Cách trung tâm TP Quy Nhơn chưa đầy 5 km, làng trẻ em SOS với hàng trăm đứa bé côi cút đủ mọi thân phận được tập hợp về đây dưới những bàn tay chăm sóc của hơn chục phụ nữ đơn thân, bất đắc dĩ “làm mẹ”.
Làng có 17 mẹ và dì, trong đó có 14 mẹ trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng các trẻ được nhận nuôi, mỗi mẹ đảm nhận chừng 10 trẻ.
Mẹ Ngô Thị Đức (47 tuổi, ở An Nhơn) vào làng từ năm 2011, đang nuôi dạy chục đứa con, lớn có nhỏ có. Đứa lớn nhất đã 17 tuổi, đang học lớp 11. Đứa bé nhất đã được 5 tuổi, cô bé bị bỏ rơi bên ngoài cổng làng 4 năm trước trong thùng mì tôm. Em Phan Thị Bích Diễm, đang học lớp 9, vào làng từ năm 2011, cha bị bệnh tâm thần, mẹ bỏ đi, chỉ còn ông bà ngoại tuổi cao sức yếu không thể chăm sóc em. Trở vào làng với bao bỡ ngỡ nhưng thời gian đi qua, em dần làm quen nơi đây với sự bảo bọc, thương yêu của mẹ Đức và các mẹ, dì khác. Đi học về thấy khách tới chơi, em lễ phép chào. Một lát sau, em loay hoay dưới bếp thái rau muống làm thức ăn cho gà. Hằng ngày Diễm và các em trong nhà đều phụ mẹ Đức quán xuyến công việc. Đứa lớn chăm đứa bé.
Mẹ Đức tâm sự: “Những ngày đầu, tôi vụng về lắm. Không biết chăm sóc một đứa trẻ phải bắt đầu như thế nào. Nhưng rồi bản năng phụ nữ đã dẫn dắt tôi để tôi ôm ấp và nuôi nấng chúng. Và thành quả ấy đền đáp tôi đó là lần đầu tiên nghe con gọi 'mẹ'. Cảm giác ngượng ngùng nhưng thật rất hạnh phúc. Dần dần tình cảm đó cứ lớn lên, cho đến bây giờ tôi nghĩ chính tôi đã sinh ra cả chục đứa trẻ ấy chứ không phải những ai đó đã bỏ rơi chúng ngay từ lúc lọt lòng...”.
Các mẹ làm hoa vải để các con tặng cô giáo.
Mẹ Nguyễn Thị Thủy (43 tuổi, quê ở Tây Sơn) vào làng từ năm 2010 đang nuôi bé Nguyễn Bình Minh, bé bị bỏ rơi trước cổng làng năm 2012. “Chăm con nhỏ rất cực, có khi cả đêm thức trắng vì nó khóc, phải hát ru dỗ dành. Nhưng hễ nhìn thấy nụ cười của nó là bao mỏi mệt tan biến”, mẹ Thủy tâm sự.
Khi được hỏi vì sao chọn đến công việc này, mẹ Đức cũng như nhiều mẹ khác thổ lộ ở bên ngoài có thể kiếm được nhiều công việc lương cao hơn nhưng vẫn chọn gắn bó với làng vì yêu thích trẻ nhỏ, mong muốn có một đứa con để yêu thương, quên những tháng ngày hiu quạnh. Điều đặc biệt nhất ở họ chính là vì họ chưa từng lập gia đình nhưng lại tự trói chặt đời mình vào nơi đây, với làng trẻ hàng trăm mảnh đời và hàng trăm số phận. Khi đề cập đến, các mẹ bảo: “Bọn chị chưa ai có chồng. Tất cả đều còn… zin” rồi cười giòn giã. Dường như lấy một tấm chồng đã không còn là điều khiến họ tha thiết và bận tâm nữa...
Chọn gắn bó với làng trẻ em SOS, không ít mẹ vấp phải sự phản đối quyết liệt của gia đình. Có những mẹ còn bị gia đình dọa từ mặt nhưng họ vẫn kiên định ở bên cạnh những đứa trẻ.
Mẹ Lê Thị Ngọc Bích, quê ở Tuy Phước, là một trong số ấy, hiện là người đại diện của làng. “Lúc đầu, đến với công việc này, tôi cũng vì tò mò, cũng từng có ý định rời làng nhưng gặp các con rồi yêu thương không thể dứt”, mẹ Bích trải lòng.
Em Trịnh Thị Mỹ Huy (18 tuổi, vào làng năm 2011), đang học lớp 11, là chị cả trong các bé gái ở đây. Với gương mặt hiền lành, em thỏ thẻ: “Mẹ Bích và các mẹ, các dì ở đây rất tốt. Em rất biết ơn sự chăm sóc của các mẹ. Em sẽ gắng học thật giỏi để sau này giúp đỡ những em có hoàn cảnh giống mình”.
Những phụ nữ chưa một lần sinh nở, họ hiện diện ở làng SOS như những người mẹ thật sự, đảm đang và khéo léo. Gần ngày khai giảng, các mẹ ngồi chung với nhau làm hoa vải để cho các con mình tặng cô giáo. Mẹ Trần Thị Oanh cười tươi: “Tranh thủ tụi nhỏ đang đi học, chúng tôi làm hoa vải để tụi nó tặng các cô. Chứ tiền đâu ra mua món quà khác”.
