Nói về Nguyễn Hải Phong, khán giả sẽ nhớ đến cả một kỷ nguyên nhạc dance quá đỗi thành công của Thu Minh với album Body Language cùng những Đường Cong, Bay… đã thay đổi cả thị trường ở thời điểm đó. Lên đến đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác, cộng tác cùng hàng loạt tên tuổi hàng đầu tại Việt Nam trong hơn 15 năm qua nhưng Nguyễn Hải Phong chưa từng dừng lại. Anh vẫn là một nhạc sĩ miệt mài đóng góp cho thị trường, trăn trở về nền âm nhạc nước nhà và hào hứng trên một con đường mới - trở thành người thầy, người truyền cảm hứng cho thế hệ nhà sản xuất âm nhạc 9x, 10x của Vpop.

Ít ai biết rằng, Nguyễn Hải Phong là người đã đào tạo DTAP - nhà sản xuất album Hoàng (Hoàng Thuỳ Linh) hay TDK - nhà sản xuất album dreAMEE (AMEE). Anh cùng các cộng sự của mình đã tạo nên Vpop Hit Maker - chuỗi workshop chuyên về sáng tác hoàn toàn phi lợi nhuận dành cho những tài năng trẻ. "Tôi không chọn lựa dừng lại, tôi không chọn lựa chỉ thành công cá nhân mà thôi. Cái tốt cho thị trường sẽ không đến từ một người, mà là sự nâng lên của cả một cộng đồng" - Nguyễn Hải Phong khẳng định.

Ở bài viết này, chúng tôi xin được giữ trọn vẹn tất cả những chia sẻ và quan điểm của Nguyễn Hải Phong về nhạc Việt. Từ Top Trending YouTube, câu chuyện bảng xếp hạng và bản quyền tại Việt Nam cho đến trăn trở của anh về một thế hệ mới sẽ kế thừa Vpop. Tất cả có thể không mới, nhưng đầy chân thành và chân thật để chúng ta có thêm động lực tìm ra những giải pháp tốt hơn cho cả một thị trường.

Nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong: Ra Single, MV thưa thớt rồi có 5 - 7 hợp đồng đại sứ thương hiệu thì không giống một nghệ sĩ-1

Trước đây, tôi thường trăn trở về nhiều vấn đề của thị trường: bản quyền, nội dung, văn hóa thưởng thức, các bên cung cấp nhạc. Nhưng về sau, chính tôi nhận ra những điều đó lớn lao và vĩ mô đến mức không thể lập tức thay đổi. Vì thế, tôi chọn tập trung vào những bạn làm sản xuất âm nhạc và tạo ra Vpop Hit Maker. Giá trị cốt lõi của một tác phẩm chính là những người đứng sau. Nếu Việt Nam có một thế hệ những người được trang bị nhiều kiến thức, được tiếp cận với xu hướng thế giới, họ có thể sống bằng nghề thì họ sẽ tạo ra nguồn năng lượng tốt đẹp hơn cho âm nhạc.

Vì sao nghệ sĩ không kiếm được nhiều tiền từ âm nhạc? Những thế hệ trước vẫn kiếm được tiền từ nghề chứ, nhưng không nhiều. Một số ít rất tài giỏi nhưng lại hơi cá nhân. Nếu nhìn vào thị trường này, bán băng đĩa cũng không tốt, biểu diễn thì chẳng bao nhiêu. Giữa thời điểm công nghệ 4.0, ngành âm nhạc và biểu diễn tại Việt Nam đang phát triển bừa bộn. Một vài ngôi sao rất thành công nhưng thành công ấy chỉ thuộc về thị trường của mình, còn quốc tế lại không cho đó là thành công. Thành công của người nghệ sĩ là phải có rất nhiều album, rất nhiều show diễn bán cháy vé. Còn nghệ sĩ Việt kiếm tiền nhờ nhãn hàng, quảng cáo và thông qua các thương hiệu.

Nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong: Ra Single, MV thưa thớt rồi có 5 - 7 hợp đồng đại sứ thương hiệu thì không giống một nghệ sĩ-2

Như vậy, các sản phẩm âm nhạc được phát hành trên nền tảng số như YouTube không phải là tác phẩm, nó nghiêng về xu hướng trở thành một sản phẩm hơn. Sản phẩm là để đóng gói đem bán, cho nghệ sĩ nhận được hợp đồng quảng cáo. Bản chất của những người nghệ sĩ thành công trong ngành này là hợp đồng quảng cáo nhiều, đi sự kiện cho nhãn hàng này, thương hiệu kia. Nhãn hàng đang là người trả tiền, không phải khán giả. Và ai đang là người trả tiền cho nền công nghiệp thì họ sẽ nắm quyền điều phối và tạo ra ảnh hưởng. Nếu khán giả là người trả nhiều tiền hơn, cuộc chơi này sẽ thuộc về khán giả. Khi đó, họ sẽ có quyền đòi hỏi chất lượng, còn nghệ sĩ cũng tập trung vào việc phục vụ khán giả bằng đam mê âm nhạc của mình.

