"Đau như đau đẻ" hay “một cơn đau đẻ bằng gãy 20 chiếc xương sườn cùng một lúc” là những câu nói ám ảnh rất nhiều phụ nữ trong quá trình mang thai. Chính vì sợ đau, để đảm bảo an toàn khi sinh nở và vì nhiều lý do khác nhau mà nhiều bà mẹ và gia đình đã không ngần ngại đề nghị bác sĩ được sinh mổ.
Tuy nhiên, ít ai biết rằng, sinh mổ có ảnh hưởng rất lớn đến cơ thể người mẹ trong và sau khi sinh. Không chỉ là vết sẹo dài nơi vùng bụng mà mẹ sau sinh mổ còn có nguy cơ mắc nhiều biến chứng hơn so với sinh thường.
Nhằm tuyên truyền, khuyến khích các mẹ bầu chỉ lựa chọn sinh mổ khi thực sự cần thiết, tháng 4 hàng năm đã được Tổ chức International Cesarean Awareness Network (ICAN) chọn làm tháng nâng cao nhận thức về sinh mổ.
Theo Ths.BS Vũ Văn Khanh, Phó trưởng khoa đẻ, Bệnh viện Phụ Sản Trung Ương, tỉ lệ sinh mổ tại viện chiếm khoảng 40%. Và nhằm nâng cao nhận thức của mọi người về sinh mổ cũng như hưởng ứng tháng hành động này, trong mỗi ca sinh, anh cùng các y bác sĩ đều cố gắng thuyết phục bệnh nhân sinh thường khi có thể, chỉ sinh mổ khi có nhiều yếu tố nhỏ kết hợp thành một yếu tố lớn gây nguy hiểm cho sản phụ.
Ths.BS Vũ Văn Khanh – Phó trưởng khoa đẻ, Bệnh viện Phụ Sản Trung Ương.
Với hơn 10 năm chào đón nhiều “thiên thần nhỏ” bằng phương pháp mổ, “trực chiến” những ca đẻ mổ có thể nguy hiểm đến tính mạng mẹ và con, hơn bao giờ hết anh hiểu những lợi ích và cả những khó khăn của phương pháp này.
Bác sĩ bó tay khi sản phụ hỏi “Mai sau con em tóc có xoăn như bác không?”
Đưa đôi mắt nhìn về phía phòng mổ cùng với gương mặt trầm tư suy nghĩ, bác sĩ Khanh tua lại thước phim của cuộc đời mình 12 năm trước, khi anh đang học bác sĩ nội trú, được thực hiện ca sinh mổ đầu tiên với bệnh nhân được chỉ định sinh mổ vì mẹ thấp.
Và đến bây giờ, dù 12 năm đã trôi qua, dù đã thực hiện không biết bao nhiêu ca sinh mổ nhưng anh vẫn nhớ mãi tâm trạng hồi hộp khi được gọi lên chuẩn bị thăm khám bệnh nhân trước mổ và niềm hạnh phúc rạng rỡ của ca sinh mổ đầu tiên thành công.
“Khi gọi lên chuẩn bị thăm khám bệnh nhân trước mổ, trong lòng tôi vô cùng hồi hộp, không biết mổ thế nào, có an toàn cho bệnh nhân không, rồi có nhưng rủi ro khi mổ giải quyết thế nào?
Thế nhưng, tôi được một bác sĩ ở viện và các anh chị đi trước hướng dẫn, cầm tay chỉ việc cho mổ nên tâm trạng cũng vơi bớt và rồi sau khi cầm dao mổ, lấy được em bé ra khỏi bụng mẹ, em bé cất tiếng khóc chào đời là niềm hạnh phúc vô cùng, trong lòng tôi tim đập hồi hộp. Đó cũng là dấu ấn đầu tiên trong nghề cầm dao mổ của tôi”, bác sĩ Khanh tâm sự.
Bác sĩ Khanh cùng các ê kíp bác sĩ trong ca mổ bắt lấy thai.
Hơn 12 năm làm bà đỡ, “đi chăm vợ người ta”, thực hiện nhiều ca mổ, đối với anh mỗi ca mổ đều để lại một dấu ấn, kỷ niệm khó quên trong cuộc đời làm nghề, từ những ca mổ đơn giản đến phức tạp.
