Mảnh đất thần thoại "Shangri-La"
Đường từ sân bay đến thủ đô Thimphu của Bhutan không có những biển báo giảm tốc độ, hay các loại cảnh báo như ở nơi khác. Thay vào đó là hàng loạt băng rôn, khẩu hiệu vẽ tay chào đón du khách: “Cuộc đời là một chuyến đi!”, "Hãy để thiên nhiên dẫn đường cho bạn”. Một biển báo ở góc đường gấp khúc thì viết đơn giản “Lấy làm tiếc về sự bất tiện này”.
Những lời chào đón thân thiện như vậy tỏ ra phù hợp hơn với du khách đến thăm vương quốc xa xôi này, nơi có các tu viện cổ xưa, những là cờ phướn bay phấp phới và vẻ đẹp thiên nhiên đáng kinh ngạc. Sau khoảng 40 năm mở cửa biên giới, Bhutan được xem như xứ sở Shangri-La có thật – mảnh đất của sự hạnh phúc vĩnh cửu.
Bắt đầu từ năm 1971, Vương quốc Bhutan đã không còn xem GDP (Tổng sản phẩm quốc nội) là cách duy nhất để đo sự tăng trưởng của đất nước. Thay vào đó, chỉ số Tổng Hạnh phúc quốc gia (Gross National Happiness) mới là thước đo sự thịnh vượng. Đời sống vật chất – tinh thần của người dân, việc bảo vệ môi trường tự nhiên xanh sạch đẹp được đặt lên hàng đầu.
Vẻ yên bình của thủ đô Thimphu
Trong ba thập kỷ qua, nhiều người vẫn cho rằng quan điểm đề cao sự hạnh phúc của ngưới dân hơn việc phát triển kinh tế của Bhutan là một điều kỳ quặc. Tuy nhiên, trong một thế giới bị vây quanh bởi suy thoái kinh tế, bất bình đẳng xã hội và ô nhiễm môi trường thì tư duy của Nhà nước Phật giáo này đang thu hút sự quan tâm từ khắp nơi.
Bhutan được xem là một ví dụ sinh động trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu với thông điệp bảo vệ môi trường là trọng tâm trong chiến lược phát triển đất nước. Thông điệp này không chỉ là lời nói suông mà còn được ghi rõ trong Hiến pháp.
Theo đó, quốc gia nhỏ bé Bhutan cam kết giữ không khí trong lành, đảm bảo 60% diện tích đất nước được rừng cây che phủ và nghiêm cấm bất kỳ hành vi khai thác gỗ xuất khẩu. Chính phủ Bhutan còn khuyến khích hàng tháng đều có ngày toàn dân đi bộ, giảm thiểu khí thải từ các phương tiện cá nhân.
Trong 20 năm qua tuổi thọ trung bình ở Bhutan đã tăng gấp đôi. 100% trẻ em được ghi danh đến trường. Lượng khí thải CO2 của quốc gia này nằm trong top thấp nhất thế giới. Cuộc sống ở Bhutan rất thanh bình, người dân không phải lo ngại tội phạm các loại khi ra đường.
Chìa khóa phát triển bền vững
“Làm giàu từ việc khai thác rừng, đánh cá thì quá đơn giản nhưng chúng tôi tin rằng đó không phải là cách để xây dựng quốc gia thịnh vượng lâu dài. Bảo tồn thiên nhiên, chăm lo cho sức khỏe, hạnh phúc của người dân mới là điều cốt lõi của một đất nước phát triển” – Bộ trưởng Bộ giáo dục Bhutan Thakur Singh Powdyel nói. Ông Powdyel cũng là người rất tâm huyết với khái niệm “Tổng hạnh phúc quốc gia” GNH.
Vị Bộ trưởng này cũng cho rằng dường như thế giới đã hiểu sai định nghĩa về GNH của Bhutan.
“Mọi người luôn hỏi làm thế nào để làm cho người dân hạnh phúc. Nhưng hình như họ đã hiểu sai. GNH là một khát vọng, là kim chỉ Nam dẫn đường cho các chính sách của chúng tôi nhằm xây dựng một xã hội công bằng, phát triển bền vững. Chúng tôi tin rằng thế giới cũng nên đi theo con đường này trước khi quá muộn” – ông Powdyel nói thêm.
Những cánh rừng Bhutan
Tại một trường tiểu học ở Thimphu, hiệu trưởng Choki Dukpa đứng nhìn theo các học sinh đang đến lớp. Cô đã chứng kiến những thay đổi to lớn của các em học sinh kể từ khi chương trình “trường học xanh” được tích hợp vào hệ thống giáo dục cách đây 4 năm.
“Ý tưởng trường học xanh không chỉ có ý nghĩa là bảo vệ môi trường. Trên hết, đó là một triết lý sống” – cô Dukpa nói.
Ngoài việc học môn toán và các môn khoa học, các học sinh ở Bhutan còn được dạy các kỹ thuật nông nghiệp cơ bản cùng cách thức bảo vệ môi trường. Một chương trình quản lý chất thải quốc gia đã được đề ra nhằm đảm bảo tất cả vật liệu dùng tại trường đều có thể tái chế. Âm nhạc và các buổi thiền hàng ngày cũng được đưa vào trường học để giúp học sinh thư giãn, thay cho những tiếng chuông trường ngân vang.
