Một bài viết mới nhất về cái chết của cố Công nương Diana đăng tải trên tạp chí Mirror ngày hôm qua, 20/8 tiết lộ một nhân chứng đã có mặt ở hiện trường vụ tai nạn kinh hoàng cướp đi mạng sống của bà 20 năm về trước.
Đường hầm cầu Alma, Paris, Pháp - nơi cố Công nương Diana gặp nạn (Ảnh: Daily Mirror)
Cựu luật sư Stanlee Culbreath, nay đã 69 tuổi là một trong số ít nhân chứng có mặt tại hiện trường ngày hôm đó đã quyết định lên tiếng sau 2 thập kỷ im lặng. Chia sẻ với báo giới, ông cho biết mình kín tiếng suốt 20 năm qua vì ông tôn trọng và cảm thông với Hoàng tử William và Harry. Khi đó, hai người còn quá nhỏ.
Nhưng giờ đây, ông muốn nói lên mọi thứ. Stanlee cho hay: "Nếu các đơn vị cứu thương của Pháp nhanh hơn, có lẽ Công nương Diana sẽ vẫn còn sống".
Stanlee Culbreath, 69 tuổi là người đã có mặt ở hiện trường vụ tai nạn, nhưng ông quyết định im lặng suốt 20 năm (Ảnh: James Breeden)
"Tôi luôn luôn cảm thấy có gì đó không ổn... Giờ đây, sau 20 năm, tôi tự hỏi liệu đó có thực sự là một vụ tai nạn hay không?
Nếu người bị nạn là Công nương, tại sao phải mất tới 20 phút lực lượng cấp cứu mới tới hiện trường? Và tại sao họ lại bỏ qua một bệnh viện để đưa bà tới một bệnh viện khác?
Suốt thời gian, tôi luôn tự hỏi bản thân rằng họ đã xử lý vụ tai nạn ấy như thế nào, và đáng lẽ ra Công nương có thể vẫn còn sống. Tôi đã cầu xin cảnh sát giúp đỡ, nhưng dường như họ đều phớt lờ", Stanlee bày tỏ nỗi hoài nghi về sự cố thảm khốc ngày 31/8/1997.
Thời điểm đó, Stanlee Culbreath đang cùng hai người bạn là Clarence Williams và Michael Walker đi du lịch châu Âu. Họ đã tới Paris vài giờ trước đó và vừa tham quan xong tháp Eiffel. Ông kể khi đó là nửa đêm, khoảng 0h20 phút, họ trên đường trở về khách sạn, khi đi tới đường hầm cầu Alma thì trông thấy vụ tai nạn.
Stanlee vẫn còn nhớ như in lúc đó, tài xế taxi chở họ đã dừng xe lại để xem có thể giúp đỡ gì không. Họ thậm chí còn không biết người trong xe là Công nương Diana.
Khi đó, Công nương và người tình Dodi Fayed ngồi ở ghế sau, còn tài xế là Henri Paul và vệ sĩ của Công nương Trevor Rees-Jones ngồi ở ghế trước. Chỉ có duy nhất Trevor lá sống sót trong vụ tai nạn, còn tài xế tử vong ngay tại hiện trường. Công nương qua đời vào khoảng 4h sáng cùng ngày sau khi được cấp cứu ở bệnh viện.
Công nương Diana và người tình Dodi Fayed ngồi ở ghế sau, còn tài xế là Henri Paul và vệ sĩ của Công nương Trevor Rees-Jones ngồi ở ghế trước. (Ảnh: PA)
"Chỉ có khoảng 4,5 người ở hiện trường tai nạn lúc đó, và chúng tôi đã tới gần để xem có thể giúp gì được cho họ không", Stanlee Culbreath kể.
"20 phút sau, vẫn không có một chiếc xe cứu thương nào tới.... Chỉ có 1 cảnh sát ở đó, và anh ta luôn miệng đuổi chúng tôi: 'Đi đi, đi đi!'... Chắc phải tới 30 phút sau mới có lực lượng tới trợ giúp", Stanlee nhấn mạnh thêm.
Ông nói rõ suốt thời gian ở đó, ông không nghe thấy tín hiệu xe cứu thương nào. Không có còi báo động. Sau đó, ông còn nói với người khác rằng: "Tôi ghét bị tai nạn ở Paris vì chẳng có ai tới giúp".
Lực lượng chức năng đã vào cuộc điều tra nguyên nhân vụ tai nạn suốt 18 tháng sau đó. Tới năm 1999, họ kết luận vụ tai nạn là do tài xế đã mất kiểm soát khi lái xe ở tốc độ cao trong tình trạng say rượu. Tuy nhiên, cha của Dodi - bạn trai Công nương không đồng ý với kết luận này. Ông từng tuyên bố vụ tai nạn là âm mưu được sắp đặt.
Mặc dù kết luận này khiến nhiều người trong cuộc không đồng tình, nhưng kết quả điều tra vẫn được giữ nguyên.
Đám tang Công nương Diana ở Tu viện Westminster ngày 6/9/1997 (Ảnh: Reuters)
Nhân chứng bí ẩn Stanlee Culbreath quyết định giữ kín, và không được triệu tập trong các cuộc điều tra. Ông nói: "Con tôi khi đó cũng chỉ bằng tuổi hai hoàng tử nhỏ. Tôi chỉ muốn bảo vệ họ khỏi tổn thương".
Chia sẻ cảm nhận riêng về cố Công nương, cựu luật sư này nói: "Công nương Diana là một người tuyệt vời... Sự ra đi của Công nương là một mất mát lớn".
VEE
Theo Vietnamnet