'Nhắm mắt thấy mùa hè': Bản tình ca hay nhất thập niên và không thể xúc cảm hơn

Các nhân vật có tính cách và nội tâm phong phú, mạch phim chậm rãi, nhẹ nhàng, chuyện tình được xây dựng tinh tế, sâu lắng, ngôn ngữ điện ảnh giàu sức biểu đạt... tất cả điều đó đã giúp "Nhắm mắt thấy mùa hè" trở thành phim tình cảm Việt Nam hay nhất thập niên.

Nhắm mắt thấy mùa hè là một trong những phim Việt hiếm hoi có bối cảnh chủ yếu tại nước ngoài (đến 90% cảnh quay được thực hiện tại Nhật Bản).

Phim ra mắt trước ở Nhật hồi đầu tháng 4 và nhận được phản hồi tích cực từ truyền thông địa phương. Đồng thời trở thành một trong những bộ phim được chờ đợi nhất hè này của điện ảnh Việt.

Và nó đã hoàn toàn không làm thất vọng khi công chiếu.


Trailer phim.

Am hiểu vùng đất và văn hoá

Trước hết phải nói về kịch bản. Phim xây dựng một câu chuyện tình đẹp tại thị trấn Higashikawa, thuộc hòn đảo Hokkaido phía Bắc nước Nhật. Đây không chỉ là một lựa chọn đơn thuần vì cảnh đẹp của nơi được mệnh danh là “thị trấn ảnh” này.

Biên kịch tỏ ra rất am hiểu vùng đất này khi lựa chọn nó làm bối cảnh cho câu chuyện. Một thị trấn xinh xắn, yên bình với phương tiện chủ yếu là xe đạp được sử dụng phù hợp trong sự phát triển mối quan hệ của 2 nhân vật chính. Từ lúc Nhật Hạ (Phương Anh Đào) lếch thếch dắt 2 chiếc xe đi theo Akira (Takafumi Akutsu) đến lúc cả 2 song song đạp xe khám phá các địa điểm, con người hay những chuyến rong ruổi ra ngoại ô cùng nhóm bạn mới quen trong ánh nắng sớm mai. 

Những ngôi nhà êm đềm nép dưới rừng cây xanh mát, đền thờ nơi bố Nhật Hạ đến cầu nguyện cho con gái, cánh đồng hoa hướng dương Hokuryu rực vàng, lễ hội pháo hoa mùa hè hay ngọn núi lửa Asahidake xám buồn... đã đi vào phim rất nhẹ nhàng trong những diễn biến phù hợp. Đây là sự trên tầm so với những phim cũng quay ở nước ngoài như Quyên, Dạ cổ hoài lang hay Giấc mơ Mỹ.

Một điểm cộng nữa cho kịch bản là sự lồng ghép khéo léo các chị tiết đặc trưng văn hoá của 2 nước Việt - Nhật.

Từ ngôi đền Nhật Bản đến ngôi chùa Việt Nam. Từ món mì ramen của Nhật Bản mà Akira và Nhật Hạ dùng bữa trong một quán ăn đến món thịt kho hột vịt lộn của Việt Nam trong bữa cơm gia đình của bà chủ hiệu ảnh Tomoe.

Từ chiếc yakuta của bác Tomoe mà Nhật Hạ có dịp mặc thử đến chiếc áo dài mà cô diện trong lễ đính hôn hay giờ lên lớp. Tất cả đi vào phim một cách nhẹ nhàng, hợp lý, không hề phô diễn.

Kịch bản chặt chẽ, nhân vật chân thực

Xây dựng một chuyện tình giữa 2 người khác biệt ngôn ngữ là điều không hề dễ dàng, nhưng biên kịch đã thuyết phục được khán giả với những giao tiếp kiệm lời nhưng vẫn trọn vẹn. 

Nhân vật chính Akira là một thanh niên bên ngoài lạnh lùng mà bên trong ấm áp (liên tưởng đến câu viết đằng sau bức ảnh ngọn núi lửa Asahidake: Bên ngoài tuyết phủ mà trong lòng dung nham vẫn chảy).

Chàng trai mê nhiếp ảnh này đã vô tình để Nhật Hạ lọt vào ống kính của mình, trong khuôn hình bừng sáng dưới màu vàng của hoa hướng dương, như cái cách cô gái tràn đầy năng lượng này đã vô tình bước vào cuộc đời anh.

Việc chọn lựa nhiếp ảnh là đặc thù của các nhân vật trong chuyện phim cũng là một ý tưởng hay của kịch bản. Những tấm ảnh của người cha (NSƯT Công Ninh) gửi về cho Nhật Hạ vừa là sợi dây tình cảm của cô với người cha xa cách, vừa là cách dẫn dắt khéo léo cô (và người xem) vào cuộc sống, cảnh quan (ngôi đền, ngọn núi) và con người (bác nghệ nhân gốm Adachi) nơi đây.

Việc sáng tạo nhân vật du học sinh Duy Anh - Shinichi (Ben Phạm) là một kết nối thông minh, được sử dụng hữu hiệu trong phân cảnh cậu ngồi dịch cho Akira và viết vào mặt sau những tấm ảnh, để anh giải thích cho Nhật Hạ về cha cô.

Các nhân vật khác trong phim cũng được khắc hoạ rất chân thật và tinh tế, đặc biệt là họ có sự kết nối với câu chuyện rất chặt chẽ, ai cũng được khai thác hết vai trò của mình. 

