau lên các mặt báo đấy, người ta cũng từng xem ngày trước khi cưới hết đấy bà ạ.
Nên tôi cứ nói thẳng thế này, mất lòng trước được lòng sau. Nếu bà vẫn chốt giờ đấy ra ăn hỏi thì chỉ có 4 người trong gia đình chúng tôi tiếp gia đình bà thôi. Chứ ở đây giờ đấy chẳng có ai phục vụ trang điểm cô dâu, đỡ tráp, MC, dàn nhạc, cỗ bàn... đâu bà ạ. Mình sống nó thực tế tí. Để đỡ khổ cho các con và cả gia đình 2 bên đỡ vất vả theo tôi cứ chọn thứ 7, chủ nhật mà tổ chức cho đông đủ khách khứa tham gia được. Hạnh phúc của mình do mình quyết định chứ chả có thầy bà nào sắp xếp được đâu'.
Bố mình vừa cúp máy mà cả nhà vỗ tay. Ông còn bồi thêm 1 câu: 'Cưới thì cưới chả cưới thì thôi, cưới xin là phải đàng hoàng'.
Đến sáng hôm sau chồng mình gọi điện còn hỏi: 'Bố vợ anh làm thế nào mà giỏi thế, thuyết phục được cả bà thông gia bảo thủ'.
Đấy các chị em ạ, sự thật là có yêu nhau mấy, 2 nhà vui vẻ mấy thì đến gần ngày cưới cũng rất nhiều các vấn đề phát sinh. Và cách giải quyết nhanh nhất là cứ thẳng thắn với nhau khi chưa quá muộn".
Đúng như bố cô dâu nói, chỉ có chính chúng ta mới quyết định được hạnh phúc cuộc đời mình. Những tình huống như câu chuyện trên không hiếm nhưng quan trọng là cô dâu chú rể đứng ra sắp xếp ổn thỏa, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình. Đôi khi chiều theo ý các vị phụ huynh quá cũng không phải là phương án hay.
Hơn hết, ngày cưới là ngày vui nên càng phải giữ được niềm vui trọn vẹn. Đừng vì những quan niệm xưa cũ hay những tình tiết nhỏ nhặt mà làm ảnh hưởng đến ngày trọng đại. Đây cũng chính là cơ hội để các cô dâu hiểu rõ "bản lĩnh" chú rể của mình hơn.
Theo Pháp Luật và Bạn Đọc