Vợ sinh con, chồng được hưởng chế độ thai sản

Từ ngày 1/1/2016, Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực bổ sung nhiều quy định mới có lợi cho người tham gia. Theo đó, lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 5 ngày làm việc trong trường hợp sinh thường; 7 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi; trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc; trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.

Trường hợp trong gia đình chỉ có người cha tham gia (BHXH), thì khi vợ sinh con, cha được trợ cấp một lần bằng 2 tháng lương cơ sở cho mỗi con.

Thay đổi điều kiện hưởng chế độ thai sản


Từ ngày 1/1/2016, điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với trường hợp lao động nữ khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai cũng thay đổi. Theo đó, trường hợp này chỉ cần đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh thay vì phải đóng từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh như trước đây.

Trường hợp lao động nữ đủ điều kiện mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước khi sinh con, nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định hiện hành.

Những chính sách thiết thực nhất với chị em có hiệu lực từ 1/1/2016
Từ ngày 1/1/2016, mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ thay đổi theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

Cụ thể, từ 1/1/2016 đến hết năm 2017, người lao động đóng bảo hiểm xã hội dựa trên mức lương và phụ cấp ghi trong hợp đồng thay vì dựa vào bảng lương như trước đây.

Từ 1/1/2018 trở đi, mức đóng bảo hiểm xã hội được tính dựa trên mức lương, phụ cấp và nhiều khoản bổ sung khác ghi trong hợp đồng lao động.

Trong đó, người lao động sẽ đóng 8% và doanh nghiệp đóng 18%, chiếm 26% lương hàng tháng.

Người mang thai hộ được hưởng chế độ thai sản

Từ 1/1/2016, quy định chế độ thai sản cho người mang thai hộ bắt đầu có hiệu lực. Theo đó, từ thời điểm mang thai cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho người mẹ nhờ mang thai hộ, người mang thai hộ tham gia BHXH được hưởng chế độ thai sản về khám thai, sẩy thai, nạo hút, thai chết lưu, chế độ sinh con… nhưng không vượt quá 6 tháng.

Bên cạnh đó, người mẹ nhờ mang thai hộ tham gia BHXH cũng được hưởng chế độ thai sản từ thời điểm nhận con đến khi con đủ 6 tháng tuổi.

Tăng lương tối thiểu vùng

Theo Nghị định số 122/2015/NĐ-CP do Chính phủ vừa ban hành, có hiệu lực từ ngày 1/1/2016, mức lương tối thiểu vùng sẽ tăng thêm khoảng 250.000-400.000 đồng/tháng so với mức lương trước đó.

Những chính sách thiết thực nhất với chị em có hiệu lực từ 1/1/2016

Cụ thể, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có sử dụng lao động từ ngày 1/12016 như sau: Vùng I: 3.500.000 đồng/tháng; Vùng II: 3.100.000 đồng/tháng; Vùng III: 2.700.000 đồng/tháng; Vùng IV: 2.400.000 đồng/tháng.

Có thể làm khai sinh, kết hôn tại nơi tạm trú

Từ 1/1/2016, Luật hộ tịch mới với nhiều quy định cải cách mạnh mẽ về trình tự, thủ tục đăng ký hộ tịch, tạo thuận lợi tối đa cho người dân bắt đầu có hiệu lực. Đáng chú ý, Luật hộ tịch cũng quy định cá nhân có quyền lựa chọn cơ quan đăng ký hộ tịch cho mình mà không phải phụ thuộc vào nơi cư trú như trước đây. Công dân có thể được đăng ký hộ tịch tại cơ quan đăng ký hộ tịch nơi thường trú, tạm trú hoặc nơi đang sinh sống. Khi đăng ký hộ tịch, người dân được cấp trích lục hộ tịch. Trên cơ sở này, công dân có thể làm khai sinh, kết hôn tại nơi tạm trú.

Theo Afamily/ Tri Thức Trẻ