Nhạc chế cổ vũ bạo lực được truyền tay rộng rãi

Trên nền tảng TikTok, gần đây một đoạn lời bài hát chế lại ca khúc nổi tiếng của Song Luân đã trở thành hiện tượng viral thu hút gần 10 triệu lượt xem và hàng trăm video sử dụng âm thanh này làm nhạc nền. 

Dư luận thể hiện sự bức xúc trước lời bài hát được cho là vui nhưng thực chất đang cổ suý cho bạo lực. Cụ thể, lời bài hát: "Anh đấm em hăng vậy có làm phiền em không? Anh muốn đấm em mỗi ngày có làm phiền em không? Và anh đấm luôn trên đường em có ngại ngùng anh không? Anh thích nghe em cười, không cười là ăn đấm".

Nhiều người cho rằng việc phổ biến những lời bài hát như vậy không chỉ là không đúng đắn mà còn đẩy mạnh tư duy và hành vi bạo lực, đặc biệt là trong các mối quan hệ giữa nam và nữ. Thay vì khuyến khích sự tôn trọng và quan tâm lẫn nhau, những lời này lại khuyến khích sự kiểm soát và áp đặt bằng vũ lực.

Những nội dung như vậy không chỉ làm mất đi giá trị nghệ thuật mà còn có thể gây hại đến tinh thần cũng như hành vi của giới trẻ. Đặc biệt, trong một thời đại mà xã hội đang nỗ lực để loại bỏ văn hóa bạo lực và thúc đẩy sự bình đẳng giới, việc lan truyền và tiếp tục tạo ra những nội dung nhạc lời như vậy là không đáng chấp nhận.

Nhạc chế phản cảm trên TikTok-1
Clip nhạc chế về hành vi bạo lực thu hút hơn gần 10 triệu lượt xem trên TikTok.

Không phải lần đầu

Trước đó, nhiều bài nhạc chế cũng đã gây ra làn sóng phản ứng trái chiều trong cộng đồng mạng. Như giữa năm ngoái, một đoạn nhạc chế được sáng tạo dựa trên bài thơ "Lượm" với từ ngữ không phù hợp đã nhanh chóng trở thành trào lưu lan truyền trên TikTok.

Cụ thể, đoạn nhạc có phần lời: "Chú bé loắt choắt / Cái xắc xinh xinh / Cái đầu cắt moi / Gió đưa cành trúc thật Prada / Trên mạng đang hot trend gì vậy ta / Họa hổ họa bì gian nan họa cốt / Tiên nhân tri diện đường Nguyễn Tri Phương / Cười người hôm trước hôm sau người cười / Trăm nghe không bằng mắt sáng 10/10 / Muốn sang đây được phải bắc cầu kiều / Muốn con hay chữ phải tốn tiền nhiều" thu hút hàng triệu lượt xem.

Mặc dù những video này gây ra sự phản cảm nhưng vẫn có hiện tượng thi nhau chia sẻ và sử dụng đáng kể từ phía các bạn trẻ.   

Hình ảnh "chú bé loắt choắt" trong thơ của Tố Hữu đã trở thành biểu tượng đặc trưng, tượng trưng cho sự dũng cảm và hy sinh cao cả của những anh hùng nhỏ tuổi vì đất nước.

Tuy nhiên, qua đoạn nhạc chế, hình ảnh này đã bị bôi nhọ đi. Những video kèm theo trend này thậm chí còn khiến người ta phản cảm với hình ảnh các nữ sinh mặc áo dài trắng đứng trên bàn, các video "khoe thân", thể hiện những hành động không phù hợp.

Nhạc chế phản cảm trên TikTok-2
Hình ảnh chú bé Lượm từng bị chế thành nhạc rác gây phản cảm.

Cũng vào năm 2023, đoạn nhạc chế từng được Lê Dương Bảo Lâm biểu diễn từ năm 2019 đã bất ngờ trở thành hiện tượng trên TikTok.

Phần lời của ca khúc không chỉ không mang ý nghĩa mà còn làm phá nát đi cảm xúc gắn liền với bộ truyện tranh Doraemon, một phần không thể thiếu của tuổi thơ của nhiều người. Đoạn nhạc chế này hoàn toàn không chính xác so với nội dung và tinh thần của bộ truyện gốc đến từ Nhật Bản.

Nội dung của đoạn nhạc chế là: "Má Xeko thì nghèo, má Chaien thì giàu còn Nobita luôn ăn hiếp bạn bè. Nobita thầm yêu Xuka, hái hoa hồng tặng cho Chaien. Nếu Chaien bằng lòng lấy Nobita làm chồng, thì Nobita chào đời”.

Mặc dù đoạn nhạc chế này bị đánh giá là nhảm nhí, nhưng trên TikTok, các clip cắt cảnh Lê Dương Bảo Lâm biểu diễn đoạn nhạc này vẫn thu hút một lượng lớn lượt xem, trung bình đạt hàng trăm nghìn và thậm chí hàng chục triệu lượt xem. Điều đáng quan ngại là rất nhiều em nhỏ cũng đã thuộc lòng lời của bản nhạc chế này và hát theo.

Các nghệ sỹ, nhà sáng tạo nội dung đã bỏ quên đi rằng những sản phẩm gây phản cảm này thường có ảnh hưởng rất lớn đối với công chúng, đặc biệt là với những khán giả trẻ, những người dễ dàng bị cuốn vào những xu hướng mà chưa nhận thức đầy đủ về các tác động tiêu cực của chúng.

Theo Người đưa tin