Tính đến hết tháng 12/2020, đại dịch Covid-19 vừa tròn 1 năm. Covid-19 “nuốt chửng” hàng triệu người, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam.
Virus gây bùng phát dịch bệnh Covid-19 hay còn gọi là SARS-CoV-2. Ca bệnh đầu tiên trên thế giới được ghi nhận tại TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào 03/12/2019.
|
Tính đến ngày 11/12/2020, tổng số ca mắc Covid-19 trên thế giới là 70.785.406, số ca tử vong 1.589.742. Trong đó, Mỹ đạt mức hơn 16 triệu ca với 299.600 ca tử vong. Theo sau Mỹ là Ấn Độ, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ...
Tại Việt Nam, Covid-19 đã 4 lần xâm nhập khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn.
|
Ngày 1/2/2020, Thủ tướng Chính Phủ chính thức công bố dịch Covid-19 tại Vĩnh Phúc, lúc này tại địa phương đã có 2 ca bệnh.
Ngày 12/2, xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) trở thành tâm dịch với 11 ca Covid-19, bước vào 20 ngày phong tỏa cách ly (từ ngày 13/2/2020 đến 4/3/2020).
Sau 20 ngày thực hiện lệnh phong tỏa, không để xuất hiện thêm ca mắc Covid-19 mới, ngày 4/3/2020, xã Sơn Lôi dỡ bỏ phong tỏa.
|
Sáng 7/3, Hà Nội chính thức công bố ca bệnh Covid-19 đầu tiên. Đây là ca bệnh thứ 17, bệnh nhân là N.H.N, 26 tuổi, ở phố Trúc Bạch, đi từ London (Anh) về sân bay Nội Bài ngày 2/3.
|
Tâm sự của nữ điều dưỡng mang thai 9 tháng làm việc trong khu cách ly Bệnh viện Bạch Mai
Ngày 20/3, Bộ Y tế công bố ca bệnh số 86 và 87, đều là điều dưỡng viên tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Sau đó liên tục ghi nhận thêm nhiều ca mắc mới.
Ngày 28/3, Bạch Mai bước vào 14 ngày phong tỏa cách ly, dập dịch.
Trước tình hình dịch bệnh nguy hiểm, từ 0h ngày 1/4, cả nước bước vào 15 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm phòng chống Covid-19.
Sau 15 ngày, tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp, nhiều tỉnh thành có nguy cơ cao tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội.
|
Ngày 8/4, thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội) trở thành ổ dịch thứ 3 và bước vào 28 ngày phong tỏa.
Ca bệnh đầu tiên tại đây (bệnh nhân 243) liên quan tới ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai. Tại ổ dịch này có 13 người mắc Covid-19, đều tiếp xúc gần với bệnh nhân 243 hoặc F1 của bệnh nhân 243.
Theo thông tin của Bộ Y tế, đến 14/5, trên địa bàn TP Hà Nội đã không còn khu vực nào phải cách ly. Việt Nam bước vào ngày thứ 28 không phát hiện ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.
|
Ngày 25/7, xuất hiện ca mắc Covid-19 trong cộng đồng tại Việt Nam sau hơn 3 tháng.
Đặc biệt, nguồn lây F0 bị mất dấu. Bộ Y tế xác nhận các ca bệnh tại Đà Nẵng nhiễm SARS-CoV-2 chủng mới, khác hẳn các chủng ở những đợt dịch trước đó.
Nhiều ca bệnh được ghi nhận liên quan đến 3 bệnh viện lớn gồm: Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng và Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng.
Ngày 31/7, Việt Nam có ca tử vong đầu tiên, bệnh nhân là nam, trú tại Quảng Nam, nhập viện tại Bệnh viện Đà Nẵng điều trị bệnh thận giai đoạn cuối.
|
Từ 3/9 đến cuối tháng 9, về cơ bản, tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước được kiểm soát thành công.
Sau làn sóng Covid-19 thứ 3, cả nước ghi nhận 35 ca tử vong, tất cả đều có bệnh lý nền rất nặng.
|
Trong 2 ngày (29 và 30/11), tại TP HCM phát hiện 2 ca nhiễm Covid-19 lây từ khu cách ly.
Bệnh nhân 1342, trong thời gian cách ly tại khu cách ly do Vietnam Airlines quản lý đã tiếp xúc với đồng nghiệp là BN 1325.
Sau 2 lần cho kết quả xét nghiệm âm tính, BN 1342 được cách ly tại phòng trọ, bạn nam (BN 1347) đến ở cùng.