Chừng nào nhãn hàng còn nắm quyền điều phối, ở đâu đông người thì họ sẽ làm. YouTube hay Facebook cũng chỉ là kênh tiếp cận khách hàng. Đúng, nghệ sĩ Việt vẫn có sản phẩm âm nhạc. Nhưng sản phẩm đó có thuần về tính nghệ thuật, tính âm nhạc hay không? Không hoàn toàn. Sản phẩm ngày nay phải có lượt xem nhiều để có quảng cáo nhiều. Những nền tảng trực tuyến đã tác động rất lớn đến hành vi thưởng thức và thay đổi cách nghe nhạc của mọi người.

Trên YouTube, một số kênh có lượt theo dõi nhiều thì ăn sáng thôi còn được nhiều view, nói gì đến chất lượng âm nhạc? Nếu so sánh mọi thứ ở YouTube với nhau thì rất không công bằng. Chúng ta đang sống ở một nơi thiếu cái này, không có cái kia. Mọi thứ khó khăn như vậy nên những bất công đang xảy ra là tất yếu. Chúng ta phải làm gì đó ngay, thay vì ngồi và nói vấn đề là như vậy, vấn nạn là như thế. Làm một mình thì rất yếu, chúng ta phải làm cùng nhau.

Nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong: Ra Single, MV thưa thớt rồi có 5 - 7 hợp đồng đại sứ thương hiệu thì không giống một nghệ sĩ-3Nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong: Ra Single, MV thưa thớt rồi có 5 - 7 hợp đồng đại sứ thương hiệu thì không giống một nghệ sĩ-4

Tất cả mọi người đều muốn làm một bảng xếp hạng âm nhạc cho Việt Nam, nhưng chưa ai vượt qua được câu chuyện làm thì sống bằng gì? Chưa ai đủ can dạ, đủ nghĩa hiệp để làm như vậy. Bảng xếp hạng sẽ là một nơi đầy lý tưởng dành cho âm nhạc. Ở đó sẽ là cuộc chơi mà các bên đều "chịu chơi" và không sợ thiệt, sợ mất doanh thu, lộ doanh số.

Thị trường nhạc Việt đang thiếu rất nhiều, nhưng cái thiếu rõ ràng nhất mà chỉ cần sửa được cái này là mọi thứ sẽ thay đổi. Chúng ta đang cần nhiều người cùng chung lý tưởng để tạo nên một nơi lý tưởng cho âm nhạc. Đó sẽ là những cú bắt tay đến từ những người nhỏ bé, nhưng cũng có thể đến từ những bên rất to về tài chính, những trang nhạc số đang là đối thủ của nhau. Khi tất cả bắt tay nhau, mọi chuyện sẽ xong hết, những cái thiếu khác sẽ được sửa chữa. Vấn đề là ngày nào?

Tôi đã chứng kiến nhiều cú bắt tay như thế ở Thái Lan. Hơn 10 năm trước, 3 đơn vị cung cấp nhạc số đã bắt tay nhau và làm cho cả một Thái Lan thay đổi, từ tiền bản quyền cho nghệ sĩ đến cách thưởng thức của khán giả. Hiện tại, sự quyết định và quyền lực không nằm trong tay nghệ sĩ. Sự tự do sẽ đến với nền âm nhạc khi nghệ sĩ tạo ra nội dung hay, còn các bên khác cũng bắt tay để cùng phát triển và vượt qua giới hạn hiện tại của chính họ.

Nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong: Ra Single, MV thưa thớt rồi có 5 - 7 hợp đồng đại sứ thương hiệu thì không giống một nghệ sĩ-5

Chúng ta không nên đánh giá thấp khán giả Việt Nam. Tôi tin tưởng rằng khán giả ngày nay rất có gout, có trình độ nghe. Họ đã khác 10 năm trước nhiều lắm. Chuyên môn và yếu tố kỹ thuật của một sản phẩm âm nhạc cũng không thể áp đặt sự hay - dở trong lòng khán giả. Nếu chúng ta trả cho khán giả toàn bộ tự do như khán giả thực thụ: họ mua nhạc và trả phí để nghe, tôi tin tưởng sự lựa chọn từ khán giả là đúng đắn. Quyết định chất lượng một ca khúc sẽ thuộc về khán giả. Chừng nào họ thực sự trả tiền cho nghệ sĩ, còn nghệ sĩ không cần "bán" sản phẩm của mình cho nhãn hàng vì view, vì hợp đồng quảng cáo thì khán giả lúc đó ngầu lắm, và nghệ sĩ cũng rất ngầu.

