Thời gian qua, một số cụ già bị kẻ giả danh công an gọi điện dọa liên quan đường dây ma túy, rửa tiền, nợ ngân hàng... Họ đã lo sợ, làm theo lời kẻ lừa đảo dẫn đến mất hàng chục tỷ đồng.
Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) vừa cho biết, đang điều tra, thụ lý đơn tố giác của bà T. (77 tuổi, ở quận Tây Hồ) về việc bị chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, bà T. nhận được cuộc gọi điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) nói bà đang nợ ngân hàng 63 tỷ đồng. Do lo sợ, bà T. đã chuyển khoản 6 lần với tổng số tiền gần 18 tỷ đồng cho đối tượng.
Nhiều cụ già bị kẻ giả danh công an lừa đảo. Ảnh minh họa: Bing
Công an quận Hà Đông (Hà Nội) cũng đang điều tra vụ giả danh công an, lừa đảo chiếm đoạt của bà P. (SN 1956, ở quận Hà Đông) với số tiền 15 tỷ đồng.
Theo bà P., vào ngày 5/4, bà nhận được cuộc gọi điện thoại của người tự xưng là công an. Đối tượng nói, căn cước công dân của bà liên quan đến đường dây buôn bán ma túy, rửa tiền, nếu bà P. không chứng minh được mình không liên quan thì vài ngày nữa sẽ bị bắt giam.
Quá lo sợ nên bà P. chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng để xác minh. Bà đã chuyển khoản 32 lần với tổng số tiền 15 tỷ đồng.
Khoảng 1 năm trước, ông L. (71 tuổi, một đại gia ở TP.HCM) cũng liên tiếp nhận cuộc gọi có hình ảnh từ những người tự xưng cán bộ, thiếu tướng Bộ Công an. Khi làm theo hướng dẫn của những đối tượng giả danh này, ông L. mất gần 15 tỷ đồng.
Xa hơn, vào tháng 3/2022, một giáo sư (83 tuổi, ở Hà Nội) mất 750 triệu đồng sau chuỗi ngày bị kẻ giả danh công an "khống chế" tâm lý qua điện thoại.
Từ những vụ việc trên, câu hỏi đặt ra là: Điều gì khiến các giáo sư, đại gia, những người từng trải... vẫn "sập bẫy" lừa đảo qua những cuộc điện thoại?
Tuyệt đối không làm theo yêu cầu chuyển tiền online
Nói về vấn đề nêu trên, luật sư, chuyên gia tâm lý tội phạm Ngô Huỳnh Phương Thảo (Công ty Luật TAT Law Firm) cho biết: “Giáo sư, đại gia, người già... họ chỉ biết chuyên ngành mà họ quan tâm, không hiểu biết hết mọi vấn đề của cuộc sống.
Chính vì thế, không khó hiểu khi họ trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo. Đặc biệt, những người già thường hay thờ ơ với nguy cơ an ninh, an toàn của mình cho đến khi trở thành nạn nhân của tội phạm”.
Bộ Công an liên tục khuyến cáo người dân về các thủ đoạn lừa đảo giả danh nhưng vẫn có nhiều người sập bẫy. Ảnh: T.L
Để bảo vệ được mình, chuyên gia tội phạm học cho biết, mọi người cần thường xuyên cập nhật tình hình thời sự, an ninh trật tự, nắm được các phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo, lúc đó mới có thể nhận diện và biết cách phòng tránh.
Luật sư Thảo cũng nhấn mạnh, bất kỳ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo. Chính vì vậy, chỉ những người hiểu chuyện gì đang diễn ra trong xã hội và đọc các khuyến cáo, cảnh báo từ các cơ quan chức năng mới có thể tự bảo vệ được túi tiền của mình.
Chuyên gia tội phạm học khuyến cáo, lực lượng chức năng không bao giờ làm việc thông qua điện thoại và mạng xã hội.
Khi làm việc, xác minh, điều tra với các cá nhân, họ cử cán bộ đến làm việc trực tiếp hoặc có văn bản thông báo, triệu tập gửi đến chính quyền địa phương, thân nhân gia đình và người mà cơ quan công an muốn làm việc.
Người dân và đặc biệt là những người già cần đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi điện thoại từ người lạ. Họ có thể tự xưng là cán bộ các cơ quan Nhà nước và các cơ quan tư pháp, tiến hành tố tụng hình sự, để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại.
Bên cạnh đó, các đối tượng lừa đảo có thể giả danh nhân viên ngân hàng, bưu điện, bảo hiểm, thanh tra, hải quan... yêu cầu nhận tiền, quà bưu phẩm có giá trị lớn hoặc đóng các khoản phí, trả các khoản nợ không xác định.
Khi nhận các cuộc điện thoại có dấu hiệu nêu trên, người dân cần bình tĩnh, không lo sợ, nhanh chóng liên hệ với người thân, bạn bè để được tư vấn. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất.
Theo Vietnamnet