Ngày 11/10, bà Han Kang đi vào lịch sử khi trở thành người Hàn Quốc đầu tiên, đồng thời là phụ nữ châu Á đầu tiên giành giải Nobel Văn học. Bà cũng là người Hàn Quốc thứ hai đoạt giải Nobel.

Đây được xem là niềm vinh dự và tự hào đối với không chỉ xứ kim chi mà còn cả châu Á nói chung. Tuy nhiên, không phải ai cũng có suy nghĩ đó. Kim Gyu Na (56 tuổi), tiểu thuyết gia đến từ Hàn Quốc, đã lên án chiến thắng lịch sử của Han Kang là không xứng đáng.

Nhà văn Hàn Quốc thắng giải Nobel bị đồng nghiệp chỉ trích ‘đáng xấu hổ’-1
Nhà văn Han Kang đi vào lịch sử với giải Nobel Văn học danh giá

Trong một bài đăng trên trang Facebook cá nhân, bà Kim tuyên bố những mô tả của Han Kang về bạo lực nhà nước dẫn đến cái chết của thường dân trong cuộc nổi dậy Gwangju vào tháng 5/1980 và sự đàn áp của chính phủ đối với cuộc nổi dậy của người dân vào năm 1948-1954 ở đảo Jeju là bóp méo lịch sử.

Bà cho rằng việc Han Kang giành được giải Nobel Văn học là “đáng xấu hổ và buồn”, cho thấy sự suy giảm giá trị của giải thưởng 123 năm tuổi. Không dừng lại ở đó, bà Kim tỏ ra bức xúc khi ban tổ chức giải Nobel chọn một phụ nữ làm người chiến thắng năm nay.

Ngày 14/10, bà Kim đăng thêm một trạng thái khác trên Facebook, với nội dung là cháu trai duy nhất đã cắt đứt quan hệ với bà vì những bình luận trước đó. Bà chỉ trích người cháu là sinh viên nhận học bổng tại Đại học Yonsei nhưng bị tư tưởng cánh tả (được hiểu là xu hướng chính trị ủng hộ bình đẳng xã hội và chủ nghĩa bình quân) ăn sâu.

Những phát ngôn của bà Kim gây phẫn nộ trong dư luận Hàn Quốc. Cư dân mạng chỉ trích nữ tiểu thuyết gia ghen ăn tức ở, còn mang nặng tư tưởng kỳ thị giới tính.

Ồn ào càng leo thang khi Citizens' Solidarity for the Eradication of Deeply-rooted Corruption (nhóm Công dân đoàn kết xóa bỏ nạn tham nhũng thâm căn cố đế) đệ đơn kiện chống lại bà Kim vào ngày 21/10. Họ cáo buộc bà Kim khởi xướng cuộc tấn công với động cơ chính trị và mang tính cá nhân nhắm vào một cá nhân khác, không chỉ vượt quá giới hạn quyền tự do ngôn luận được Hiến pháp bảo đảm mà còn vượt ra ngoài ranh giới con người không bao giờ được phép vượt qua.

“Kim đã phát tán thông tin sai lệch trên mạng xã hội với mục đích vu khống ác ý, gây ra thiệt hại không thể khắc phục được không chỉ cho danh tiếng của bà Han mà còn cho các nạn nhân và gia đình của những người thiệt mạng trong vụ thảm sát Gwangju và Jeju, cũng như cho công chúng nói chung”, nhóm dân sự nhấn mạnh.

Nhà văn Hàn Quốc thắng giải Nobel bị đồng nghiệp chỉ trích ‘đáng xấu hổ’-2
Bà Han Kang bị chính đồng hương phủ nhận thành tựu

Đơn kiện cáo buộc bà Kim vi phạm Đạo luật đặc biệt về Phong trào dân chủ ngày 18/5, được sửa đổi vào tháng 12/2020 để trừng phạt những người liên quan đến việc đưa ra tuyên bố sai sự thật về cuộc nổi dậy Gwangju, cùng với hành vi phỉ báng trực tuyến theo quy định của Đạo luật về thúc đẩy sử dụng mạng thông tin, truyền thông và bảo vệ thông tin.

Theo Korea Herald, trong nhiệm kỳ của Tổng thống Kim Young Sam vào năm 1995, Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành Đạo luật đặc biệt về Phong trào dân chủ hóa ngày 18/5, yêu cầu điều tra thảm kịch Gwangju và trừng phạt những người chịu trách nhiệm, bao gồm cả cựu Tổng thống Chun Doo Hwan và Roh Tae Woo.

Cuộc điều tra của nhà nước sau đó xác nhận các cuộc đàn áp đẫm máu dẫn đến vụ thảm sát thường dân ở cả hai cuộc nổi dậy Gwangju và Jeju. Năm 2021, Bộ Hành chính và An ninh hoàn thiện kế hoạch bồi thường cho các nạn nhân.

Theo Tiền Phong