“Một nền giáo dục hiện đại không đặt nặng điểm số mà là làm thế nào để giáo dục trẻ em thành những công dân tốt. Thế hệ tiếp theo của chúng ta sẽ phải đối mặt với một thế giới đang ngày càng đáng sợ hơn với vấn đề biến đổi khí hậu và áp lực xã hội gia tăng. Chúng ta cần phải chuẩn bị cho các em” – hiệu trưởng Dukpa nói.
Khó khăn hiện tại và niềm tin vào tương lai
Dù có những định hướng tập trung vào phúc lợi xã hội đúng đắn nhưng Bhutan đang phải đối mặt với các thách thức nan giải: Đây vẫn là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Một phần tư dân số đang sống dưới mức 1,25$/ngày và 70% dân số không có điện. Đất nước này còn phải vật lộn với sự gia tăng tội phạm, văn hóa băng đảng và áp lực tăng dân số cùng giá lương thực toàn cầu.
Theo đại diện của Bhutan tại Hội nghị Doha về biến đổi khí hậu, mô hình quốc gia hạnh phúc của Bhutan có thể sụp đổ trong tương lai do áp lực ngày càng tăng từ môi trường, xã hội và hậu quả của biến đổi khí hậu.
“Chúng tôi là một quốc gia nhỏ bé, chúng tôi có những thách thức lớn và đang cố gắng hết sức để giải quyết. Nhưng chúng tôi không thể tự cứu lấy môi trường sống của chính mình. Bhutan là một quốc gia miền núi và rất dễ bị ảnh hưởng bởi các điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Hơn nữa, người dân Bhutan phụ thuộc quá nhiều vào canh tác nông nghiệp” – Người đứng đầu cơ quan chống biển đổi khí hậu Thinley Namgyel cho biết.
Tại khu nông nghiệp Paro, người nông dân 53 tuổi tên Dawa Tshering nói rằng thời tiết thay đổi đã ảnh hưởng tiêu cực đến nền nông nghiệp nơi đây.
"Thời tiết thay đổi rất nhiều. Không có tuyết vào mùa đông, những cơn mưa đến không đúng lúc khiến hoa màu bị hư hại. Đôi khi có những cơn bão lớn. Nhiệt độ cao dẫn đến việc có nhiều côn trùng trong trái cây và ngũ cốc. Nếu điều này tiếp tục, chúng ta sẽ gặp phải nhiều vấn đề trong phát triển lương thực, thực phẩm" - ông nói. Khoảng 70% số người Bhutan là nông dân sản xuất nhỏ như ông Tshering.
Khoảng 70% số người Bhutan là nông dân sản xuất nhỏ
Bhutan đang hành động để cố gắng tự bảo vệ mình bằng nhiều chính sách khác nhau nhưng rõ ràng, những nỗ lực của chỉ mình quốc gia này là chưa đủ. Trong khi cả thế giới xem Bhutan như một mô hình phát triển bền vững thì những nỗ lực của đất nước nhỏ bé này có thể trở thành công cốc nếu thế giới không hành động ngay để bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Chặng đường sắp tới không hề đơn giản cho Bhutan. Những cô, cậu học sinh dường như cũng nhận thức được khó khăn mà đất nước nhỏ bé này phải đối mặ trong tương lai. Nhưng trong ánh mắt thơ ngây của những thanh niên ở Bhutan vẫn ánh lên niềm hy vọng. Tất cả chúng đều tự hào là người Bhutan. Chúng muốn học tốt để trở thành kiểm lâm, các nhà khoa học nghiên cứu môi trường hay chỉ đơn giản là muốn đi du lịch khắp nơi, được nghe nhạc Hàn và xem Rambo.
“Em muốn đi nhiều nơi để nhìn ngắm thế giới này và trở về quê nhà, xây dựng đất nước giàu mạnh như vậy. Em nghĩ rằng nên hạn chế người từ khắp nơi đổ về Bhutan quá nhiều vì như vậy có thể làm mai một văn hóa của đất nước chúng em. Nếu không giữ được nền văn hóa của chính mình thì làm sao ta biết ta là ai?” – câu nói đầy chiêm nghiệm thốt ra từ miệng cậu học sinh 15 tuổi trong trang phục truyền thống, với mái tóc như một ca sĩ.
Vương quốc Bhutan là một quốc gia nằm trong lục địa tại Nam Á, lọt thỏm giữa hai cường quốc là Ấn Độ và Trung Hoa. Đất nước nhỏ bé này có diện tích chỉ vỏn vẹn 47.500 km2 và dân số khoảng 750.000 người và vẫn giữ được những nét văn hóa nguyên bản, bảo tồn nguyên vẹn những cánh rừng tuyệt đẹp.
Bhutan là quốc gia duy nhất bảo tồn Phật giáo Kim cương thừa. Quốc giáo của đất nước này là Truyền thừa Phật giáo Đại thừa - Kim cương thừa Drukpa. Ngôn ngữ chính thức là Dzongkha
Dù cuộc sống còn khó khăn nhưng người dân Bhutan luôn hạnh phúc. Theo cuộc khảo sát năm 2005, 97% người Bhutan cho biết họ hạnh phúc với cuộc sống hiện tại và đây cũng là nước duy nhất có thu nhập bình quân đầu người khoảng 2.000 USD trong top 10 nước hạnh phúc nhất thế giới.
theo Đại đoàn kết