Những chi tiết sai sự thật trong ‘Bao Thanh Thiên’ 1993

Bộ phim kinh điển "Bao Thanh Thiên" đã gây ra nhiều hiểu lầm lớn với khán giả.

Bao Thanh Thiên là bộ phim truyền hình cổ trang của Đài Loan được phát sóng vào năm 1993. Bộ phim xoay quanh các vụ án xảy ra đời Bắc Tống được viên quan nổi tiếng Bao Công xét xử. Với những vụ án ly kỳ và diễn xuất ăn ý của dàn diễn viên chính như Kim Siêu Quần (Bao Công), Hà Gia Kính (Triển Chiêu), Phạm Hồng Hiên (Công Tôn Sách), phim đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả.

Tuy nhiên, ít khán giả biết rằng, tác phẩm kinh điển Bao Thanh Thiên cũng có những chi tiết sai lịch sử. 

1. Da của Bao Công có đen không?

Cho dù là tác phẩm kinh điển như Bao Thanh Thiên 1993 hay những phiên bản remake khác, các nhà làm phim đều xây dựng hình ảnh Bao Công có làn da đen như than. Nhiều khán giả đặt ra nghi vấn, da của Bao Công trong lịch sử thật sự có đen như vậy không? Câu trả lời của các nhà sử học là không.

Theo sử sách, Bao Công là người ở Hợp Phì, Lư Châu (nay là thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc). An Huy được coi là tỉnh tiêu biểu cho màu sắc làn da của người Trung Quốc. Người dân bản địa ở đây đều có làn da màu vàng hoặc trắng. Cho nên, rất khó để thời điểm đó xuất hiện một người có làn da đen giống người châu Phi như Bao Công. 

Hình ảnh của Bao Công trong phim là được cường điệu hóa do chịu ảnh hưởng của Kinh kịch và truyền thuyết. Theo truyền thống nghệ thuật của Trung Quốc, nhân vật có mặt đen biểu thị cho sự cương trực, nghiêm túc. Vậy nên theo nhiều vở kịch, người diễn Bao Công đều có làn da đen để thể hiện tính cách của nhân vật này.

2. Ngoài Bao Công ra, các nhân vật khác có thật trong lịch sử không?

Khi xem Bao Thanh Thiên, khán giả đã quá quen thuộc với những cái tên như Công Tôn Sách, Vương Triều, Mã Hán, Trương Long, Triệu Hổ, hay các vật dụng như Tam Khẩu Trảm, Long Đầu Trảm dùng chém đầu quý tộc, Hổ Đầu Trảm dùng để chém đầu quan lại, Cẩu Đầu Trảm dùng chém đầu thường dân…

Theo các nhà sử học, tất cả những chi tiết nổi tiếng này đều không có thật trong lịch sử. Khai Phong phủ của Bao Công không hề có những nhân vật hay sự vật này. Tất cả đều do dân gian truyền tai nhau, thêu dệt tạo nên những tình tiết gay gấn trong Bao Thanh Thiên. Những nhân vật hay sự việc hư cấu này được xây dựng lên nhằm giúp Bao Công trong việc phá án.

3. Những vụ án trong phim đều không có thật tại thời Bao Công làm quan

Theo lịch sử Trung Quốc, Bao Công làm quan vào thời Bắc Tống (960-1127). Những câu chuyện về Bao Công tại thời này đều chưa xuất hiện. Đến thời nhà Nguyên (1271-1368) thì những truyền thuyết về Bao Công mới bắt đầu lưu truyền trong dân gian.

Các nhà sử học Trung Quốc cho hay, những vụ án ly kỳ nổi tiếng trong Bao Thanh Thiên như Ly miêu hoán chúa, Trần Thế Mỹ và Tần Hương Liên… đều không xảy ra vào thời Bắc Tống - triều đại mà Bao Chửng làm quan. Những vụ án này đều lấy cảm hứng từ những câu chuyện tại thời nhà Nguyên và do dân gian thêu dệt nên. Thậm chí mãi đến thời nhà Minh, khi các loại hình nghệ thuật như Kinh kịch phát triển mạnh thì nhiều vụ án khác mới xuất hiện.

Theo Ione


Bao Thanh Thiên

Tin tức mới nhất