Bánh đậu xanh Hải Dương
Ra đời vào đầu thế kỷ 20 tại thị xã Hải Dương, bánh đậu xanh đã sớm trở thành sản vật đặc trưng nhất của Hải Dương, một vùng đất nhỏ bé ở đồng bằng sông Hồng. Bánh đậu xanh không quá cầu kỳ mà thật giản dị, mộc mạc nhưng lại chứa đựng hương vị nồng nàn của miền quê Bắc Bộ.
Để làm bánh phải dùng bằng bột đậu xanh nguyên chất, hương thơm thuần khiết không vướng mùi hương liệu công nghiệp. Bánh ngon làm bằng bột ướt, có trộn mỡ, đường vừa phải để tạo độ ngọt thanh và phải béo ngậy, thơm mùi đậu xanh. Thưởng thức bánh đậu xanh ngon nhất là cùng với chén nước chè Thái Nguyên. Vị ngọt béo của bánh với vị chát, ngăn ngắt đắng của trà làm tôn lên vị ngon của bánh đậu xanh. Nhấm một miếng bánh và một ngụm trà, sẽ cảm nhận được vị ngọt thanh và hương thơm nhẹ nhàng của bánh lan toả.
Rượu cần Hòa Bình
Rượu cần của người Mường ở tỉnh Hòa Bình là một loại đồ uống truyền thống được sản xuất theo kinh nghiệm bí truyền và trở thành đặc sản của vùng. Rượu cần được dùng trong những dịp lễ hội, ngày Tết cổ truyền, hoặc đám hiếu hỷ có đông người tham dự ở các bản làng của đồng bào Mường. Thời gian gần đây, theo chân những du khách, rượu cần trở thành một loại đồ uống được mọi người ưa chuộng ở những thành phố lớn.
Bánh Phu Thê - Đình Bảng
Được gói bằng những tấm lá dong giản dị, rồi luộc lên, bánh phu thê không khoe mùi tỏa hương như bánh rán, bánh khúc. Chỉ tới khi bóc bánh đặt lên đĩa sứ người ta mới thật sự ngỡ ngàng. Dưới lớp vỏ bánh sắc vàng trong suốt, nhân bánh hiện ra. Ngoài đỗ xanh đãi sạch vỏ đã được hấp chín đánh tơi, người ta còn cho thêm đường trắng, cùi dừa, hạt sen và các hương ngũ vị.
Triết lý ngũ hành cũng được thể hiện một cách tinh tế qua năm màu của bánh, đó là mầu trắng của bột lọc và cùi dừa, mầu vàng của dành dành và nhân đỗ, màu đen của hạt vừng, màu xanh của lá, màu đỏ của lạt buộc. Tất cả như biểu tượng cho sự hòa hợp của đất trời và con người.
Cốm Vòng Hà Nội
Nói đến cốm Vòng phải là thứ cốm dẹt, màu xanh non làm từ nếp cái hoa vàng vừa qua kỳ đổ sữa. Nghề làm cốm cũng lắm công phu. Khi cây lúa hoe hoe vàng, chỉ mười ngày nữa là gặt rộ là lúc người làng Vòng đi chọn ngắt từng bông dài, hạt mẩy về chế biến. Muốn cốm ngon thì phải cắt lúa đúng lúc. Lúa già hạt cốm không còn xanh, cứng và gãy nát. Lúa non quá, hạt cốm bết vào vỏ trấu, nhão mất ngon. Thường lúa gặt hôm nào đem rang và giã cốm hôm đó. Nghề làm cốm vất vả nhất là công đoạn rang lúa. Rang lúa sao cho vừa lửa, hạt cốm chín tới, không giòn mà tróc trấu. Giã cốm bằng loại cối riêng, nhịp chày nhẹ và đều, sao cho cốm mịn và dẻo.
Cốm được gói vào lá sen già ấp ủ hương hoa sen tinh khiết hoặc lá khoai ráy xanh non, bóng nõn mỡ màng, và buộc bằng những sợi rơm vàng. Để ăn cốm người ta không dùng bát mà phải bốc từng dúm cốm nho nhỏ đựng trong lá sen, nhai cốm phải thật chậm rãi để cảm nhận vị ngọt thơm thoang thoảng của lúa nếp non và hương sen ngan ngát.
Thịt dê Ninh Bình
Ninh Bình nổi tiếng với cố đô Hoa Lư, thắng cảnh Tam Cốc, Bích Động, nhà thờ đá Phát Diệm... Nhưng nếu du khách đến đây chưa ăn món thịt dê thì coi như chưa biết thấu đáo về Ninh Bình.