Ngày 28/11, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm lần 3, cho kết quả dương tính.
|
BN 1347 là giáo viên tiếng Anh, có tình hình dịch tễ phức tạp. Hơn 500 người tiếp xúc gần, nhiều trường học tạm đóng cửa. Ngày 3/12 có 8.200 học sinh từ mầm non đến THPT và 161.000 sinh viên cao đẳng đại học được nghỉ học.
Ngày 3/12, Công an TP HCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin khởi tố vụ án hình sự “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm” liên quan tới bệnh nhân 1342.
Tính đến ngày 11/12, Việt Nam không ghi nhận thêm ca lây nhiễm cộng đồng mới.
Tổng số ca nhiễm: 1.385, trong đó có 35 ca tử vong.
|
Trong đợt bùng dịch tại Thủ đô Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai là một trong số ổ dịch lớn và có nguy cơ lây nhiễm cao. Tuy bị cách ly nhưng tại đây vẫn tiếp nhận bệnh nhân nặng từ tuyến dưới.
Sản phụ T. 30 tuổi bị sốc mất máu, vừa đưa đến cổng Bệnh viện Bạch Mai thì ngừng tim, ngừng thở. Dưới trời mưa trắng xóa, các bác sĩ vừa đẩy cáng vào phòng cấp cứu vừa ép tim.
|
Các bác sĩ mặc bảo hộ vừa đẩy cáng vừa ép tim cứu sản phụ 2 lần ngưng tim
Sau 15 phút, các dấu hiệu sinh tồn của sản phụ rất thấp, tình trạng sốc nặng, huyết áp kiểm soát khó khăn với các thuốc vận mạch liều cao.
Đến cuối giờ chiều, sản phụ rơi vào tình trạng ngừng tim, ngừng thở lần thứ hai. “Còn nước còn tát”, các biện pháp hồi sức tích cực vẫn được các bác sĩ tiến hành. Hơn 120 phút ép tim liên tục, tim sản phụ đã đập trở lại.
Đến chiều ngày 7/4, sản phụ T. đã hoàn toàn tỉnh táo. Với nỗ lực hết mình, các “thiên thần áo trắng” đã tạo nên một kỳ tích mang tên Bạch Mai.
|
Trong đại dịch, Việt Nam vẫn giữ tinh thần đoàn kết, yêu thương.
Ngày 22/7, hơn 270 công dân Việt Nam hạ cánh an toàn tại sân bay Đà Nẵng.
Chuyến bay VN 5022 của Vietnam Airlines xuất phát ngày 28/7 từ sân bay Nội Bài đón 219 (trong đó 129 bệnh nhân Covid-19) công dân Việt Nam ở Guinea Xích Đạo.
Ba hãng hàng không lớn gồm: Vietnam Airlines, Vietjet và Bamboo đã tăng cường tần suất chuyến bay đi tới nhiều nước “giải cứu” công dân Việt Nam.
|
Ngày 16/3/2020, phi công người Anh thực hiện chuyến bay đầu tiên với tư cách cơ phó máy bay Boeing 787.
Ngày 18/3, phi công người Anh nhập viện do nhiễm Covid-19 (BN 91).
Bệnh nhân xuất hiện hội chứng giảm tiểu cầu do Heparin, chạy máy ECMO bị đông máu và tắc màng lọc liên tục.
Trong 4 ngày đầu, anh phải thay 3 màng lọc.
|
Bệnh nhân được chuyển qua Bệnh viện Chợ Rẫy vào ngày 22/5, giữa lúc tình trạng sức khỏe cực kỳ xấu.
Việc cứu chữa bệnh nhân 91 phát sinh nhiều khó khăn, đặc biệt là chi phí lên đến nhiều tỉ đồng.
Ngày 11/7, phi công người Anh khỏi bệnh, được về nước sau 115 ngày điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy.
|
Ngày 30/1, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra.
Thủ tướng yêu câu thực hiện “chống dịch như chống giặc”, chấp nhận thiệt hại kinh tế đổi lấy sự an toàn tính mạng của người dân.
|
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng nói: “Chúng ta kiên định chiến lược ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch. 5 chữ tưởng chừng đơn giản nhưng là cả quá trình, đúc kết từ những lần chống dịch trước đó, của cả thế giới và trong nước, tham khảo rất nhiều chuyên gia. Chúng ta có sự điều hành rất thống nhất, rất đồng bộ”.
Một năm với 4 đợt dịch Covid-19 xâm nhập nhưng với tinh thần đoàn kết, công tác phòng dịch được tiến hành bài bản, có hệ thống, Việt Nam vẫn được bảo vệ an toàn.
|
HT
Multimedia: Nguyễn Huệ
Theo Vietnamnet