Mẹ ngài Mục Kiền Liên bị đoạ địa ngục.

Lễ Vu lan gắn với tích về ngài Mục Kiền Liên, một đại đệ tử của Đức Phật.

Khi còn sống, mẹ của Tôn giả Mục Kiền Liên tuy cầu Thần linh, nhưng không tin Phật, không tin Pháp, không tin Tăng. Bà chẳng những không tin Tam bảo, lại còn hủy báng, phá hoại Tam bảo... cho nên sau khi chết, bà liền bị đọa vào địa ngục.

Khi Tôn giả Mục Liên chứng quả vị A La Hán, đắc được lục thông, ngài quan sát khắp các cõi giới để tìm mẹ và thấy bà đã bị đọa vào địa ngục, cơm cũng không có mà ăn, Tôn giả liền đi xin một bát cơm để mang đến cho mẹ.

Vào đến địa ngục, Tôn giả dâng bát cơm, nào ngờ cơm vừa đưa đến miệng thì liền hóa thành lửa, không thể ăn được.

Tôn giả Mục Kiền Liên tuy là thần thông đệ nhất, nhưng cũng không làm được gì, đành đến gặp Đức Phật.

Phật bảo: “Vì mẹ của ông hủy báng Tam bảo, tội nghiệp quá nặng; bây giờ sức của một mình ông không thể nào giải cứu được. Muốn cứu mẹ thì vào ngày rằm tháng bảy, là ngày chư Phật hoan hỷ, ông thiết trai cúng dường Tam bảo, mẹ của ông sẽ lìa khổ được vui”.

Từ tích này mà về sau, tháng 7 âm lịch hàng năm trở thành tháng báo hiếu trong đạo Phật.


Nhà chùa còn tổ chức lễ Vu Lan tri ân công đức của cha mẹ.


Vào ngày này, các chùa thường tổ chức lễ hoa đăng, tụng kinh Vu Lan báo hiếu, cầu siêu cho các hương linh.

Nhà chùa còn tổ chức lễ Vu Lan tri ân công đức của cha mẹ. Nếu ai đó còn mẹ sẽ được cài một bông hoa màu hồng lên áo. Ai đã mất mẹ thì cài hoa trắng. Người cài hoa trắng sẽ thấy như một sự nhắc nhở, sẻ chia, không bao giờ quên ơn cha mẹ. Người được hoa hồng sẽ sung sướng vì biết rằng mình còn có mẹ.

Ngày lễ Vu Lan không chỉ có ý nghĩa là ngày cúng lễ tưởng nhớ ông bà tổ tiên, cúng cho các vong hồn cô quạnh mà sâu xa hơn, nó nhắc nhở người ta biết trân trọng những gì mình đang có: cha mẹ, gia đình, người thân.

Nghĩ về cái chết, cõi chết để làm những điều tốt đẹp hơn cho sự sống, cõi sống. Dù là những việc nhỏ bé nhất.



Một hình thức báo hiếu với cha mẹ trong ngày lễ Vu Lan là không giết súc sinh để cúng cô hồn.

Nếu mình giết súc sinh để cúng, thì lại tạo thêm nghiệp. Đức Phật nói: “Tất cả chúng sinh đều là cha mẹ đời quá khứ, và sẽ là Phật trong tương lai”. Chính vì điều này, vào tháng 7, nhiều người thực hành ăn chay, không giết hại con vật để đền đáp công ơn cha mẹ hiện tiền và quá khứ.

Ngoài ra, nhiều người còn cúng dường, làm phước, phóng sinh, bố thí để hồi hướng công đức cho cha mẹ.

Theo Đại Đoàn Kết