Cuộc khủng hoảng di dân tại các nước Châu Âu vẫn chưa hề có dấu hiệu lắng xuống. Vài ngày trước, sau cuộc bạo loạn giữa người tị nạn và lực lượng cảnh sát xảy ra ở biên giới, Hungary đã mở cửa cho dân tị nạn tiếp tục hành trình tới các nước Tây Âu. Tính đến nay, khoảng vài trăm nghìn người đã hoàn thành tâm nguyện đặt chân đến miền đất hứa, trong khi hàng triệu người khác vẫn sống vất vưởng, tạm bợ ở các trại tị nạn và biên giới các nước như Hungary và Hi Lạp.
Trên chặng đường gian nan này, đã có rất nhiều câu chuyện cảm động về cuộc đời khốn khổ ho, hãy để những tấm ảnh kể cho bạn nghe câu chuyện về những người tị nạn trong cơn khủng hoảng di dân đang diễn ra:
Một người đàn ông Syria đặt con trên chiếc phao cứu hộ sau khi chiếc xuồng cao su chở người tị nạn xì hơi khi chỉ còn cách bờ biển Hi Lạp 100m. Bức ảnh này tượng trưng cho những hiểm nguy mà người tị nạn phải đối mặt khi quyết định mạo hiểm băng qua Địa Trung Hải để tới Châu Âu. Cậu bé Aylan và em trai Galip cùng mẹ cũng đã thiệt mạng trong chuyến đi tới Hi Lạp vì xuồng cao su chở quá tải bị lật khi mới khởi hành không lâu. Cũng trong tuần vừa rồi, gần 40 người đã chết khi đang trên hành trình rời khỏi Thổ Nhĩ Kỳ tới đảo Lesbos, trong đó có 6 trẻ em, nạn nhân nhỏ nhất mới chỉ được 1 tuổi.
Một cô bé dân tị nạn trao bông hoa cho người cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đang làm nhiệm vụ trấn áp dân tị nạn biểu tình vì phải đợi chờ quá nhiều ngày ở ga Esenler tại Istanbul. Hàng nghìn tị nạn buộc phải sống trong cảnh thiếu đồ ăn, thức uống và bệnh dịch sau khi chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ ra quyết định không bán vé xe bus tới biên giới cho họ.
Các tình nguyện viên tại Frankfurt đứng xếp hàng để cung cấp thức ăn, nước uống và thiết yếu phẩm cho người tị nạn đến nước Đức. Ngay sau khi hình ảnh Aylan Kurdi nằm chết sấp mặt trên bãi biển Bodrum của Thổ Nhĩ Kỳ được công bố, thủ tướng Đức Angel Merkel đã thông báo tiếp nhận tất cả dân tị nạn Syria đến với nước này. Ảnh chụp sau khi hơn 10.000 tị dân đổ xô tới xin tị nạn ở Đức, người dân đã tình nguyện cung cấp thực phẩm và quần áo, giày dép, khăn quàng cho người tị nạn, thậm chí trẻ em còn được phát gấu bông miễn phí. Bà Merkel đã trở thành thần tượng trong lòng tất cả người dân Syria, nước Đức cũng được chọn để trở thành mái nhà thứ hai cho những con người khốn khổ này.
Đây là một cặp sinh đôi 8 tháng tuổi người Syria, được bố mẹ đặt vào trong ba-lô mang theo trên chuyến hành trình băng qua biển Địa Trung Hải để tới đảo Lesbos, Hi Lạp. Bố mẹ của cặp sinh đôi đã mạo hiểm tính mạng của chính mình và cả hai đứa con, hi vọng an toàn vượt qua chuyến đi nguy hiểm để có một tương lai tốt đẹp hơn tại các nước Châu Âu trong khi quê nhà vẫn đang xảy ra cuộc nội chiến giữa phe chính phủ và lực lượng nổi loạn, nhà nước Hồi Giáo tự xưng IS. Mỗi chuyến đi của người tị nạn đều là một canh bạc cuộc đời, cửa sống thì ít, cửa chết lại quá nhiều. Tuy nhiên, đối với họ, thà đặt cược tính mạng để các con mình có một cuộc sống yên bình, hạnh phúc, không phải ngày ngày nơm nớp lo sợ sẽ có một quả bom rơi xuống, hay bị trúng đạn trong các cuộc giao tranh; thà một lần vượt qua cửa tử, còn hơn mỗi ngày đều phải đối diện với tử thần.
Cũng giống như chàng trai Aslas ở trên, người đã mang chú chó cưng vượt qua 500km đến với Hi Lạp, đây cũng là một người đàn ông tị nạn có lòng yêu thương động vật. Trước khi rời khỏi quê hương chiến tranh cùng gia đình, anh này đã nghĩ ngay tới việc phải mang theo người bạn nhỏ của mình, cũng chính là chú mèo có tên Zaytouna. Chú mèo được chủ nhân cho nằm vào trong chiếc chăn buộc ngang người như một em bé thật sự. Điều may mắn là Zaytouna không hề tỏ ra sợ hãi trên suốt quãng đường đi và vô cùng ngoan ngoãn, khiến chủ nhân của chú mèo này cũng nhàn hơn rất nhiều.
Chỉ trong vòng 24 giờ sau khi hình ảnh người cha Syria gốc Palestine Abdul Haleem al-Kader bán bút nuôi 3 con trên đường phố Lebanon được nhà vận động từ thiện Gissur Simonarson chia sẻ trên Twitter vào ngày 25/08, hàng chục nghìn cư dân mạng đã cùng nhau quyên góp được 80.000 USD để ủng hộ người cha nghèo tội nghiệp. Số tiền này sau đó đã được Abdul dùng để các con được đi học tại Lebanon và trang trải cuộc sống. Có thể nói trong số 4 triệu người tị nạn đang sống trong cảnh khổ sở tha hương cầu thực, Abdul Haleem al-Kader có lẽ là người tị nạn may mắn nhất.
Theo Trí thức trẻ