Anh đã từng “bó tay” không biết trả lời sau khi sau ca mổ thành công, bệnh nhân hỏi: “Mai sau tóc con em có xoăn như tóc bác sĩ không?” hay “cân não” xử lý những ca mổ phức tạp đứng trên bờ vực cuộc sống của cả mẹ và con, rồi trăn trở suy nghĩ làm sao có thể làm tốt nhất cho những sản phụ được hỗ trợ sinh sản IUI, IVF, không gặp thêm những khó khăn nào nữa trong quá trình chuyển dạ, sinh mổ để chào đón con yêu an toàn.
"Riêng ngành sản nếu xử trí không kịp có thể đe dọa đến tính mạng cả mẹ và con tức là 2 bệnh nhân, 2 cá thể sống không phải là một".
“Những ngày đi trực có những ca sinh mổ vô cùng phức tạp, đứng trên bờ vực của cuộc sống mẹ và con. Bản thân chúng tôi trước khi cầm dao mổ đã nghĩ rằng có thể mẹ gặp nguy hiểm, còn con có thể bảo toàn tính mạng, thế nhưng chúng tôi vẫn cố gắng làm hết sức, nhanh nhất có thể để em bé cất tiếng khóc chào đời, để mẹ được an toàn.
Và niềm hạnh phúc không có từ ngữ nào mô tả được sau khi nhìn thấy cả mẹ và con được ra viện. Đó là những trường hợp để lại dấu ấn trong tôi, có những bệnh nhân đến giờ tôi vẫn nhớ tên tuổi và sau hàng chục năm rồi vẫn bế con đến nhà tôi chơi vào mỗi dịp Tết đến”, bác sĩ Khanh chia sẻ.
Mỗi ca mổ đều được anh và các bác sĩ cân nhắc kỹ lưỡng, luôn cố gắng để sản phụ có thể sinh thường.
Cố gắng thuyết phục bệnh nhân sinh thường trong trường hợp có thể
Bác sĩ Khanh cho biết, hiện nay tỉ lệ sinh mổ ở bệnh viện Phụ sản Trung Ương chiếm khoảng 40%, tuy nhiên trong quá trình làm sản khoa, anh và các bác sĩ đều dựa trên tinh thần cố gắng theo dõi để sản phụ sinh thường và chỉ mổ đẻ khi nào không có khả năng đẻ đường dưới. Đặc biệt, khi gặp những trường hợp đặt lên bàn cân 50/50 giữa sinh thường và sinh mổ hay những bệnh nhân hiếm muộn quá mong con không cần phải sinh mổ, anh vẫn cố gắng theo dõi, thuyết phục để bệnh nhân sinh thường.
“Những trường hợp đặt lên bàn cân 50/50 giữa sinh thường và sinh mổ, chúng tôi đều có chế độ theo dõi, chăm sóc đặc biệt hơn để nếu có phát sinh bất thường sẽ để bệnh nhân sinh mổ. Tuy nhiên, trên lĩnh vực chuyên môn, tôi khuyến cáo các bà mẹ cố gắng theo dõi sinh thường với tỉ lệ cao nhất.Hiện nay, nhiều cơ sở sản khoa đã được triển khai kỹ thuật giảm đau trong và sau đẻ nên ngày xưa các cụ có câu “mang nặng đẻ đau” thì bây giờ là “mang nặng đẻ không đau”, bác sĩ Khanh cho hay.
Niềm hạnh phúc của các bác sĩ sản khoa là khi nghe tiếng khóc chào đời của em bé và thực hiện ca mổ thành công an toàn cả mẹ và con.
Làm ngành sản nói riêng và ngành y nói chung, hơn bao giờ hết anh hiểu tầm quan trọng của mình đối với bệnh nhân, đặc biệt là ngành sản bởi nếu xử trí không kịp thời có thể đe dọa tính mạng cả mẹ và con. Chính bởi vậy, trước mỗi một tình huống nguy hiểm, trước mỗi ca cấp cứu, bản thân anh không nghĩ làm thế nào để an toàn cho mình nhất mà luôn nghĩ làm thế nào để cứu được bệnh nhân trong tình huống khó khăn, éo le nhất.
Dẫu nghề y là một nghề khó khăn, vất vả, nhưng đối với anh và nhiều bác sĩ khác, nụ cười bệnh nhân, tiếng khóc chào đời của các thiên thần nhỏ chính là niềm hạnh phúc tuyệt vời nhất, món quà ý nghĩa nhất mỗi ngày của mình.
Theo Khám Phá