Mới đây, nhạc sĩ Dương Trường Giang đã có buổi gặp gỡ truyền thông trước ngày diễn ra đêm nhạc Phố không mùa (11/11). Trong buổi gặp mặt, nam nhạc sĩ đã thẳng thắn chia sẻ quan điểm cá nhân về các ca khúc đang gây tranh cãi trong thời gian qua.
- Thời gian gần đây các tác giả trẻ thường đặt cho ca khúc những cái tên gây sốc như: "Như cái lò", "Nắng cực" hay "Như lời đồn", Dương Trường Giang nghĩ sao về sự việc này?
Tôi đặt mình ở vị trí khách quan nên không nhận xét đồng nghiệp. Tôi chỉ nghe nhạc và cảm thụ. Tôi thấy, một câu chuyện nên được nhìn ở nhiều khía cạnh.
Có sự nhạy cảm là cố ý, nhưng cũng có cái vô ý công chúng đủ khôn khéo, nhạy cảm để biết đâu là mấu chốt của vấn đề. Đó chỉ là những lỗi nhỏ cũng là bài học để các nhạc sĩ trẻ rút kinh nghiệm về sau.
Khi sáng tác một ca khúc, với ca từ nên thơ như vậy, đẹp đến vậy mình cần chọn tựa đề sao cho thật đẹp như cái tên riêng của mình.
- Những ngày qua ca khúc "Như lời đồn" tạo nên sự tranh cãi vì cách đặt tên phản cảm, anh nhận xét thế nào về tiêu đề này?
Thời gian qua, có nhiều người hỏi tôi về những câu chuyện xung quanh ca khúc Như lời đồn. Lúc đó tôi chưa nghe ca khúc này nên không nhận xét gì. Sau đó tôi cũng đã nghe và thấy Khắc Hưng đúng là không đùa được. Âm nhạc của Khắc Hưng thực sự rất hay.
Khắc Hưng là một trong những người trẻ tôi nể nhất hiện tại, cả về hòa âm, phối khí lẫn ca từ, đánh vần…
Khắc Hưng, một người trẻ như vậy đã từng đôi lần đứng lên bục của giải Cống hiến tức là bạn ấy đã có những cống hiến nhất định cho âm nhạc Việt Nam. Bạn ấy là người có góc nhìn tốt, có lẽ đó chỉ là tai nạn nhỏ ngày trẻ không đáng trách. Quan trọng là Khắc Hưng sẽ bước qua thời điểm này và đi tiếp như thế nào.
Với một người văn minh như Khắc Hưng, cậu ấy sẽ biết cách vượt qua những câu chuyện như thế này một cách êm đẹp nhất.
Dương Trường Giang và Hoàng Dũng (ca sĩ khách mời trong đêm nhạc "Phố không mùa")
- Nếu là anh, anh có đặt tựa đề ca khúc như vậy không?
Tôi chưa rơi vào hoàn cảnh đó, cũng chưa viết những ca khúc kiểu như thế nên chỉ nghĩ rằng, tựa đề là thông điệp ngắn của ca khúc, gồm một cụm từ có trên dưới 5 từ để truyền tải ý đồ của cả tác phẩm.
Trong quá trình gửi gắm thông điệp, có hai trường phái khác nhau. Trường phái thứ nhất là âm nhạc cảm, tức là chỉ đưa thông điệp còn người nghe cảm nhận thế nào là việc của họ. Trường phái thứ hai là âm nhạc thực tế, tức là kể một câu chuyện.
Từ đó, chúng ta sẽ có hai kiểu tiêu đề khác nhau. Kiểu thứ nhất sẽ mang đầy chất thơ còn kiểu thứ hai tràn ngập tính thực tế. Nhạc sĩ đi theo trường phái nào thì viết như thế.
- Bỏ qua tiêu đề nhạy cảm của "Như lời đồn", anh có nhận xét gì về âm nhạc của ca khúc này?
Tôi nghe ca khúc đó khoảng 3 lần, tôi thấy Như lời đồn rất văn minh. Khắc Hưng không bị trộn lẫn với âm nhạc của các nhạc sĩ đương đại
Ca khúc này có sử dụng một chút latin và một chút pop hiện đại. Tôi cho đó là sự kết hợp văn minh. Đó cũng là cách Hưng đang tri ân lại những kiến thức có được khi học Nhạc viện. Phần nhạc cùng với hòa âm và phối khí đều mang chất riêng của Khắc Hưng với độ văn minh nhất định.
Bỏ qua tiêu đề ca khúc, nếu chỉ nghe giữa lời hát và hòa âm ta sẽ thấy sự gắn kết chặt chẽ giữa tâm hồn và nhạc khí. Đấy là điểm cộng rất đáng khen. Việc sử dụng nhạc khí theo ngôn ngữ âm nhạc khó như vậy nhưng vẫn tạo trend tốt và có độ phủ sóng lớn không phải ai cũng làm được điều này.
Sáu năm trước, khi ngồi với các nghệ sĩ có tên tuổi, họ đã nhận định Khắc Hưng là một trong những tay phối khí top đầu và sớm muộn gì cũng nổi tiếng.
- Còn về ca từ của "Như lời đồn" thì sao?
Tôi không nhớ rõ phần ca từ của bài hát này nhưng tôi để ý cách phối khí vì rất ấn tượng.
