Mới đây, bộ phim Ba người chồng của đạo diễn Trần Quả đã gây ấn tượng khi mang về chiến thắng giải Nữ chính xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Kim Tượng lần thứ 38 cho nữ chính. Đề tài Trần Quả thể hiện trong phim gây tranh cãi khi làm về một cô gái điếm mắc bệnh cuồng dâm. Đây là bộ phim cuối cùng trong loạt Kỹ nữ tam bộ khúc mà Trần Quả bắt tay vào thực hiện từ năm 2000.
Trong phim, nữ diễn viên Tăng Mỹ Tuệ Tư vào vai A Muội, một cô gái nhược trí sống cùng hai gã đàn ông già. Sau đó, một chàng thanh niên đồng tính muốn thuê A Muội về để làm đám cưới rồi phát hiện ra người mà anh tưởng là cha vợ hóa ra là chồng của cô.
Mối quan hệ tay 4 trong phim đã khó chấp nhận. Nhưng đạo diễn Trần Quả còn đẩy cao trào của phim lên mức độ cao hơn khi A Muội mắc bệnh cuồng dâm. Cô luôn muốn được quan hệ tình dục. Thậm chí gào thét vì không được làm tình. Ba người chồng không thể thỏa mãn được nhu cầu quá lớn của A Muội vì vậy tìm kiếm khách hàng là người dân lao động đủ mọi tầng lớp cho cô.
Tác phẩm 18+ của Trần Quả có nhiều cảnh khỏa thân, làm tình, cảnh đối thoại tình dục gây sốc. Tuy nhiên, phim được công nhận về mặt nghệ thuật. Ba người chồng từng giành giải thưởng của Hiệp hội phê bình phim Hong Kong lần thứ 25 với hạng mục Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Nữ diễn viên xuất sắc nhất. Phim cũng được đề cử Phim hay nhất tại LHP quốc tế Tokyo lần thứ 31 và nhiều đề cử khác.
Năm 2001, Châu Tấn đóng phim Hong Kong có một Hollywood (Hollywood Hongkong) của Trần Quả. Nhân vật cô gái trẻ Hồng Hồng từ Trung Quốc sang Hong Kong làm kỹ nữ giúp cô nhận được đề cử tại Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại giải Kim Mã lần thứ 39. Tuy nhiên, hai bộ phim này ít cảnh nóng hơn so với Ba người chồng. Cũng nằm trong series phim về gái điếm của đạo diễn Trần Quả, tác phẩm Mùi hương sầu riêng (2000) đã mang về cho Tần Hải Lộ 5 giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại các kỳ LHP ở Hong Kong và Đài Loan.
Tại LHP Kim Mã 2019, một phim 18+ khác tham gia tranh giải là Thục nữ không an phận do Thái Trác Nghiên đóng chính. Nữ ca sĩ 37 tuổi vào vai Tiểu Mẫn, người phụ nữ trẻ cô đơn và thiếu vắng tình dục. Tiểu Mẫn và chồng đã kết hôn được 4 năm, nhưng cô vẫn còn trinh trắng. Sau đó, Tiểu Mẫn gặp gỡ với một đầu bếp trẻ có tên là Gia Hào (Ngô Khang Nhân đóng) cuốn cô vào cuộc phiêu lưu sắc dục kỳ lạ.
Trong phim, Thái Trác Nghiên có những cảnh khỏa thân thủ dâm, cảnh quan hệ cùng với bạn diễn trẻ và cảnh múa cột nóng bỏng. Nữ diễn viên được đánh giá cao nhờ thể hiện tốt sự cô đơn, khắc khoải mong chờ tình yêu của một người phụ nữ có cuộc hôn nhân "đồng sàng dị mộng". Thái Trác Nghiên đã thắng hai giải thưởng dành cho Nữ chính xuất sắc nhất tại Giải bình chọn của khán giả MOVIE6 lần thứ 2 (Hong Kong), ngoài ra, cô còn được đề cử Ảnh hậu tại LHP Kim Tượng 2019, LHP châu Á Osaka.
