Hãy tưởng tượng đơn giản thế này thôi: Một chiều nọ, bạn đi cùng một người bạn vào một tòa nhà cũ. Khung cảnh cũ kĩ và u ám của căn nhà khiến bạn không khỏi rợn tóc gáy.
Khung cảnh mà bạn đang bước vào...
Bỗng nhiên bạn nhận ra chỉ còn lại một mình. Bạn hớt hải gọi tên người bạn và chạy đi tìm. Chẳng may. bạn trượt chân và ngã xuống tầng hầm tranh sáng tranh tối.
Rồi khi mắt quen dần với điều kiện ánh sáng mới, bạn nhận ra mình bị bủa vậy bởi rất nhiều người mặc bộ đồ bệnh nhân màu trắng đang bò lại gần bạn với nụ cười không thể kinh dị và điên loạn hơn.
Bạn la hét và chạy bằng những sức lực lớn nhất có thể. Nhưng đôi chân đã bị tóm, rồi đôi tay cũng bị túm chặt, rồi cả người cũng bị bủa vây.
Ác mộng! Chỉ có danh từ này mới miêu tả đầy đủ nỗi sự hãi tột cùng của bạn khi bạn phải chấp nhận thực tế là bạn đã bị... lạc vào bệnh viện tâm thần.
Câu chuyện giả tưởng mà bạn vừa cùng tôi trải qua đơn giản để bạn hiểu về cảm giác khi bước chân vào một trong những nơi đáng sợ nhất - viện tâm thần.
"Địa ngục còn vui sướng hơn". Hình minh họa.
Tất nhiên, sẽ có nhiều ý kiến khác nhau về bệnh viện điều trị bệnh nhân đặc biệt này, nhưng xét cho cùng, với những bác sĩ làm việc tại đây, tinh thần của họ đã được tôi luyện thành thép, để ít ra họ còn "chịu" được những câu chuyện có thực kinh dị trong viện tâm thần trên thế giới.
Điên loạn, hành động lúc tỉnh, lúc mê... là những gì mà người ngoài dễ nhìn thấy ở những bệnh nhân vì ám ảnh những ký ức kinh hoàng tuổi thơ, hay phải trải qua những cú sốc tinh thần quá ngưỡng chịu đựng. Tất cả... khiến họ phát điên!
Nhiều đạo diễn phim kinh dị đã lấy đề tài viện tâm thần để làm nên những thước phim ám ảnh người xem.
Alfred Hitchcock - Một trong những đạo diễn lớn nhất của lịch sử điện ảnh. Tên tuổi ông
gắn liền với thể loại phim "toát mồ hôi lạnh".
gắn liền với thể loại phim "toát mồ hôi lạnh".
Và, họ không đơn giản làm phim để tạo nên những pha gay cấn, nghẹt thở cực kỳ đáng sợ, điều mà các nhà đạo diễn tài ba muốn là truyền tải những thông điệp sâu sắc về cuộc sống đến người xem.
Đó có thể là những sản phẩm của trí tưởng tượng phong phú, nhưng cũng là những tác phẩm được dệt nên từ những câu chuyện có thật.
Dưới đây là 3 trong rất nhiều câu chuyện có thật như thế:
Câu chuyện thứ nhất
Một ngày, tại một bệnh viện tâm thần, người ta tiếp nhận một nữ bệnh nhân có những biểu hiện khác thường sau khi chứng kiến cảnh cả gia đình chết trong một vụ hỏa hoạn.
Trước khi đưa vào phòng kiểm tra, người phụ nữ trung niên ấy vẫn rất lịch sự, cư xử nhã nhặn Nhưng, "cơn ác mộng" bắt đầu xảy ra khi người ta đưa bà vào làm xét nghiệm, bà bắt đầu la hét và điên loạn.
Người phụ nữ mất gia đình ấy tìm mọi cách để không cho các bác sĩ đụng vào người rồi cầu xin họ thả bà về để cứu người thân khỏi đám cháy kinh hoàng.
Hình minh họa.
Khi không được đáp ứng yêu cầu, bà bắt đầu nguyền rủa cả ekip bác sĩ rồi tự cào cấu mặt mình trong cơn điên. Lúc sau, các bác sĩ mới khống chế được người bệnh và tiêm cho bà một mũi an thần.
