Nguyên nhân cái chết của Vua Tutankhamun: Vua Tutankhamun là một trong những vị pharaoh nổi tiếng của Ai Cập dù qua đời khi còn trẻ. Theo ảnh chụp X-quang và chụp cắt lớp CT xác ướp, nhà vua bị thương khá nặng ở xương sườn và bị gãy một chân. Điều này dẫn tới kết luận rằng nhà vua chết do bị một xe ngựa đâm phải. Ảnh: MomJunction.



Tuy nhiên, nhiều giả thuyết khác đã được đưa ra. Nguyên nhân cái chết của Vua Tutankhamun có thể là từ một cú đá của ngựa kéo xe, hay thậm chí từ một vụ tấn công của hà mã. Một số xương sườn của nhà vua đã biến mất, có thể là do vụ tai nạn, cũng có thể là do bị bọn trộm mộ cắt bỏ để lấy đá quý trong lồng ngực. Ảnh: The Independent.



Một giả thuyết thú vị khác của giáo sư Albert Zink dựa trên hơn 2.000 bản quét máy tính và kiểm tra ADN của dòng họ Tutankhamun cho thấy tai nạn xe ngựa là điều khó có thể xảy ra. Lý do là nhà vua bị khoèo chân bẩm sinh. Giáo sư cho rằng Vua Tutankhamun chết trẻ là do cơ thể yếu ớt bẩm sinh (kết quả của hôn nhân nội tộc). Bên cạnh đó, nhà vua còn mắc sốt rét. Tuy nhiên, ngay cả giáo sư Zink cũng thừa nhận ông không thể chắc chắn đó là nguyên nhân vua qua đời. Đến nay, điều này vẫn còn là một bí ẩn. Ảnh: Ancient Origins.



Tên gốc của nhân sư: Suốt nhiều thế kỷ, tượng nhân sư bị chôn vùi dưới cát. Cho tới năm 1817, đầu tượng mới nhô ra khỏi cát. Nhờ nhà khảo cổ Mark Lehner, chúng ta đã biết ai dựng tượng (Pharaoh Khafre), cách xây dựng và thời gian xây dựng (ít nhất ba năm). Ngoài những điều này, tất cả về nhân sư đều còn là dấu hỏi. Ảnh: World-mysteries.



Trước hết, chúng ta không biết người Ai Cập cổ gọi biểu tượng này là gì. “Sphinx” (nhân sư) là một thuật ngữ tiếng Hy Lạp chưa tồn tại vào thời Pharaoh Khafre xây dựng công trình này. Ngoài ra, ý nghĩa thực sự của nhân sư cũng chưa được làm rõ. Thần Ruti của Ai Cập cổ có hình dạng như hai con sư tử gắn liền ở lưng, bảo vệ lối vào thế giới bên kia. Điều này nghe khá giống nhân sư, nhưng bức tượng thiếu đi chiếc đầu thứ hai để có thể khẳng định giả thuyết này. Ảnh: Truth Control.



Xác ướp đau khổ: Xác ướp có mồm mở ra như đang hét lên không phải điều hiếm gặp. Đây là kết quả của nghi lễ đặc biệt giúp các linh hồn ăn, uống và thở dễ dàng hơn khi qua thế giới bên kia. Tuy nhiên, xác ướp có tên "Unknown Man E" được phát hiện năm 1886 gây ấn tượng mạnh do có vẻ như đang thét lên trong đau đớn. Một số nhà nghiên cứu cho rằng người đàn ông này đã bị đầu độc hoặc chôn sống. Số khác cho rằng đây là một hoàng tử người Hittite bị giết. Ảnh: Ancient Origins.



Một giả thuyết khác cho rằng đây có thể là Hoàng tử Pentewere, người bị xử tử do lên kế hoạch ám sát vua cha mình - Pharaoh Ramses III. Đó có thể là lý do vì sao xác ướp bị bọc trong da cừu - dấu hiệu cho thấy người chết đã làm điều xấu xa. Đồng thời, người này không có bia mộ, như thế anh ta không thể sang thế giới bên kia - sự trừng phạt tồi tệ nhất với người Ai Cập cổ. Não của anh ta vẫn ở trong hộp sọ, xác không được làm khô, và nhựa cây được đổ vào họng thay vì trong sọ. Tuy nhiên, đây chỉ là một giả thuyết và chưa có bằng chứng xác thực. Ảnh: Daily Mail.



Số phận của Nữ hoàng Nefertiti: Ngoài Cleopatra, khó có phụ nữ Ai Cập cổ nào nổi tiếng hơn Nữ hoàng Nefertiti. Bà trị vì cạnh Pharaoh Akhenaten suốt nhiều năm trời, cho tới khi đột ngột biến mất. Sau năm 1336 trước Công nguyên, các ghi chép đều không hề nhắc tới chuyện gì đã xảy ra với bà. Chúng ta cũng chưa tìm thấy lăng mộ hay xác ướp của Nữ hoàng. Ảnh: CNN.



Số buồng trong Đại kim tự tháp Giza: Đến nay, chúng ta vẫn chưa biết bên trong kỳ quan cổ đại này có những gì ngoài ba buồng chính của vua, nữ hoàng và sảnh lớn. Gần đây, các nhà khoa học đã áp dụng nhiều phương pháp tiên tiến và phát hiện ra một số buồng mới trong kim tự tháp. Ảnh: ScienceAlert.



Từ năm 1993, nhiều robot nhỏ đã được đưa vào trong kim tự tháp để du lịch khám phá. Chúng đem lại những hình ảnh về các đường hầm bí ẩn chưa từng được phát hiện. Những đường hầm này quá nhỏ cho các mục đích sử dụng thông thường. Tuy nhiên, chúng cho thấy vẫn còn nhiều điều bí ẩn trong kim tự tháp hơn ta tưởng. Ảnh: History.



Hải tộc: Theo bách khoa lịch sử cổ đại Ai Cập, hải tộc là nhóm cướp biển tung hoành khắp Địa Trung Hải. Một trong những mục tiêu chính của chúng là Ai Cập. Ngoài một vài dòng mô tả ngắn gọn, sử sách của Ai Cập không nhắc gì đến những kẻ xâm lăng từ biển này. Tài liệu thời Ramses II có nhắc tới hải tộc. Nhóm người này liên kết với dân Hittite nhưng cũng là lính đánh thuê của Vua Ramses. Ảnh: Pinterest.



Người được chôn ở Qurna: Năm 1908, nhà Ai Cập học Flinders Petrie phát hiện ra một khu lăng mộ hoàng gia. Hai quan tài trong mộ có niên đại trước thời vua Tut khoảng 250 năm. Một xác ướp là phụ nữ và một xác ướp là trẻ em, có thể là con của người phụ nữ này. Cả hai đều đeo trang sức bằng vàng và ngà voi, thể hiện tầm quan trọng của họ. Tuy nhiên, các mô tả trong mộ về thân phận của họ đã bị hư hại nặng, chỉ biết rằng đây là nơi chôn vợ của vua. Ảnh: Artnetnews.



Nhiều phỏng đoán được đưa ra về danh tính của người phụ nữ này. Đó có thể là Ha'ankhes, Nubemhat, hay vợ Vua Rahoptep or Inyotef V. Thông tin về đứa trẻ còn khó xác định hơn. Hai xác ướp này sẽ được trưng bày ở bảo tàng Scotland vào năm 2018. Ảnh: Grunge.

 

 

Theo Zing