Những ngày qua, số ca Covid-19 ở Việt Nam tăng liên tục, ngày 3/3 lên đến gần 119.000 ca/ngày. Trong số này, không ít người từng là F0 nhưng lại tiếp tục tái mắc, thậm chí tái mắc nhiều lần.
6 tháng "dương tính"… 3 lần
P.N., một sinh viên mới ra trường tại TP.HCM ngao ngán cho biết, cô vừa thành F0 lần thứ 3.
Trước đó vào ngày tháng 8/2021 khi đã tiêm mũi 2 vaccine đủ 14 ngày, N. thấy mắt bị đỏ, xuất hiện ho, đau họng nên chủ động test nhanh Covid-19 cho kết quả dương tính.
Vì không thấy triệu chứng quá nghiêm trọng, cô gái uống thuốc theo đơn của một bác sĩ, tự điều trị tại nhà và âm tính sau 14 ngày. Đến giữa tháng 11/2021, N. lại thấy nhức đầu liên tục tên tiếp tục mua test nhanh về thử và lại "2 vạch". Lúc này, N. uống thuốc panadol và âm tính sau 3 ngày.
Đến tháng 2 năm nay (tức sau 3 tháng mắc bệnh lần cuối), N. thấy đau cơ, mệt mỏi suốt một tuần và ho có đờm. Không nghĩ mình lại dính Covid-19, cô gái chỉ uống thuốc ho bình thường nhưng không khỏi.
Trước tình trạng tức ngực, khó thở kéo dài, N. mới bắt đầu nghi ngờ và tá hỏa khi xét nghiệm lại cho kết quả dương tính SARS-CoV-2.
"Cả ba lần dương tính của tôi đều thông qua test nhanh. Vì cả tuần mới phát hiện bệnh nên tôi không uống thuốc kháng virus Molnupiraviz" - N. nói.
Trong vài tháng, nhiều người phát hiện "hai vạch" đến ba lần (Ảnh: NVCC)
Cũng 3 lần trở thành F0 là anh Mạnh (27 tuổi, tên đã thay đổi), điều dưỡng tại khoa Hồi sức tích cực - Cấp cứu (ICU), Bệnh viện Nam Sài Gòn.
Anh Mạnh cho biết thời điểm tháng 8/2021, anh cùng các đồng nghiệp tham gia chống dịch, trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19. Chỉ một thời gian ngắn, anh được xác định dương tính thông qua xét nghiệm PCR.
Điều trị 2 tuần, nhân viên y tế này xét nghiệm PCR lại thì cho kết quả âm tính. Nhưng đến lần xét nghiệm PCR lần 3 để đủ điều kiện xuất viện, anh tái mắc Covid-19. Với triệu chứng ho sốt nhẹ, anh được các bác sĩ cho uống thuốc cảm thông thường, dùng kháng sinh và vitamin.
Tưởng đã "yên thân" với Covid-19 sau 6 tháng thì một tuần trước, anh Mạnh thấy đau rát họng khi vẫn đang làm nhiệm vụ điều trị F0. Anh lại được xét nghiệm PCR và ngỡ ngàng khi mình lại… mắc bệnh.
"Tôi không nghĩ mình xui vậy, đến giờ vẫn chưa dám báo với gia đình rằng mình dương tính lần 3. Tôi không thấy gì bất thường ngoài đau họng, nên vẫn ở lại hỗ trợ các đồng nghiệp chăm sóc bệnh nhân Covid-19 trong viện" - anh Mạnh chia sẻ.
Nhân viên y tế chống dịch cũng là đối tượng dễ tái mắc Covid-19 (Ảnh: BVCC).
Còn đồng nghiệp của anh Mạnh tại khoa ICU là chị H.T.L. tỏ ra lo lắng, dù "chỉ" mắc Covid-19 hai lần. Theo chị L., lần đầu chị mắc bệnh vào tháng 12/2021, khi đã tiêm 3 mũi vaccine, còn lần gần nhất là cuối tháng 2 vừa qua.