Đó cũng là một nét đặc biệt của trẻ em trong làng SOS. Chỉ cần thầy cô thấy tặng hoa vải thì biết ngay lũ trẻ ở làng SOS. Mỗi tháng các mẹ đều hỏi thăm cô giáo tình hình học tập của các con ra sao. Âm thầm theo dõi chuyện học và những biểu hiện của con khi ra cuộc sống bên ngoài như thế nào. Họ theo sát từng bước trưởng thành của con mình bằng tất cả sự quan tâm và yêu thương của người mẹ.
Khi được hỏi các mẹ có hay về nhà không thì hầu như đều nhận được chung câu trả lời. Mỗi tháng các mẹ có 2 ngày nghỉ phép nhưng cũng không xa các con được, chỉ khi dưới quê có đám giỗ hay chuyện quan trọng mới về. “Trên tư cách pháp nhân, chúng tôi là mẹ. Nhưng không vì lẽ đó mà chúng tôi phải nguyện gắn bó với làng trẻ. Thật ra khi mình đón nhận chúng ngay từ khi chúng còn đỏ hỏn thì bất luận thế nào mình đã xem như nó là con mình sinh ra rồi nên làm sao chúng tôi đi đâu được khi mà còn canh cánh lo âu và nhớ con như thế?”, mẹ Oanh tư lự, nói.
“Nấu ăn, giặt giũ, chỉ con học, lo từng miếng ăn giấc ngủ, làm tất tần tật cho cả chục đứa, giỏi lắm á!”, mẹ Oanh hài hước nói vậy. Tuy thế nhưng hiếm ai hình dung ra những nỗi vất vả trong công việc hằng ngày của chị và các mẹ ở đây. Chăm nuôi một đứa con đã không đơn giản, họ lại phải cùng lúc coi sóc cả chục đứa trẻ đủ cho thấy họ tảo tần và giàu đức hy sinh thế nào.
Mẹ Oanh tâm sự: “Có những đêm bé nhỏ khóc miết, chị phải thức canh và dỗ dành. Chăm con quả thực không đơn giản, đến cách thay tã cũng phải học. Nhưng giờ thì mọi thứ đâu vào đó rồi. Cũng may, ngoài mẹ còn có các dì, các nhân viên giáo dục, đặc biệt là bác giám đốc luôn tận tình theo dõi tình hình học tập và phát triển của các cháu nên mọi thứ dần đi vào nề nếp”.
Chị vừa dứt lời thì một bé gái bụ bẫm từ đâu chạy lại quấn quýt gọi “mẹ” rồi nhào vào lòng chị ôm hôn không rời. Đó là bé Trần Bảo Yến, cũng là một trường hợp bị bỏ rơi bên ngoài cổng làng năm 2011. Nét mặt chị rạng ngời hạnh phúc xen lẫn niềm tự hào về con mình khiến ai đó nhìn vào không khỏi xúc động. Niềm mong mỏi được làm mẹ, nỗi khát khao có một mái ấm gia đình của những trẻ mồ côi đã kéo gần họ lại với nhau hơn. Để rồi dưới mái nhà SOS Quy Nhơn, họ thật sự đã trở thành một gia đình, lo lắng, quan tâm và san sẻ mọi vui buồn với nhau.
Hiện tại làng SOS Quy Nhơn đang nhận nuôi 141 em đến từ khắp nơi của tỉnh Bình Định. Ngoài những đứa trẻ được nhận có hoàn cảnh gia đình khó khăn, đa phần là những trẻ bơ vơ không nơi nương tựa và bị bỏ rơi.
Ông Nguyễn Xuân Cương, Giám đốc Làng trẻ em SOS, kể lại: “Đứa trẻ sơ sinh đầu tiên bị bỏ rơi trước cổng làng là vào năm 2011. Khi ấy, nhân viên của làng thấy vỏ thùng mì tôm bỏ trước cổng phát ra tiếng khóc của trẻ con, lúc mở ra xem thì đó là một bé gái còn đỏ hỏn. Rất may là bé không sao cả và bây giờ thì thế này đây”, ông Cương đưa tay chỉ tấm ảnh bé gái trắng trẻo, bụ bẫm treo trên tường.
“Từ đó đến nay chúng tôi liên tiếp gặp những trường hợp tương tự. Nhưng có lẽ đau xót nhất là trường hợp một cháu bị bỏ rơi vào ngày đầu năm 2013. Bảo vệ phát hiện cháu nằm ở ngoài cổng làng lúc nửa đêm, trời sương lạnh ngắt và kịp thời đưa vào cho các mẹ, các dì chăm sóc. Nhưng cuối cùng mọi nỗ lực cũng không giữ được tính mạng cho bé. Ngày chôn cất bé, trời mưa sụt sùi. Hình ảnh đó khiến chúng tôi không bao giờ quên được”, ông Cương ngậm ngùi.
Theo Pháp luật TP HCM