Thịt dê Ninh Bình ngon hơn các vùng khác vì hai lẽ: dê ở đây nuôi trên núi đá, ăn đa dạng các loại lá cây nên thịt săn chắc hơn so với dê thả đồi. Thứ hai, người Ninh Bình có bí quyết riêng, biến dê thành món đặc sản nổi tiếng. Đặc biệt món tái dê làm rất khéo, thịt ngọt và giòn, ăn với các loại rau thơm như lá đinh lăng, lá mơ, lá sung... vị bùi bùi sẽ ngấm vào tận tâm can của người thưởng thức.
Chả cá Lã Vọng- Hà Nội
Chả cá Lã Vọng là tên của một đặc sản Hà Nội. Đây là món cá tẩm ướp, nướng trên than rồi rán lại trong chảo mỡ, do gia đình họ Đoàn tại số nhà 14 phố Chả Cá (trước đây là phố Hàng Sơn) trong khu phố cổ giữ bí quyết kinh doanh và đặt tên cho nó như trên.
Cá làm chả thường là cá lăng tươi. Đây là loại cá ít xương, ngọt thịt và thơm. Đặc biệt nhất và cũng hiếm hoi là chả làm từ cá Anh Vũ, bắt ở ngã ba sông Bạch Hạc (Việt Trì - Phú Thọ). Không có cá lăng thì có thể dùng đến cá nheo, cá quả, nhưng cá nheo thì thịt bở hơn và cá quả thì nhiều xương dăm hơn nên không ngon bằng cá lăng.
Nem nắm Giao Thủy - Nam Định
Nem ở Việt Nam đa dạng về chủng loại, phong phú về cách chế biến và thưởng thức nhưng cái thứ nem khiến con người ta mê mẩn đến “quên cả lời em dặn dò” ấy thì chỉ có thể là nem nắm trong câu ca dao: “Tay cầm bầu rượu, nắm nem”. Và thứ nem nắm đó chính là đặc sản của mảnh đất duyên hải thuộc trấn Sơn Nam Hạ là huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định ngày nay.
Nem nắm Giao Thủy cầu kỳ ở khâu chế biến, chính vì thế những người làm nem giỏi cũng thuộc hạng nghệ nhân, được ca tụng qua câu tục ngữ “Tay nem, tay chạo”. Nem làm bằng thịt lợn nhưng đó phải là thịt nạc mông ngon của con lợn khỏe mạnh, không nuôi bằng cám tăng trọng. Nguyên liệu làm nên mùi thơm chủ đạo của nem là thính. Thính phải được làm từ gạo tám thơm Hải Hậu bằng cách ngâm gạo qua đêm, để ráo nước rồi đem rang đến khi gạo có màu vàng ngà ngà rồi đem nghiền mịn.
Bún cá Hải Phòng
Bún cá Hải Phòng là sự kết hợp nhuần nhuyễn hải sản và những sản vật từ đồng ruộng. Cá trong bát bún gồm: chả cá và cá rán xắt khúc. Chả cá tạo ra hương vị đặc biệt nhất cho món bún này, đồng thời nó cũng là thành phần quan trọng để quyết định sự ngon miệng của bát bún. Chả cá phải được làm bằng cá thu, thịt cá được lọc ra giã nhuyễn với thì là, hạt tiêu, kèm một chút bột nghệ cho ngon mắt... Cùng với chả là miếng cá xắt khúc chỉ dày khoảng một đốt ngón tay làm từ cá đồng, thường là cá trôi, cá trắm. Nét tinh tế của ẩm thực thể hiện rất rõ ở thịt cá đồng ngọt lại không tanh. Nước dùng phải được ninh bằng xương ống lợn với nước luộc xương cá biển mới ngọt và có mùi đặc trưng.
Ăn bún cá không thể quên rau muống thái nhỏ, rổ rau sống ngon nhất là vào mùa đông với đầy đủ xà lách, kinh giới, húng... Món bún cá tuyệt vời ở chỗ không đem lại cảm giác no ngấy cho người ăn. Vì vậy, sau mấy ngày Tết bún cá được bày bán ở khắp các phố ở Hải Phòng. Nó được coi như món ăn để át đi vị thịt mỡ của những ngày Tết.
Cháo ấu tẩu Hà Giang có vị béo ngậy, thơm, cay và đặc biệt là đắng, vị đặc trưng của củ ấu tẩu. Khi mới ăn bạn sẽ cảm nhận thấy một vị đắng bùi, khó nuốt, nhưng chỉ vài ba thìa đã thấy ngọt miệng, ăn nhiều còn có thể sinh nghiện. Nếu có dịp đến Hà Giang, bên cạnh thắng cố, rượu ngô, tam giác mạch... bạn hãy nhớ ghé chợ phiên ăn bát cháo ấu tẩu.