"Tôi vừa được xuất viện về nhà khi có kết quả xét nghiệm CT bằng 30. Tôi nghĩ mình mới mắc bệnh thì kháng thể còn cao, vậy mà giờ đã mắc lại nên cũng cảm thấy bất an…" - nữ điều dưỡng chia sẻ.
Chuyên gia nói gì?
Thống kê tại khoa Nhiễm, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM) cho thấy, gần đây nơi này đã tiếp nhận khá nhiều bệnh nhân tái mắc Covid-19.
Đặc biệt vừa qua, có một trường hợp một phụ nữ xét nghiệm dương tính lần 2 và lần 3 chỉ cách nhau vài tuần, dù đã tiêm đủ vaccine. Các bác sĩ không loại trừ trường hợp bệnh nhân dương tính giả. Nữ bệnh nhân không có triệu chứng nặng và đã sớm có kết quả âm tính sau vài ngày theo dõi.
Trao đổi xoay quanh vấn đề F0 tái mắc nhiều lần, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, về mặt khoa học việc tái nhiễm sau khi mắc bệnh hoặc bị nhiễm đột phá là hiện tượng có thể xảy ra.
Bởi vì khi bị mắc bệnh, dù đã có kháng thể hoặc tiêm vaccine tạo kháng thể, nhưng kháng thể chủ yếu nằm trong máu. Trong khi đó, virus xâm nhập vào niêm mạc đầu tiên, gây bệnh và sau đó mới phổ rộng kháng thể lên.
Theo chuyên gia, việc tiêm chủng có hiệu quả phòng ngừa mắc bệnh, nhưng chỉ trong thời gian ngắn. Do đó việc nhiều người cho rằng tiêm vaccine rồi nhưng vẫn bị mắc do kháng thể thấp là điều hiển nhiên.
PGS Dũng lý giải, sau một thời gian tiêm thì lượng kháng thể sẽ giảm đi. Quan trọng là khả năng tạo kháng thể của cơ thể vẫn còn, để ngăn cản sự tiến triển bệnh nặng và giảm nguy cơ tử vong.
Chuyên gia cho rằng sau một thời gian mắc bệnh, việc kháng thể yếu đi và tái mắc là điều có thể xảy ra (Ảnh: HL).
Đồng tình với ý kiến trên, ThS.BS Đỗ Cao Vân Anh, Phó Trưởng bộ môn Nhiễm, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) cho rằng, việc tái mắc Covid-19 có thể xảy ra dù tiêm đủ vaccine.
Thực tế, bà đã chứng kiến các trường hợp là giáo viên, công an, nhân viên siêu thị… những người làm nghề tiếp xúc nhiều ngoài cộng đồng trở thành F0 lần 2, lần 3.
Nguyên nhân là kháng thể sản sinh trong cơ thể không kéo dài bền vững, một phần do virus SARS-CoV-2 liên tục xuất hiện biến chủng mới. Đồng thời, cũng không loại trừ trường hợp dương tính giả, dương tính kéo dài dù không còn triệu chứng.
Khi người dân test nhanh Covid-19 trong tình hình hiện tại, chưa biết kết quả chính xác hay không nhưng khi khai báo, cơ quan chức năng cũng chấp nhận và cho nghỉ ngơi ở nhà.
Dù là nguyên nhân nào, ThS.BS Vân Anh cho biết các bệnh nhân tái mắc hầu như không xảy ra trường hợp bệnh nặng. Ngoài ra, việc tái nhiễm nếu xảy ra sớm nhất cũng khoảng 3 tháng tính từ ngày khỏi bệnh. Nếu xuất hiện ngay sau đó, cần xem lại tính chính xác của việc xét nghiệm.
Vì vaccine không bảo vệ khỏi Covid-19 hoàn toàn, các chuyên gia cho rằng vẫn cần tuân thủ 5K để vừa giảm nguy cơ mắc bệnh, vừa giảm khả năng lây lan cho cộng đồng và giúp duy trì các hoạt động sinh hoạt xã hội, lao động sản xuất.
Theo Dân Trí