Như mọi ngày, từ thời điểm dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại TP.HCM hồi đầu tháng 5, chị X. thức dậy sớm, chuẩn bị giấy tờ, khẩu trang, đồ bảo hộ trước khi đến làm việc tại Trung tâm Y tế quận 7.

Đến nơi, nữ nhân viên y tế chào hỏi đồng nghiệp trước khi ngồi vào bàn của mình như mọi ngày. Hôm nay, nụ cười bỗng gượng gạo, quầng thâm dưới mí mắt lộ rõ hơn vì mệt mỏi, thậm chí là lo sợ.

Cuối giờ chiều hôm trước, khi chuẩn bị trở về nhà, điện thoại của chị X. đổ chuông. Đó là ông G., 46 tuổi, trường hợp F1 cư trú tại quận 7, được chị cùng các đồng nghiệp đưa đi cách ly tập trung trước đó, đã chuyển cách ly ở khách sạn.

"Người đàn ông này không chỉ mắng chửi chúng tôi là 'nhân viên y tế đàng hoàng không hay là lũ ăn cướp', thậm chí còn đòi kiện tôi ra tòa", chị X. chia sẻ.

F1 bức xúc vì cho rằng "nhân viên y tế cấu kết thu lợi"

Nữ nhân viên này cho biết ông G. thuộc diện F1 do có lịch sử tiếp xúc với một trường hợp F0 được phát hiện ngày 10/6. Sau khi F0 này được đưa tới cơ sở y tế điều trị và điều tra truy vết, ông G. được xác định có tiếp xúc với bệnh nhân ngày 1/6.

“Theo nguyên tắc của việc điều tra, truy vết, chúng tôi sẽ tìm ngược lại lịch trình của F0 khoảng 14 ngày trước khi họ được phát hiện mắc bệnh.

Theo nghiên cứu, đây là khoảng thời gian những người này mang đến nguy cơ cao lây lan virus ra cộng đồng. Do đó, trong vòng 14 ngày này, tất cả người tiếp xúc trực tiếp F0 sẽ được xét vào nhóm phải cách ly tập trung”, chị X. giải thích.

Nhân viên khu cách ly ở TP.HCM: Tôi bị F1 đe dọa-1
Các nhân viên y tế, tổ truy vết cộng đồng sẽ dựa trên lịch trình của F0 trong vòng 14 ngày trước khi mắc bệnh để tìm kiếm những trường hợp tiếp xúc. Ảnh minh họa: Phạm Thắng.

Dựa trên nguyên tắc này, ông G. được đưa đến cơ sở cách ly tập trung của quận 7. Khi đến nơi, người này ngay lập tức đề nghị cho mình thực hiện cách ly tại khách sạn.

Đáp ứng nguyện vọng này, chị X. cung cấp danh sách khách sạn có dịch vụ cách ly tập trung cùng chi phí được công khai rõ ràng để người này lựa chọn.

Sau khi chấp nhận và lựa chọn một phòng khách sạn trong danh sách, ngay trong đêm, ông được xe tới đón, đồng thời hoàn thành các thủ tục nhận phòng, đơn xin cách ly dịch vụ. Lúc này, mọi chuyện đều diễn ra thuận lợi và đúng quy định.

Tuy nhiên, một ngày sau khi chuyển tới cách ly tại khách sạn, người đàn ông này đọc được thông tin F0 có khả năng bị lây nhiễm virus từ lần đi đánh golf ngày 4/6.

“Người này sau đó đã ngay lập tức gọi điện cho tôi chửi bới, trách móc vì cho rằng mình không nằm trong nhóm nguy cơ và phải cách ly tập trung. Bởi ông khẳng định thời điểm mình tiếp xúc bệnh nhân xảy ra trước ngày F0 bị nhiễm virus”, chị X. kể lại.

Tuy nhiên, trên thực tế, đây là thông tin không chính thống được đăng tải trên các trang mạng điện tử. Với trường hợp F0 này, chị X. là người trực tiếp điều tra và đã lập tức phản hồi thông tin trên với ông G.

Nhân viên khu cách ly ở TP.HCM: Tôi bị F1 đe dọa-2
Theo tâm lý chung, không ai muốn phải đi cách ly tập trung và tự đánh giá nguy cơ của mình không cao. Ảnh minh họa: Phạm Ngôn.