Bà chủ Tomoe của hiệu ảnh Nếu Một Ngày đầy từ tốn, dịu dàng là một mắt xích trong việc Nhật Hạ khám phá ra bí mật về cha mình. Bác nghệ nhân gốm Adachi sống một mình cùng chú chó nhỏ Hana cũng gián tiếp cho biết thêm về quá khứ của Akira.

Cậu du học sinh Duy Anh Shinichi ngộ nghĩnh, đáng yêu là cầu nối cho Nhật Hạ trong mối quan hệ với Akira và đám bạn trẻ tại đây. Anh chủ homestay Kata tếu táo và dễ thương điểm xuyết thêm sự hài hước, thú vị trong những phân cảnh xuất hiện cùng bộ đôi nhân vật chính.  

Đặc biệt, Michiko -  người tình cũ của Akira cũng được biên kịch cho xuất hiện rất khéo léo, tinh tế, hợp lý trong phân đoạn trò chuyện ngắn với anh tại bệnh viện nơi cô đến thăm người bác Adachi bị bệnh....

Diễn viên xuất sắc, quay phim ấn tượng

Với kịch bản chặt chẽ, với các nhân vật đầy đặn, chân thực, sự làm chủ các tình huống câu chuyện và những cài cắm ẩn giấu kín đáo không lộ liễu (đặc biệt là ở cái chết của Akira), đây là một trong những kịch bản thực sự xuất sắc của điện ảnh Việt. Và mừng hơn nữa là nó được viết bởi những người trẻ. 

Các tác giả 9X cho thấy mình là những người rất am hiểu đời sống, văn hoá và con người, có tư duy cấu trúc khúc triết và đặc biệt là có thẩm mỹ tinh tế. 

Trên cái nền kịch bản rất tốt ấy, thật may đạo diễn, diễn viên và các thành viên khác trong đoàn phim đã truyền tải trọn vẹn nó đến khán giả.

Phương Anh Đào là một lựa chọn không thể tốt hơn cho vai Nhật Hạ. Cô có sự xinh đẹp và duyên dáng để sáng bừng trong các khuôn hình. Diễn xuất chân thật, nhiều khi đạt đến độ tinh tế của cô, đặc biệt là trong những cảnh khóc (vốn rất khó thể hiện cho thuyết phục) đã làm cho khán giả đồng cảm.

Takafumi Akutsu cũng hoá thân rất trọn vẹn trong vai Akira. Nhân vật có sự lạnh lùng nhưng điềm tĩnh và không kém phần ấm áp này đã được thể hiện rất vừa vặn.

Noriko Takimoto trong vai bà chủ hiệu ảnh Tomoe, Norihiro Takimoto trong vai bác nghệ nhân gốm Adachi, nhà sản xuất Akira Hatsusegawa trong vai anh chủ homestay Taka và Ben Phạm trong vai cậu du học sinh Duy Anh Shinichi cũng có diễn xuất chân thực.

Đáng nggạc nhiên khi tất cả họ không phải là diễn viên chuyên nghiệp mà đều lần đầu đóng phim. Đây có thể nói là thành công lớn trong công tác chỉ đạo diễn xuất của nữ đạo diễn trẻ Cao Thuý Nhi.

Bối cảnh và quay phim thì không cần nói nhiều bởi nó đã nhận được cơn mưa lời khen từ báo chí và khán giả. Thiết kế mỹ thuật cũng tinh tế, toát lên không gian và không khí phù hợp chuyện phim. Bên cạnh đó, âm nhạc cũng góp phần trong thành công chung.

Phim tình cảm hay nhất thập niên

Là một phim tình cảm, nhưng có thể nói Nhắm mắt thấy mùa hè trên tầm hoàn toàn những bộ phim cùng thể loại của Việt Nam trong những năm gần đây, như Thần tượng, 12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy, Cho em gần anh thêm chút nữa, Em chưa 18, Cô gái đến từ hôm qua, hay bộ phim gần đây là 100 ngày bên em.

Các phim trên vẫn dừng lại ở dạng phim ngôn tình hoặc giải trí (dù cũng được làm khá tốt trong thể loại của nó) trong khi Nhắm mắt thấy mùa hè khước từ việc chiều lòng khán giả với dạng chuyện tình đèm đẹp kiểu mật ngọt.

Các nhân vật có tính cách và nội tâm phong phú, mạch phim chậm rãi, nhẹ nhàng, chuyện tình được xây dựng tinh tế, sâu lắng, ngôn ngữ điện ảnh giàu sức biểu đạt... tất cả điều đó đã giúp tác phẩm này trở thành phim tình cảm Việt Nam hay nhất thập niên này.

Nhắm mắt thấy mùa hè là minh chứng sinh động cho lời phát biểu của Nhất Phương - một trong những nhà sản xuất của phim: “Tôi đã có thời gian làm sản xuất cho những bộ phim nước ngoài quay tại Việt Nam và thấy rằng chúng ta chẳng thua kém họ điều gì, thậm chí có nhiều thứ, chúng ta hơn họ. Cái thiếu duy nhất cho những người trẻ như chúng tôi là thiếu cơ hội được làm phim”.

Hoàng Lê
Theo Vietnamnet


phim chiếu rạp

Tin tức mới nhất