Suy cho cùng, cốt lõi của một nền công nghiệp âm nhạc là những tác phẩm hay. Bạn là nghệ sĩ, bạn phải tỉnh táo hơn. Bạn chạy theo view, chạy theo xu hướng, chiều lòng số đông, chạy một hồi quá xa thì bạn có nhận ra thứ mình thích làm nhất là gì không? Cuối cùng, bạn phải có giá trị về mặt nội dung. Nghệ sĩ phải tìm ra giá trị nội dung và không "đi lạc" theo số đông trên con đường âm nhạc, và tìm cách hình thành một tác phẩm chất lượng mang tên mình.

Nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong: Ra Single, MV thưa thớt rồi có 5 - 7 hợp đồng đại sứ thương hiệu thì không giống một nghệ sĩ-6Nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong: Ra Single, MV thưa thớt rồi có 5 - 7 hợp đồng đại sứ thương hiệu thì không giống một nghệ sĩ-7

Ở thị trường âm nhạc thế giới, họ đánh giá nghệ sĩ qua một album. Làm album không hề khó. Bạn dành thời gian sáng tạo 6 tháng hay 1 năm, bạn có album ngay. Nhưng hễ bạn còn đi ra ngoài kia và chạy theo nhiều thứ khác, bạn sẽ không bao giờ có album. Mỗi người có một lựa chọn và cách đi riêng. Nhưng tôi tin rằng nghệ sĩ phải có album. Đó là điều đúng đắn.

Ở Việt Nam đang đặt vấn đề rằng làm album là một điều rất ngầu. Điều đó không đúng. Làm album là một điều rất bình thường, hiển nhiên, không có gì ghê gớm. Mọi người nghĩ làm album bán không ai mua, thời nay người ta không có đầu đọc đĩa. Nhưng Amee, Hoàng Thuỳ Linh vẫn bán được mấy nghìn bản album đấy thôi. Amee cũng như mọi người, không có đầu đọc đĩa, cũng không biết làm xong có mấy người mua, dù vậy, họ vẫn làm.

Đừng nghĩ chỉ làm album vì trách nhiệm, làm khi có ai đó mua. Càng nghĩ như vậy càng làm cho mọi thứ đi lùi. Tất cả những nghệ sĩ nước ngoài dù lưu diễn thì vẫn dành 6 tháng để gác lại tất cả, tập trung sản xuất album mới. Có thể album ở Việt Nam chưa đạt 100 điểm như quốc tế, nhưng chúng ta phải hướng về đích đến ấy. Amee làm album chưa tới 6 tháng, một nghệ sĩ trẻ như vậy đã chứng minh làm album không khó. Vấn đề là mọi người chưa chịu làm.

Một vài người làm album thì người nghệ sĩ như Amee sẽ đơn độc. Chúng ta phải chung tay. Tôi nghĩ Amee đã truyền cảm hứng cho rất nhiều nghệ sĩ phải "lăng xăng" làm điều gì đấy cho nền âm nhạc. Amee vẫn mới và vẫn chưa là gì đâu, nhưng tôi ngưỡng mộ đóng góp của một nghệ sĩ trẻ như Amee. Khán giả đã tham gia cùng Amee, đã mua đĩa đầu tiên thì sẽ đòi hỏi đĩa thứ hai, thứ ba, sẽ mong muốn mọi thứ tốt hơn.

Tôi ủng hộ việc làm album. Bạn có thể thất bại, nhưng sau này nhìn lại, bạn sẽ có 5 album, 10 album, sự nghiệp của bạn sẽ khác lắm. Lúc đó, bạn mới thực sự là nghệ sĩ. Nếu bạn chỉ có những single, Music Video thưa thớt cùng 5, 7 hợp đồng đại sứ thương hiệu, thì đó giống như bạn đang làm một công việc bình thường hơn là trở thành một người nghệ sĩ.

Album hay bảng xếp hạng âm nhạc đều là những ý tưởng hay. Chúng ta có thể bắt đầu với những nghệ sĩ mới, bắt đầu từ một cộng đồng tài năng trẻ chưa có nhiều cơ hội. Chúng ta không cần đặt kỳ vọng vào những nghệ sĩ đang hot, đang có tên tuổi đình đám làm được điều đó.

Theo Pháp Luật & Bạn Đọc