Cú sốc quá lớn sau khi chứng kiến cảnh gia đình chìm trong ngọn lửa đã "sinh" ra những cơn hoảng loạn và cuồng nộ trong con người bà, nhưng rồi, chính cú sốc đó lại "kết thúc" cuộc đời của bà ngay trong bệnh viện.
Sáng hôm sau, người ta phát hiện xác bà dưới nền nhà lạnh. Trên gương mặt còn in nỗi xót xa, cay đắng.
Câu chuyện thứ hai
Đây được xem là trường hợp "bị ám" gây kinh hoàng nhất trong viện tâm thần. Câu chuyện kể về một người phụ nữ trẻ tên Jane bị đưa vào viện với những biểu hiện điên loạn, khó hiểu.
Hình minh họa.
Đặc điểm mà người ta dễ nhận thấy ở nữ bệnh nhân này nhất chính là nét mặt nghiêm trọng, như đang chăm chú lắng nghe điều gì đó.
Vào một đêm, các bác sĩ nghe thấy tiếng hét kinh hoàng của nữ bệnh nhân phòng số 426 (của Jane). Họ tức tốc đi kiểm tra và nhìn thấy Jane đứng trước phòng và nở nụ cười không tiếng đầy ranh mãnh.
Khi được hỏi có chuyện gì, Jane điềm tĩnh nói trong khi lắc lư người: "Điều gì khiến các người nghĩ ta là Jane?".
Mọi chuyện sẽ chẳng có gì đáng chú ý sau khi các bác sĩ khống chế và tiêm cho Jane liều thuốc an thần.
Nhưng, đến sáng hôm sau, người ta bàng hoàng phát hiện thi thể Jane nằm trong vũng máu. Cơn điên loạn phát tác lúc nửa đêm đã khiến nữ bệnh nhân tự cào cấu cơ thể và bật móng tay móng chân cho đến chết!
Câu chuyện thứ ba
Hẳn những người nghe xong câu chuyện này sẽ không khỏi chua xót, phẫn nộ. Câu chuyện kể về việc một bé gái đang tuổi lớn bị lạm dụng tình dục.
Hình minh họa.
Vào một chiều nọ, nữ y tá đưa cô bé vào nhà tắm để tắm rửa cho cô. Đột nhiên, cô bé ngã xuống nhà tắm và co giật liên tục.
Cơn hốt hoảng của y tá chưa hết thì nỗi bàng hoàng, xót xa kéo đến khi cô chứng kiến cảnh tượng mình chưa từng thấy trong 10 năm làm việc tại viện tâm thần: Cô gái bò đến và liếm chân nữ y tá với thái độ phục tùng rồi nói: "Con luôn sẵn sàng, thưa bố!".
Thì ra, cô gái nhỏ bị người bố lạm dụng tình dục từ nhỏ. Mỗi khi thay đồ, ký ức kinh hoàng đó lại trỗi về hành hạ tâm hồn cô gái nhỏ, kèm theo đó là phản xạ phục tùng đã thành thói quen.
Tạm kết
Đây chỉ mới là 3 trong rất nhiều câu chuyện đời của số ít bệnh nhân viện tâm thần. Có lẽ, nếu chỉ nhìn bề ngoài thôi, cảm giác của bạn là sợ hãi và tránh xa.
Nhưng khi hiểu được nỗi đau về thể xác, tâm hồn; những ký ức kinh hoàng gây ám ảnh thời tuổi thơ; hay những cú sốc đau đớn đến tột đỉnh mà tất cả họ phải trải qua, tôi tin, tất cả chúng ta đều dễ dàng thấu hiểu, chia sẻ.
Vì trước khi phải vào viện điều trị, họ cũng trong sáng, vui tươi và yêu đời như bất cứ ai trong chúng ta.
"One life to live"....
Bởi vậy, hãy thêm yêu cuộc sống này, bạn nhé! Chúng ta nếu cứ mải miết đi tìm cuộc sống nơi xa vời mà không biết trân trọng những điều tốt đẹp ngay trước mắt, thì quả là phung phí quỹ thời gian của cuộc đời, phải vậy không?!
Hãy "tranh thủ" yêu mình, yêu người và yêu đời, bạn của tôi!
Theo Tri thức trẻ