Dễ hiểu về phản ứng của cư dân mạng về các hình thức quấy rối tình dục được nêu trong Dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử về phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc mà Bộ LĐ-TB&XH và các đơn vị liên quan vừa phối hợp hoàn thiện.
Theo dự thảo, hình thức quấy rối tình dục phi ngôn ngữ bao gồm sử dụng ngôn ngữ cơ thể, nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục, biểu hiện không đứng đắn, dùng cử chỉ ngón tay, phô bày tài liệu khiêu dâm, gửi ảnh, đồ vật, tin nhắn liên quan tới tình dục..
Quấy rối tình dục chốn công sở là vấn nạn ai cũng biết nó tồn tại nhưng lại rất khó bài trừ, bởi hành vi quấy rối tình dục vẫn chưa được nhận diện một cách đầy đủ để có biện pháp phòng chống, xử lý hiệu quả.
Vì vậy, việc ra đời bộ quy tắc là cần thiết để bảo vệ nhân phẩm, danh dự, đem lại cho người lao động môi trường làm việc trong lành, dễ chịu và an toàn. Trong đó, các khái niệm về quấy rối tình dục và hình thức quấy rối tình dục cực kỳ quan trọng, là cơ sở cho việc tố cáo, xử lý.
Tuy nhiên, những biểu hiện quấy rối phi ngôn ngữ mà dự thảo nêu ra lại bị dân mạng phản ứng, đánh giá là mơ hồ, khiến bộ quy tắc trở nên không khả thi.
Gút mắc chủ yếu nằm ở vấn đề: Dựa vào đâu để xác định một người đang "nhìn gợi tình", "liếc mắt liên tục"; "biểu hiện không đứng đắn"?. "Dùng cử chỉ ngón tay" thế nào thì bị cho là quấy rối? Làm cách nào để nạn nhân chứng minh hành vi quấy rối tình dục, cái gì được coi là bằng chứng?
Liệu có nguy cơ xảy ra oan ức khi có những người bị cáo buộc quấy rối bằng cái nhìn gợi tình hay biểu hiện không đúng đắn trong khi họ không có ý nghĩ này?
Nên hiểu thế nào là "ánh nhìn gợi tình"?
Bộ quy tắc kém khả thi vì sự gợi tình của cái nhìn, sự liên tục của hành vi chớp mắt, sự không đứng đắn của hành vi đều dựa vào cảm nhận chủ quan, mà cảm nhận mỗi người mỗi khác, gần như không có căn cứ để xác định cảm nhận thế nào mới là chuẩn, có thể dùng làm thước đo.
Vì thế, khi tố cáo hành vi quấy rối tình dục với các biểu hiện trên, nạn nhân dễ bị bác bỏ, phủ nhận, bị cười cợt. Ngược lại, cũng dễ xảy ra chuyện ai đó mang tiếng oan là "yêu râu xanh", dù không bị kết tội thì cũng mang tiếng, ảnh hưởng thanh danh.
Trên thực tế, môi trường công sở là nơi khá thoải mái, cởi mở, thậm chí những chủ đề nhạy cảm cũng hay được mọi người đem ra bàn tán trong giờ nghỉ giải lao.
Lẽ nào mọi người đều phạm tội quấy rối tình dục? Nếu "nháy mắt, nhìn gợi tình" bị coi là quấy rối tình dục thì khi nói chuyện, người ta khó mà nhìn thẳng vào mặt nhau.
Con người ai chẳng yêu cái đẹp. Khi thấy một phụ nữ ăn mặc xinh đẹp tới chốn công sở, ai mà không thích nhìn ngắm với cảm giác thích thú, thậm chí say mê?
Khi chuyện tố cáo quấy rối tình dục xảy ra, đâu dễ chứng minh ánh nhìn của người nào đó chỉ là tán thưởng, ngưỡng mộ hay "gợi tình" theo ý nghĩa tiêu cực.
Đó là chưa kể ở nhiều công ty, quy định về ăn mặc khá thoải mái, nhiều phụ nữ xinh đẹp ăn mặc "mát mẻ", nếu đem khái niệm "nhìn gợi tình" để gán mác quấy rối tình dục thì tội cho đàn ông quá.
Thế nên nếu bộ quy tắc với những điều khoản trên được áp dụng thì có lẽ các công sở phải ra "quy định cứng" về trang phục, anh em mới thoát khỏi nguy cơ bị phiền hà.
Công sở có nạn quấy rối tình dục không phải là môi trường làm việc lành mạnh, nhưng nếu người lao động phải gánh thêm áp lực không đâu khi quá dễ dàng bị tố là quấy rối tình dục thì môi trường làm việc đó cũng không còn lành mạnh nữa, làm sao có thể lao động hiệu quả, năng suất?
Các quy tắc, quy định phải sát với thực tế, có tính khả thi cao, phù hợp với trình độ phát triển, đặc điểm văn hóa xã hội thì mới nên đưa vào áp dụng, bằng không sẽ phản tác dụng, không thực hiện được, gây lãng phí thời gian, tốn kém tiền của, nhân lực, thậm chí lại trở thành trò đùa cho mọi người đem ra giễu cợt.
Phòng chống quấy rối tình dục ở công sở luôn là điều cần thiết, quan trọng, vì vậy mong các cơ quan chức năng và đơn vị liên quan tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các bộ quy tắc, văn bản pháp luật thật tốt.
Khi đó, các nạn nhân sẽ có thêm dũng khí, lòng tin để tố cáo, và những kẻ quấy rối cũng vì sợ hãi mà chùn tay.
Theo VTC News