“Ngày nào người này cũng nhắn tin, gọi điện chửi và đe dọa tôi. Ông cho rằng việc làm của các nhân viên y tế là bất công, cấu kết với nhau để thu lợi từ mình”, chị X. thông tin.

Thời gian gần đây, nữ nhân viên y tế này còn nhận được tin nhắn từ một tài khoản lạ, đe dọa sẽ đưa số điện thoại của chị lên web bẩn.

“Tôi rất sợ hãi về chuyện đó vì đã lỡ sử dụng số điện thoại cá nhân khi làm việc. Tôi có gửi thông tin này cho công an. Tuy nhiên, lực lượng chức năng nói đây chỉ đang là hình thức đe dọa bằng lời nói, chưa thể giải quyết được”, chị X. bày tỏ.

Khó khăn khi số lượng F1 tăng nhanh

Hiện tại, chị X. phụ trách chính trong khu cách ly tập trung tại quận 7 với số lượng khoảng hơn 200 người. Theo nữ nhân viên này, việc bị người dân chửi bới, đe dọa không hiếm.

“Tâm lý của người dân là không ai muốn bị đi cách ly tập trung. Họ thường tự nhận định bản thân chỉ lướt qua F0 hoặc không tiếp xúc quá gần để phải đi cách ly nên tỏ ra khá bức xúc.

Tuy nhiên, sau khi chúng tôi làm công tác tư tưởng, đa số F1 chấp nhận và hợp tác. Riêng trường hợp trên, tôi bị ám ảnh và thực sự sợ hãi”, chị X. chia sẻ.

Nhân viên khu cách ly ở TP.HCM: Tôi bị F1 đe dọa-3
Dù không ai muốn, sự hợp tác của người cách ly sẽ giúp việc phòng, chống dịch của cả nước được đẩy nhanh hơn. Ảnh minh họa: Phạm Thắng.

Nhân viên y tế này cũng cho hay số lượng F1 tăng lên nhanh chóng thời gian qua cũng khiến áp lực công việc tại khu cách ly tập trung lớn hơn nhiều. Việc quản lý từ đó gặp nhiều khó khăn.

Chị X. lý giải: "Khi số lượng F1 lớn, chúng tôi buộc phải sắp xếp người cách ly chung phòng. Lúc này, việc giãn cách, theo dõi, giám sát luôn phải được đảm bảo để tránh nguy cơ lây nhiễm chéo. Chúng tôi cũng phải sắp xếp, phân chia người cách ly theo mức độ nguy cơ để giữ an toàn".

Dẫu vậy, một số người cách ly không hiểu đã có hành động đe dọa nhân viên y tế và người cùng phòng khi được sắp xếp, cố ý ngăn chặn, không cho vào phòng.

"Mới đây, một trường hợp còn có hành vi phá thiết bị camera giám sát được gắn trong phòng cách ly. Theo chỉ đạo của Chính phủ, việc lắp đặt hệ thống camera giám sát 24/24 là cần thiết để tránh việc lây nhiễm chéo. Tuy nhiên, nhiều người không chấp nhận điều này", chị X. kể.

Ngoài ra, vấn đề không tuân thủ quy định của khu cách ly tập trung cũng xảy ra khá nhiều khi người dân tự ý ra khỏi phòng, đi dạo, hút thuốc, nhờ người mang bia rượu vào, tỏ ý khó chịu và chửi bới khi bị nhân viên y tế, công an nhắc nhở.

Thậm chí, Trung tâm Y tế quận 7 còn từng phải xử phạt hành chính với một trường hợp trèo cổng, trốn khỏi khu cách ly lúc nửa đêm. Người này bị phát hiện sau khi trở về vào sáng hôm sau.

Theo chị X., số lượng trường hợp như trên không quá lớn, đa phần người dân sau khi được giải thích, động viên đều tuân thủ và chấp nhận.

Mặc dù vậy, khi đại dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu dừng lại, việc mỗi người tự có ý thức tuân thủ, hợp tác sẽ giúp ích rất nhiều trong quá trình Việt Nam đẩy lùi sự lây lan của SARS-CoV-2.

Theo Zing