Khắc Hưng khôn khéo khi chọn một lối phối khí, nhả chữ rất hay cho nghệ sĩ thể hiện. Như lời đồn rất văn minh và có tính học thuật cao, dù là một sản phẩm giải trí.
Tôi có nói Khắc Hưng đang khéo léo tri ân những năm tháng ngồi trên ghế Nhạc viện bằng việc sử dụng ngôn ngữ âm nhạc, cách mixed nhạc.
Âm nhạc hiện nay chia làm nhiều hệ hòa âm khác nhau. Những cách hòa âm mang tính học thuật cao thường bị tách biệt khỏi âm nhạc giải trí hiện tại. Chẳng hạn, nhạc cổ điển đang dần mất đi vị trí của mình để nhường chỗ cho Semi Classic và những thể loại đại chúng khác.
Rất khó để có thể trộn lẫn được tư duy phối khí của giới chuyên môn với âm nhạc hiện tại. Để làm được điều này cần có đẳng cấp và tư duy nhất định. Tôi thấy điều đó ở Khắc Hưng.
- Sau khi ca khúc "Như lời đồn" phát hành, nhạc sĩ Dương Cầm đã từng bày tỏ quan điểm cá nhân rằng nếu được anh ấy sẽ cấm ca khúc này, anh nghĩ sao về nhận định đó?
Tôi nghĩ việc đặt tiêu đề ca khúc Như lời đồn, Như cái lò phụ thuộc vào cảm xúc. Dương Cầm đủ chuyên nghiệp để hiểu điều ấy. Đôi khi, cảm xúc quyết định tất cả và con người không phải lúc nào cũng sống bằng lí trí được.
Người ngoài đâu thể biết Khắc Hưng có chủ định đặt tiêu đề để kích thích người nghe hay không. Biết đâu cậu ấy hoàn toàn ngây thơ thì sao.
Nếu đã tiếp xúc với Khắc Hưng rồi sẽ thấy cậu ấy là người tài năng và rất ngây thơ. Nếu Dương Cầm muốn nhận xét như vậy, anh ấy nên chọn cách tinh tế hơn là gọi điện thẳng và hỏi cho rõ mọi chuyện, chia sẻ riêng sẽ hợp lí hơn.
Khi đưa chuyện đó ra trước công chúng chắc chắn có những việc không mong muốn xảy ra, không hề vui một chút nào hết.
- Sau đó có rất nhiều nhạc sĩ khác cũng phê phán về cách đặt tựa đề nhạy cảm như Nguyễn Văn Chung hay Lê Minh Sơn, anh nhận xét như thế nào về hành động này?
Tôi không đánh giá hay nhận xét gì về sự việc này. Tôi chỉ nhìn nhận rằng, với mỗi nghệ sĩ, cái tôi của họ đặt ở những chỗ khác nhau. Nghệ sĩ có ảnh hưởng tới xã hội thì cái tôi cũng khác người, nên đôi khi cách thể hiện cái tôi không được tinh tế lắm.
Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa, đó vẫn là cách lựa chọn của mỗi người và tôi không muốn nhận xét thêm nữa.
- Anh có bao giờ tự đánh giá về bản thân mình?
Tôi chưa bao giờ tự nhận xét về bản thân mình. Tự nói về mình không hay. Mình như thế nào, sống ra sao, xây dựng được gì… hãy để những người khác nói về nó.
Là một nghệ sĩ, cần hiểu rõ nơi mình đang đứng, chỗ mình đang ngồi hoàn toàn do người khác đưa lên. Phải có khán giả công nhận, mình mới có giá trị. Giá trị không phải khi tự nói về mình mà là khi mình làm những điều có ích và được công nhận.
Âm nhạc là góc nhìn cuộc sống, nó cũng là bài tập của mình. Không thể nào viết hay luôn được mà phải viết đều đặn, âm nhạc không thể vay mượn, âm nhạc là những gì chảy trong con tim mình được cụ thể hoá bằng những kỹ thuật và kỹ năng mình học được.
Có những ca khúc chưa hoàn hảo nên tôi chưa muốn đưa ra. Tôi có khoảng 50 ca khúc được phát hành ra thị trường còn những phần chưa hoàn hảo được cất lại lên tới 500, 600 bài.
- Tại sao anh lại lựa chọn thời điểm giao mùa để làm đêm nhạc riêng?
Mỗi năm Dương Trường Giang không thường làm show nhạc của riêng mình. Tôi thường làm producer, sáng tác nhạc hay đi dạy thanh nhạc.
Âm nhạc của Dương Trường Giang được mọi người nhớ về phố và mùa thế nên thời điểm chuyển mùa là những ngày mà tôi thích nhất. Đây cũng là thời gian thích hợp để gặp gỡ mọi người, chia sẻ những sáng tác mới của mình với khán giả.
Trong livesshow này tôi có mời 2 tri kỷ Minh Chuyên và Hoàng Dũng. Minh Chuyên là một giọng nữ nồng nàn, đàn bà, trữ tình và không có đối thủ. Còn Hoàng Dũng là một tâm hồn rất đẹp. Tôi và Dũng hay trao đổi những sáng tác và tư duy âm nhạc mới mẻ.
Lâm Văn
Theo Vietnamnet