Đây không phải lần đầu tiên Thái Trác Nghiên tự phá vỡ giới hạn của bản thân để vào các vai diễn gai góc. Năm 2015, Thái Trác Nghiên đóng chính trong bộ phim Sara Sổ kỹ. Trong đó, nữ diễn viên thể hiện vai một cô gái bị cha dượng cưỡng hiếp từ năm 14 tuổi trước sự chứng kiến bất lực của mẹ. Khi đã trưởng thành, Sara không chịu đựng được hoàn cảnh đó nên quyết định bỏ nhà ra đi. Sau đó, cô làm nhân tình cho Cao Hạo Hiền (Nhậm Đạt Hoa đóng) - một cán bộ cấp cao đã có vợ và con trai để có tiền đi học lại.
Bộ phim thể hiện một phần hiện thực của cuộc sống hiện đại. Có rất nhiều người đàn ông đang tìm thú vui bên ngoài gia đình. Nhiều cô gái đang đánh đổi thân xác để đạt được những nhu cầu của bản thân. Nhưng phim được nhìn dưới góc độ nhân văn hơn khi sau này, Sara trở thành phóng viên và giúp đỡ một cô gái cũng bị đẩy vào con đường mại dâm như cô ở Thái Lan. Quan hệ tình cảm của các nhân vật trong phim không khiến xã hội phê phán mà đáng suy ngẫm.
Bộ phim thắng 2 giải Nam/Nữ chính xuất sắc nhất tại LHP quốc tế Macao. Giúp Thái Trác Nghiên nhận được giải Ảnh hậu tại Kim Tượng lần thứ 34, ngoài ra còn nhiều giải thưởng khác.
Bộ phim nghệ thuật Đêm sương mù tại Thiên Thủy Vi (Night and Fog - 2009) của đạo diễn tài năng Hứa An Hoa là một trong hai phần phim về khu Thiên Thủy Vi, Hong Kong. Phần còn lại là Ngày và đêm ở Thiên Thủy Vi được đánh giá là bộ phim đáng xem nhất của điện ảnh xứ Hương Cảng năm 2008 và là tác phẩm giành nhiều giải thưởng nhất tại LHP Kim Tượng lần thứ 28. Night and Fog cũng không kém khi được đề cử Đạo diễn xuất sắc nhất, Nam/nữ chính xuất sắc nhất cho Nhậm Đạt Hoa và Trương Tịnh Sơ tại Kim Tượng lần thứ 29.
Bộ phim dựa trên một câu chuyện có thật về cuộc hôn nhân của cô gái người Tứ Xuyên Trung Quốc là Vương Hiểu Linh (Trương Tịnh Sơ) với người đàn ông Hong Kong là Lý Sâm (Nhậm Đạt Hoa). Vương Hiểu Linh sang Hong Kong làm gái mại dâm gặp gỡ và yêu Lý Sâm. Sau đó, họ quyết định kết hôn và về quê Tứ Xuyên làm đám cưới. Trong lúc gia đình nhà vợ bận rộn chuẩn bị cho hôn lễ, Lý Sâm đã cưỡng hiếp em gái vợ.
Sau khi sang Hong Kong sinh sống, Lý Sâm thất nghiệp ở nhà, Vương Hiểu Linh xin vào phục vụ trong một quán trà nước. Mang trong mình sự hoài nghi ngờ bị phản bội, Lý Sâm vậy nhiều lần bạo hành gia đình, quan hệ tình dục một cách thô bạo với vợ. Vương Hiểu Linh được bạn bè khuyên bỏ Lý Sâm nhưng cô không làm được. Cuối cùng, khi quyết tâm ly hôn, cô bị Lý Sâm giết chết cùng hai con gái song sinh. Tên chồng bạo hành sau đó tự sát.
Một bộ phim nữa cũng lấy chủ đề gái điếm nhưng thuộc thể loại hình sự là Đạp tuyết tầm mai (2016) do Quách Phú Thành và Xuân Hạ đóng chính. Trong đó, Xuân Hạ vào vai cô gái làm nghề mại dâm bị giết một cách dã man, còn Quách Phú Thành là thám tử điều tra vụ việc. Bộ phim phản ánh vấn đề di dân, việc người trẻ hoang mang đối mặt với chính bản thân mình, cũng như việc hình thành nhân cách khi trưởng thành. Tác phẩm này giúp dàn diễn viên thắng được giải Nam/nữ chính xuất sắc nhất, Nam/nữ phụ xuất sắc nhất và nhiều giải thưởng tại các LHP nghệ thuật khác.
Theo Zing