Kiểm điểm trưởng thôn

Ông Phạm Thành Khoa, Chủ tịch UBND xã Nam Cao, huyện Kiến Xương (tỉnh Thái Bình) cho hay, sự việc 4 người trong nhà bà S., trú tại thôn Cao Bạt Lụ bị trưởng thôn là ông Phạm Ngọc Thao khoá trái cửa "nhốt" trong nhà để thực hiện lệnh cách ly 7 ngày đã được địa phương tổ chức họp xem xét vào ngày 17/1.

Trong cuộc họp, ông Thao cũng tham dự và có báo cáo. Kết quả, địa phương thống nhất kiểm điểm ông Thao bằng hình thức rút kinh nghiệm vì để xảy ra sự việc trên.

Chính quyền xã sẽ tổ chức xin lỗi công khai gia đình bà S. và nhân dân 10 thôn trong xã Nam Cao qua loa truyền thanh vào hôm nay 18/1. "Sai ở đâu chúng tôi xin chịu trách nhiệm ở đó và nghiêm túc chấn chỉnh, rút kinh nghiệm", Chủ tịch UBND xã Nam Cao nói.

Trao đổi với báo trên, ông Khoa cho biết sự việc này "tình ngay lý gian", suốt 1 tuần bị khoá cửa cách ly thì xã không nhận được ý kiến của gia đình, đến hôm hết cách ly thì lại xuất hiện phản ánh tiêu cực như vậy.

Nhốt 4 người vì 2 cháu về từ vùng đỏ: Xin lỗi qua loa truyền thanh-1
Nhốt 4 người vì 2 cháu về từ vùng đỏ: Xin lỗi qua loa truyền thanh-2
Cửa nhà bà S. bị thôn khoá ngoài. Ảnh: Tiền Phong

"Trạm Y tế xã yêu cầu 2 cháu bà S cách ly tại Trạm Y tế nhưng bà S xin cho 2 cháu về tự cách ly tại nhà vì các cháu còn nhỏ, 1 cháu học lớp 1, cháu còn lại nhỏ hơn, nếu cách ly tại trạm thì bà phải ra cách ly cùng để chăm sóc cháu, hơn nữa nhà rất gần trạm.

Bà S. cam kết sẽ nghiêm túc cho các cháu và gia đình cách ly tại nhà, đồng ý ký kết vào biên bản yêu cầu tự cách ly và tự nguyện với phương án tạm đóng cửa nhà trong thời gian cách ly", ông Khoa giãi bày.

Trước đó, anh Nguyễn Xuân B., 38 tuổi, trú tại thôn Vĩnh Khê, xã An Đồng, huyện An Dương (TP Hải Phòng) phản ánh đến báo chí rằng, chính quyền địa phương thôn Cao Bạt Lụ từ ngày 9/1 đến ngày 16/1 đã khóa trái cửa căn nhà có bố mẹ anh và 2 con nhỏ bằng 2 ổ khóa to kèm tấm giấy dán bên cạnh.

Theo anh B, do TP Hải Phòng thành vùng đỏ nên ngày 9/1 anh đã gửi 2 con nhỏ về nhà bố mẹ ở thôn Cao Bạt Lụ. Mẹ anh đã tự giác đưa các cháu ra trạm y tế xã để khai báo y tế và test nhanh cho kết quả âm tính song cán bộ xã vẫn yêu cầu cách y tập trung 2 bé con.

Mẹ anh (bà S.) đã xin cho các cháu về cách ly tại nhà để còn học trực tuyến thì được đồng ý nhưng trưởng thôn yêu cầu khóa cửa nhà và giao chìa khóa cho địa phương quản lý.

Tuy nhiên, điều khiến gia đình bà S. bức xúc hơn cả việc bị khóa trái cửa là những ngày qua, không một cán bộ thôn, xã nào đến thăm hỏi tình hình.

Ý kiến từ các chuyên gia

Trao đổi về sự việc trên, TS Lưu Bình Nhưỡng , Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, khi khóa cổng nhà người dân như vậy, có rất nhiều tình huống có thể xảy ra, ai bị bệnh bất ngờ như trụy tim, hay tai biến phải cấp cứu ngay thì chính quyền xử lý thế nào, có chịu trách nhiệm không?

"Những người ra lệnh khóa cửa phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình và những người đến khóa cửa là có dấu hiệu vi phạm các quyền về tự do cư trú và đi lại của người dân, dấu hiệu xâm phạm chỗ ở trái phép của người dân", ông Nhưỡng nói.

Trong khi đó, luật sư Trương Anh Tú (Công ty Luật TAT Lawfrim) cho hay có dấu hiệu vi phạm các quyền về tự do cư trú và đi lại của người dân trong sự việc trên.

Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và tự do đi lại, cư trú trong nước của công dân Việt Nam đã được Hiến pháp quy định,không có quy định nào cho phép khóa cửa nhà dân.

Dù cho nhân dân đồng thuận thì chính quyền xã vẫn không được thực hiện việc khoá cửa, giữ chìa khoá nhà dân vì nó tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về phòng cháy chữa cháy hoặc nếu nhà dân có người cần cấp cứu sẽ rất khó khăn.

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Công ty Luật Hợp Danh Thiên Thanh (Hà Nội) bày tỏ quan điểm, hành vi khoá cửa nhà dân để phòng dịch Covid-19 không phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 128.

Việc cần làm của chính quyền địa phương ở đây là cần kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đảm bảo điều trị kịp thời cho người dân, hạn chế thấp nhất ca tử vong, chứ không phải khóa cửa nhà dân lại.

Theo Doanh nghiệp & Tiếp thị