Bát cháo ấu tẩu ban đầu chỉ được biết đến như món cháo giải cảm của đồng bào dân tộc Mông. Sau này, người dân Hà Giang thêm một số gia vị, phụ gia khác, nấu thành món cháo "đặc sản" của xứ sở mờ sương, ăn ngon miệng lạ lùng.
Chả Mực Hạ Long - Quảng Ninh
Phải nếm thử chả mực của Hạ Long bạn mới cảm nhận được đúng nhất hương vị tuyệt vời của món ăn này. Để có sản phẩm ngon, nguyên liệu để làm chả mực phải là mực mai, loại to, tươi sống. Nguồn nguyên liệu này được các cơ sở làm chả mực giã tay chọn mua rất kỹ lưỡng, sau đó loại bỏ mai, râu đen, da, ruột và bầu mực... rồi rửa thật sạch và thấm khô. Mực được bỏ từng miếng một vào cối và giã bằng tay. Có miếng được giã hơi rối, vừa đủ để bắt dính. Sau khi hoàn thành khâu giã, chả mực được nặn thành từng miếng rồi rán vừa lửa và để khô.
Món chả mực ngon nhất vẫn là dùng với xôi trắng. Hạt xôi khô nhưng mềm, thơm hương nếp mới quyện với mùi chả vừa béo vừa ngọt. Mới ngửi đã thấy khó mà cưỡng lại được.
Bánh cuốn Thanh Trì
Làng cổ Thanh Trì trải dài 3 km dọc đê con sông Hồng ở phía Nam Hà Nội từ nhiều năm nay nổi tiếng với món bánh cuốn. Tên gọi bánh cuốn Thanh Trì dường như đã trở thành "thương hiệu" riêng cho món quà này.
Làm bánh cuốn cũng khá công phu, bột tráng bánh phải chọn loại gạo ngon, xay mịn như nước, từng lá bánh được tráng trên khuôn vải căng chụp trên nồi nước sôi. Mỗi lá bánh mỏng tang như tờ giấy, được thoa thêm một chút mỡ phi hành cho thơm. Khách ăn đến đâu, người bán khẽ bóc từng lá đến đấy như tách thứ lụa mỏng, mịn mỡ màng. Bánh cuốn không chỉ ngon và trông đẹp mắt, để thưởng thức trọn vẹn vị ngon của bánh cần có nước chấm. Nước chấm khéo pha với các loại nước mắm ngon, dấm nếp, thêm vài lát ớt tươi, giọt cà cuống và hành phi . Bánh có thể ăn kèm với chả quế, ruốc thịt, ruốc tôm hấp nóng trong một nồi nước. Mỗi đĩa bánh cuốn Thanh Trì với mươi lá mỏng là đủ một bữa điểm tâm thanh cảnh mà ngon lành.
Bánh cáy Thái Bình
Bánh cáy là đặc sản của làng Nguyễn xã Nguyên Xá huyện Đông Hưng tỉnh Thái Bình. Bánh cáy có nhiều màu sắc. Người ta chọn loại nếp ngon (nếp cái hoa vàng), mang hạt rang lên thành bỏng rồi giã thành bột, vê tròn thành quả. Quả được thái thành những thanh nhỏ bằng ngón tay, tẩm gấc thành con cái đỏ, tẩm quả dành dành thành con cái vàng, rồi đem rán mỡ giòn tan cộng với mạch nha làm từ mầm lúa ngọt và mát, mứt dừa, vừng, lạc rang thơm tróc vỏ. Cả nồi mạch nha được nhào trộn với những nguyên vật liệu trên cùng những hạt bỏng trắng tinh, đun vừa lửa đến độ dẻo cần thiết, bánh mềm, đem lèn chặt trong những chiếc khuôn bằng gỗ hình chữ nhật được lót thêm vừng, lạc, mứt dừa. Khi bánh nguội, dóc khuôn lấy ra cắt thành những thanh nhỏ, đóng hộp. Trên ban thờ ngày xuân, những hộp bánh cáy được xếp bên những bánh chưng, bánh dày, mâm ngũ quả…
Măng sặt Nghĩa Lộ - Yên Bái
Cơn mưa cuối xuân ào ạt tưới tắm cho cây cối, ruộng đồng. Rừng sặt (cây thuộc loại tre, thân nhỏ rất thẳng) Nghĩa Lộ, Yên Bái như bừng tỉnh sau một giấc ngủ dài: tươi tắn và sung sức. Đất rừng trở nên ẩm mềm và xốp. Chỉ vài ngày sau, măng sặt đồng loạt bật dậy tua tủa. Măng sặt Nghĩa Lộ đã vào mùa. Măng sặt chỉ to cỡ chuôi liềm, trắng nõn, mềm và ngọt, rất dễ chế biến, ăn không biết chán.