Anh Phạm Văn Mạnh (35 tuổi, Hà Nội) đưa mẹ đẻ của mình là bà Bùi Ngọc Khánh (SN 1964) đến trung tâm xét nghiệm ADN với mong muốn tìm anh em ruột cho bà.

Mẹ anh Mạnh và người anh ruột tên Bùi Ngọc Khang (SN 1960) thất lạc nhau khi cả hai còn nhỏ. Vì gia đình nghèo, một người bị cho đi làm con nuôi. Đến khi cha mẹ mất đi, cả hai chỉ biết là mình có một người anh em nữa nhưng không có cách nào để liên lạc.

Mãi sau này, nhờ công nghệ thông tin, bà Khánh tìm được người đàn ông tên Khang. Khi so sánh mọi thông tin, tình tiết còn nhớ được, gia đình thấy có chi tiết trùng khớp. Hai bên nhận nhau và giữ quan hệ, đi lại như anh em ruột thịt.

Bà Khánh vô cùng hạnh phúc bởi sau nhiều năm thất lạc nay đã tìm được nguồn cội của mình.

Bẵng đi 20 năm, cả hai đều lên chức ông bà, thì bất ngờ một người đàn ông khác cũng tên Bùi Ngọc Khang tìm đến bà Khánh và nói rằng mình mới là anh trai của bà.

Cả hai bên gia đình đều rất hoang mang. Riêng bà Khánh là có linh cảm đặc biệt. Dù suốt 20 năm qua, người anh hiện tại đối xử với mình rất tốt nhưng bà vẫn tin rằng người đến sau mới đúng là ruột thịt của mình.

Nhận anh em sau thời gian thất lạc, 20 năm sau phát hiện không cùng huyết thống-1
Nhân viên trung tâm ADN giám định huyết thống cho khách hàng. (Ảnh: CGAT)

Để biết có đúng là anh em ruột hay không, bà Khánh và 2 người anh tên Khang cùng xét nghiệm ADN. Kết quả, bà Khánh và ông Khang đến sau có quan hệ huyết thống.

Điều đó đồng nghĩa với việc người đàn ông mà bà nhận là anh trai suốt 20 năm qua không có quan hệ huyết thống.

Tuy nhiên, linh cảm kỳ lạ vẫn thôi thúc bà Khánh xét nghiệm thêm một lần nữa tại trung tâm ADN khác. Mẫu xét nghiệm lần này cũng cho kết quả tương tự lần đầu.

Lúc này, gia đình bà Khánh và hai người đàn ông tên Khang rơi vào tình huống bối rối. Tuy nhiên, ngồi lại trò chuyện, tất cả đều cảm thông và chia sẻ về những thiệt thòi mà mọi người đã trải qua.

Đi quá nửa đời người, nhờ y học hiện đại, cuối cùng bà Khánh cũng tìm được anh trai ruột, bà cũng không cắt đứt liên lạc với người đã nhận làm anh suốt 20 năm trước đó. Họ vẫn thống nhất giữ quan hệ thân tình dù chẳng có chung máu mủ ruột già.

Bà Nguyễn Thị Nga - Giám đốc Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền chia sẻ, câu chuyện của gia đình bà Khánh làm bà nhớ mãi.

Xét nghiệm huyết thống có thể thực hiện ở bất kỳ độ tuổi nào vì hệ gene của con người được thiết lập từ thời điểm thụ thai và thường không thay đổi, thậm chí có thể lấy mẫu vật từ trẻ chưa sinh như nước ối có chứa các tế bào của thai nhi.

"Ngoài ra các mẫu máu, tế bào niêm mạc miệng, mẫu mô, móng tay, chân tóc, cuống rốn, xương, răng đều có thể sử dụng để xét nghiệm ADN", bà Nga nói. 

ADN là phân tử mang thông tin di truyền, chứa chương trình quyết định các đặc tính cũng như hành vi (một cách gián tiếp) của mỗi người. Trong số các đặc tính mà ADN quy định có các đặc điểm cá nhân của mỗi người, được truyền từ bố mẹ.

Ở Việt Nam, công nghệ gene hiện được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, từ phân tích di truyền đến giải mã gene vào nền y học chính xác. Các giải pháp giải trình tự gene giúp tầm soát, chẩn đoán, dự phòng và điều trị chính xác ứng dụng trong sản, nhi, tâm thần, ung thư hay tiêu hóa, hô hấp.

Bà Nga cũng nhấn mạnh, không chỉ xác định huyết thống, nếu tìm ra được bố mẹ mang gene bệnh thì có thể biết con cái sau này có khả năng mắc bệnh hay không, khả năng mắc là bao nhiêu phần trăm.

Theo VTC